Đà Nẵng: Dạy học trực tiếp gặp khó do các địa phương luôn thay đổi cấp độ dịch

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho hay, cấp độ dịch của nhiều địa phương thường xuyên thay đổi, GV và HS lại ở nhiều địa phương khác nhau… Chính vì vậy, việc xây dựng lộ trình cho HS tới trường gặp nhiều khó khăn.

Học sinh lớp 1 ở Đà Nẵng tạm dừng học trực tiếp sau 1 tuần đến trường, do ảnh hưởng của dịch.
Học sinh lớp 1 ở Đà Nẵng tạm dừng học trực tiếp sau 1 tuần đến trường, do ảnh hưởng của dịch.

Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, trong phần thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cho rằng, hiện học sinh cấp từ lớp 8-12 trên địa bàn thành phố đã được đi học trở lại. 

Học sinh lớp 1 đã được đi học trực tiếp 1 tuần, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch, học sinh còn nhỏ, bên cạnh đó phụ huynh còn nhiều lo lắng nên TP đã cho tạm dừng việc đến trường.

“Đề nghị UBND TP và Sở GD&ĐT cần lên phương án đi học trở lại cho học sinh toàn thành phố trong thời gian tới, để phụ huynh, học sinh chuẩn bị tốt tâm lý và an tâm trong việc đi học trở lại”, đại biểu Hương kiến nghị.

Thông tin về vấn đề này, ông Trần Nguyễn Minh Thành – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, 2 năm qua, ngành giáo dục chịu ảnh hưởng rất nhiều do dịch Covid-19. 

“Căn cứ các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã có nhiều hướng dẫn về chương trình, khung thời gian năm học, phù hợp với tình hình mới, quy định thời gian, thời lượng mỗi tiết học, buổi học, đảm bảo nội dung tinh gọn phù hợp học trực tuyến. Bên cạnh đó, thường xuyên lớp tập huấn cho giáo viên về nội dung phương pháp tổ chức dạy học trực tuyến”, ông Thành thông tin.

Ngoài ra, ngay từ đầu năm học 2021-2022, các trường học trên địa bàn đã tích cực kêu gọi và hỗ trợ học sinh gặp khó khăn học trực tuyến. 

Theo ông Thành, việc dạy học trực tuyến đã gặp rất nhiều khó khăn và chưa đạt được kết quả như yêu cầu. Vì vậy ngành giáo dục TP đã tham mưu thành phố từng bước cho học sinh các khối lớp đến trường. Nhưng qua thời gian triển khai, việc tổ chức học trực tiếp hiện gặp rất nhiều vấn đề phát sinh cần phải xử lý.

Cụ thể, cấp độ dịch của nhiều địa phương thường xuyên thay đổi, giáo viên học sinh lại ở nhiều địa phương khác nhau, chính vì vậy trường thường xuyên thay đổi hình thức giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến.

“Tính đến 15/12, học sinh lớp 1 trên địa bàn Đà Nẵng đã dừng học trực tiếp, 15 trường THCS, 13 trường THPT và 2 Trung tâm giáo dục thường xuyên chưa thể học trực tiếp. Do địa phương nơi có trường học chuyển cấp độ dịch hoặc nhiều giáo viên, học sinh đang ở vùng cấp độ 3,4.

Ngoài ra, 21 trường THCS và 6 trường THPT phải kết hợp học trực tiếp và học trực tuyến vì có nhiều giáo viên, học sinh ở vùng cấp độ 3,4 hoặc liên quan đến các F. Vì vậy, việc dạy học trực tiếp không thể tổ chức đồng bộ tại các địa phương”, ông Thành cho biết thêm.

Ngoài ra, việc thay đổi hình thức dạy học, các giáo viên vừa dạy học trực tiếp, trực tuyến, lại còn dạy thay cho các giáo viên bị mắc Covid-19 nên rất khó.

"Chính vì vậy, việc xây dựng lộ trình dài hạn cho học sinh tới trường gặp nhiều khó khăn vì phải căn cứ tình hình dịch bệnh", ông Thành nhấn mạnh.

Để khắc phục những tình trạng trên, đại diện Sở GD&ĐT cho hay, ngành giáo dục thành phố đang phối hợp với trường học và các đơn vị liên quan, nhằm nâng cao chất lượng dạy học nhất là việc dạy học trực tuyến trong thời gian tới. Linh hoạt hơn trong phối hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp… Xây dựng tốt hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ thông tin để hỗ trợ học sinh, giáo viên dạy học.

Học sinh cấp THPT ở Đà Nẵng đi học trở lại.
Học sinh cấp THPT ở Đà Nẵng đi học trở lại.

Liên quan vấn đề học trực tiếp, ông Lương Nguyễn Minh Triết – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng cho rằng, hiện có 2 luồng ý kiến của phụ huynh, thứ nhất là việc phụ huynh lo lắng khi học sinh đến trường sẽ bị dịch bệnh, thứ 2 là học trực tuyến sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Đề nghị Sở GD&ĐT có giải pháp phù hợp để tham mưu thành phố quyết định.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP phải hỗ trợ cho việc đường truyền khi học sinh học trực tuyến được thông suốt.   

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.