Tối 8/3, tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm năm 2023. Lễ hội được diễn ra sau 3 năm tạm dừng do dịch Covid-19.
Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, khởi nguyên từ một lễ hội thuần túy tôn giáo, ngày nay, Lễ hội Quán Thế Âm đã trở thành một trong những lễ hội quan trọng về đời sống tinh thần của quý Chư - Tôn - Đức, Tăng – Ni, bà con Phật tử nói riêng, của người dân TP Đà Nẵng nói chung.
Bà Ngô Thị Kim Yến - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu khai mạc Lễ hội. Ảnh: Hoàng Vinh. |
“Đây chính là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và con người, vùng đất Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp. Vì vậy, lễ hội luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách thập phương trong nước và là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa và thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hoá dân tộc trên thế giới", bà Yến nói.
Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho độc bản 16 bức tranh sứ màu cẩn trên tường 4 tháp Chùa Quán Thế Âm. Ảnh: Hoàng Vinh. |
Vị đại diện UBND TP. Đà Nẵng cũng cho rằng, Lễ hội năm nay mong muốn góp phần tạo thêm những cầu nối về văn hóa đối với những đất nước có nền văn hóa Phật giáo tương đồng, ngày càng phát huy hiệu quả những giá trị của Danh thắng Ngũ Hành Sơn nói chung, Lễ hội Quán Thế Âm nói riêng, xứng đáng với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã được phong tặng.
Trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho độc bản Lá Bồ Đề lớn nhất mạ vàng 24k. Ảnh: Hoàng Vinh. |
Dịp này, Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho độc bản Lá Bồ Đề lớn nhất mạ vàng 24k và cho độc bản 16 bức tranh sứ màu cẩn trên tường 4 tháp Chùa Quán Thế Âm cho chùa Quán Thế Âm.
Lễ hội Quán Thế Âm năm nay diễn ra từ ngày 8 đến 10/3 (tức ngày 17 đến 19/2 Âm lịch) với nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú như: Lễ vía đức Bồ tát Quán Thế Âm; Lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công chúa, Lễ tế Xuân cầu quốc thái dân an; Hội thi điêu khắc đá mỹ nghệ non nước, trình diễn khinh khí cầu, khai hội hô hát bài chòi…
Trong khuôn khổ của lễ hội có các hoạt động diễn thuyết về giá trị Ma nhai Ngũ Hành Sơn- Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương.