Đà Nẵng khống chế dịch, chia tay chi viện

GD&TĐ - Sau khi “sử dụng toàn lực vũ khí”, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định đã cùng Đà Nẵng đẩy lùi dịch bệnh. Ngày 31/8, đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia tay với Đà Nẵng để trở về TP Hồ Chí Minh sau hơn 1 tháng “chi viện” chống Covid-19.

Đại diện TP Đà Nẵng tặng hoa và cảm ơn đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã hỗ trợ cho TP Đà Nẵng trong thời gian qua.
Đại diện TP Đà Nẵng tặng hoa và cảm ơn đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã hỗ trợ cho TP Đà Nẵng trong thời gian qua.

Trong niềm vui có nỗi buồn

Bác sĩ Trần Thanh Linh – Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tâm sự rằng, cảm thấy rất hạnh phúc, ấm áp, tình người. “Trong cuộc đời mình chắc có lẽ chỉ có một lần duy nhất như thế. Khi ra “chiến trường” có “vũ khí” gì đều phải sử dụng hết. Lúc trước chúng tôi đã từng nói với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại đây rằng, nếu Đà Nẵng không có sự chuẩn bị chu đáo trong các phương án chống dịch thì lực lượng cả nước vào đây cũng gặp khó khăn. Nếu thiếu sự chu đáo thì không thể chỉ trong vòng 1 tháng đẩy lùi được dịch bệnh. Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định đã đẩy lùi được dịch bệnh”, bác sĩ Linh nói.

Cũng theo bác sĩ Linh, anh em làm chuyên môn vẫn cảm thấy trong niềm vui có nỗi buồn và day dứt.

“Mặc dù chúng ta biết, các trường hợp tử vong đều có bệnh lý nền rất nặng như: Suy tim, suy thận… Chất lượng sống bình thường không có Covid-19 là rất thấp. Nhưng mỗi ngày thấy con số tử vong xuất hiện, anh em vô cùng đau buồn và day dứt. Chúng tôi xin thay mặt cho những người làm y tế xin chia sẻ, gửi đến tất cả những gia đình có bệnh nhân Covid-19 đã mất lời chia buồn sâu sắc nhất”, bác sĩ Linh tâm sự.

Theo bác sĩ Linh, thời gian tới, mọi người cùng đồng lòng để có cuộc sống bình thường nhưng vẫn phải trong tâm thế phòng chống dịch. Bởi vì dịch Covid-19 trên thế giới hiện nay vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Để đợt dịch thứ 3 không thể xảy ra, các cơ sở y tế, đơn vị, doanh nghiêp, người dân phải đặt sự an toàn lên hàng đầu. Đồng thời, phải thực hiện tốt các nguyên tắc giãn cách cơ bản từ việc đeo khẩu trang, tránh tập trung đông người, rửa tay thường xuyên… Đây là những biện pháp phòng chống dịch đơn giản nhưng cần phải tạo thành thói quen.

“Rất mong thời gian rất ngắn tới, cả nước mình sẽ không còn dịch bệnh nữa. Đà Nẵng mình và người dân mình hay cả nước sẽ trở lại cuộc sống bình thường, mọi người có thể tự do thoải mái, có thể ngồi với nhau không phải đeo khẩu trang”, bác sĩ Linh nói.

Ông Nguyễn Văn Quảng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng và ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng bà Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP tạm biệt đoàn y, bác sĩ lên xe trở về TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Quảng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng và ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cùng bà Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế TP tạm biệt đoàn y, bác sĩ lên xe trở về TP Hồ Chí Minh.

Trân trọng những người xông pha nơi nguy hiểm

Ông Nguyễn Văn Quảng - Phó Bí thư Thường trực Đà Nẵng đã gửi lời cảm ơn đến đội ngũ y, bác sĩ đã góp phần vào công cuộc chống dịch thời gian qua. Ông nói: “Qua hơn 1 tháng các y, bác sĩ là những người vất vả nhất, xông pha vào những nơi nguy hiểm. Họ trực tiếp điều trị, đối mặt với nguy cơ rất cao nhưng các y, bác sĩ đã không nề hà, không ngại nguy hiểm. Để rồi, đến nay, rất nhiều bệnh nhân nặng đã được chữa khỏi và xuất viện”.

Phó Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh, thành phố rất trân trọng, cảm ơn những đóng góp của các y, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, những người trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân nặng. Đến thời điểm này, các y, bác sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình cùng với thành phố, ngành y tế TP kiểm soát được dịch bệnh. “Tình cảm này chúng ta sẽ ghi dấu ấn mãi trong lòng và trong suốt lịch sử của thành phố, nhất là trong công tác phòng chống dịch”, ông Quảng chia sẻ.

Bệnh nhân 416 có kết quả xét nghiệm 3 lần âm tính virus SARS-CoV-2 
Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, bệnh nhân 416 đã có 3 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 dù đây được đánh giá là ca bệnh phức tạp, thậm chí nặng hơn bệnh nhân 91 (phi công người Anh). “Cho đến hôm nay bệnh nhân đã hết Covid-19 theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế (3 lần âm tính). Tuy nhiên bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị bệnh lý và các biến chứng sau quá trình điều trị lâu tại bệnh viện”, bác sĩ Linh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ