Đến nay, TP Đà Nẵng đã trải qua hơn nửa tháng thực hiện cách ly xã hội. Chừng đó thời gian, khoảng 15.000, 16.000 lao động tự do kẹt lại ở tâm dịch. Số lượng người rất lớn này đặt ra khó khăn cho công tác cứu trợ xã hội, kiểm soát dịch bệnh. Thành phố đang căng mình chống dịch nên việc cứu trợ đối với các trường hợp này còn nhiều nan giải.
Trong những ngày đầu tiên thành phố Đà Nẵng thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16, các công trình xây dựng chưa bị ngừng hoạt động. Sau đó, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nên thành phố dừng hoạt động các công trình thi công. Việc dừng thi công các công trình xây dựng thực hiện sau khi đã dừng toàn bộ các hoạt động vận tải công cộng. Vì vậy, rất nhiều công nhân, lao động phổ thông bị kẹt lại ở các công trường, khu nhà trọ.
Anh Đào Ngọc Đông, ở huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam loanh quanh trong căn phòng trọ ẩm thấp suốt 2 tuần nay. Mấy ngày đầu, Đông ăn cơm bụi. Đến khi các dịch vụ tạm dừng thì anh tự nấu 1 lần ăn cả ngày. Nay thành phố phát thẻ đi chợ ngày chẵn - lẻ mà những người ở trọ, không có hộ khẩu cũng không thấy ai đến phát thẻ đi chợ. Vì vậy, ngoài nỗi lo dịch bệnh, Đông còn nỗi lo không có gì để ăn uống qua ngày.
"Tôi làm lao động thời vụ ở công trình Ikon. Tôi ở đây từ đầu dịch nên phải hết sức tiết kiệm. Nay thành phố phát thẻ đi chợ, mà người ở trọ thì không có, nên không biết sẽ đi chợ kiểu gì. Dịch kéo dài chắc tôi về nhưng không biết có về được không", anh Đông lo ngại.
Khác với Đào Ngọc Đông, anh Vũ Xuân Hùng ở quận Hà Đông, TP Hà Nội đã vào Đà Nẵng được 7 năm, dự kiến ở lại dài lâu. Hai vợ chồng bán bắp xào, chả cá trên chiếc xe đẩy, làm ăn kiếm sống qua ngày. Khi có dịch, anh đưa vợ con về quê trước. Anh Hùng ở lại trong khu nhà trọ tại tổ 20, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà chờ qua dịch để làm ăn. Bây giờ, dịch kéo dài, anh Hùng lâm cảnh tiến thoái lưỡng nan, thiếu thốn đủ bề.
"Dịch thế này làm ăn khó lắm, chỉ mong được thành phố hỗ trợ. Tiền phòng, tiền sinh hoạt mỗi tháng mấy triệu đồng. Bây giờ em muốn về cũng không về được, bởi về thì phải cách ly. Về cũng dở mà ở cũng dở", Hùng chia sẻ.
Cứu trợ nhóm lao động là đồng bào người Cơ Tu bị kẹt lại ở Đà Nẵng |
Những người mắc kẹt lại ở tâm dịch Đà Nẵng đủ thành phần, nhiều hoàn cảnh. Họ là những người lao động, sinh viên không thể rời Đà Nẵng, thuê nhà ở rải rác tại các quận, huyện. Số khác làm việc ở các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản, tại các khu công nghiệp... Khó khăn mà họ đang đối diện cũng rất đa dạng.
Trong căn phòng trọ chật chội ở số nhà 32, đường Mân Quang 4, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, 4 cô gái công nhân là người Pa Cô ở xã Lìa, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị, rất khó khăn trong việc chăm sóc một em bé sơ sinh là con của Hồ Thị V. trong phòng trọ.
Theo lời kể của công nhân Hồ Thị Trang, bạn V. giấu gia đình vào Đà Nẵng làm lao động thời vụ ở một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp dịch vụ và thủy sản Thọ Quang, quận Sơn Trà. Gia đình V. không hề biết việc V. có thai. Cô này dự định 2 tháng nữa mới về quê sinh con, không ngờ mới được 7 tháng đã sinh em bé, lại gặp lúc phải cách ly xã hội. Sau khi sinh nở mẹ tròn con vuông, cô được bệnh viện cho xuất viện về lại khu phòng trọ. Hồ Thị Trang kể các em thật sự lúng túng nhưng rất may, nhiều nhà hảo tâm đã đến chia sẻ hỗ trợ tiền gạo.
"Em chỉ biết phụ bồng bé, giặt đồ cho bé, pha sữa và nấu ăn. Ở đây Công ty cũng lo cho một phần như cho tiền trọ, cho tiền mặt, giúp đỡ nhiều lắm. Cũng nhiều người cho gạo, dầu ăn, tiền nữa", Trang cho biết.
Theo Quyết định tiếp tục giãn cách xã hội, UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê, kịp thời tham mưu, đề xuất hỗ trợ, cứu trợ người dân, công nhân lao động, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội trong và sau dịch. Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng cho biết, các tổ dân phố đã rà soát những hộ khó khăn, công nhân lao động, sinh viên không thể về quê để kịp thời hỗ trợ họ.
Cụ thể, các tổ dân phố đều có thống kê số liệu, tập trung về đầu mối là UBMTTQVN của phường phối hợp với UBND phường. Trên cơ sở rà soát này, trường hợp công nhân, sinh viên tạm trú không thể về quê sẽ được hỗ trợ theo từng đợt. Ưu tiên những hộ nghèo, sau đó đến hộ khó khăn, những trường hợp công nhân, sinh viên cần hỗ trợ cấp bách cũng sẽ được ưu tiên hỗ trợ theo đợt.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng |
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, báo cáo từ các địa phương cho thấy, Đà Nẵng hiện có khoảng 15.000-16.000 lao động tự do nhiều tỉnh, thành miền Trung đang kẹt lại ở các khu nhà trọ, tạm trú. Nếu tính toàn bộ lao động ngoại tỉnh như công nhân, lao động đang làm việc tại các nhà máy, xưởng, khu chế xuất, khu công nghiệp..., thì con số này lên hơn 110.000 người. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp vẫn đang làm việc. Khó khăn nhất là số lao động tự do mất việc. Trong số này, khoảng 7.600 người có nhu cầu về quê và khoảng 6.700 học sinh, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng đang gặp khó.
Hiện Sở đã nhận được rất nhiều thông tin các lao động ở lại Đà Nẵng. Sở cũng đã liên hệ với các địa phương để cùng tham gia hỗ trợ người lao động về lương thực, thực phẩm. Qua nắm tình hình, nơi nào khó khăn thì các địa phương sẽ trực tiếp hỗ trợ. Còn nếu như địa phương cũng khó khăn thì đề nghị thành phố hỗ trợ./.