Đà Nẵng: Đảm bảo quyền lợi cho người lao động tại trường THPT Trần Phú

GD&TĐ - 154 cán bộ, giáo viên trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) không được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ trong một thời gian dài. Sự việc chỉ được phát hiện vào thời điểm tháng 7/ 2013, khi ông Lê Vinh được điều chuyển về làm Hiệu trưởng tại trường.

Trường THPT Trần Phú
Trường THPT Trần Phú

Bắt đầu từ số tiền kết dư do phía Bảo hiểm xã hội thông báo cho trường THPT Trần Phú với khoản tiền hơn 500 triệu đồng, cùng với việc tiếp nhận đơn kiến nghị của 5 - 6 trường hợp đã nghỉ hưu và một số trường hợp nghỉ thai sản nhưng không được hưởng đúng chế độ, ông Lê Vinh – lúc đó vừa đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú - rà soát lại bảng lương và các quyết định có liên quan đến chế độ, chính sách tiền lương, phát hiện nhiều người lao động không được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ trong một thời gian dài cùng nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi người lao động như đóng không đúng với hệ số lương thực nhận, thiếu phụ cấp thâm niên, phụ cấp vượt khung…

Tháng trước hệ số lương 3,33, tháng sau còn 2,34

Ông Lê Vinh cho biết: “Rà soát lại bảng lương của thời điểm trước khi tôi tiếp nhận thì thấy bảng lương không có hoặc nếu có thì không đúng.

Các quyết định nâng lương, vượt khung, thâm niên của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường hoặc là thiếu hoặc là không đúng, chẳng hạn như lên hệ số lương bị sai.

Có trường hợp hy hữu như cùng trong một năm nhưng tháng 6 đang hưởng hệ số lương 3,33 nhưng qua tháng 7, hệ số lương chỉ còn 2,34 mà không hề bị kỷ luật hạ bậc lương”.

Từ sai sót này đã dẫn đến việc trả lương, vượt khung, thâm niên của một số công chức viên chức và người lao động (CC-VC-NLĐ) không đúng với các quy định.

Ngoài ra, cũng theo ông Lê Vinh thì từ năm 2010 cho đến thời điểm tháng 6/2013, trường THPT Trần Phú chưa báo tăng, giảm cho Bảo hiểm xã hội (BHXH) khi có trường hợp tăng lương, thâm niên, vượt khung.

Chính vì vậy, khi nhà trường chuyển thanh toán cho BHXH đúng, đủ theo mức lương và phụ cấp mà CC-VC-NLĐ thực nhận thì có hiện tượng kết dư do có sự chênh lệch. “Chúng tôi chuyển tiền sang BHXH nhưng không thể báo tăng được vì không thể đóng “nhảy cóc” hệ số lương được”.

Chẳng hạn như trường hợp thầy Phan Tiến Dậu, hệ số lương đóng tại BHXH chỉ ở mức 2,34, không có thâm niên nhà giáo nhưng trên thực tế, tại thời điểm 1/8/2014 đã được hưởng hệ số lương 3,0, hưởng thâm niên nhà giáo 5%.

Nếu chưa được đóng BHXH ở hệ số lương 2,67 rồi lên 3,0 thì thầy Dậu không thể điều chỉnh đóng ở mức 2,34 được.

Thầy giáo Ngô Văn Bang hệ số lương tại BHXH là 4,98, không có phụ cấp kèm theo. Trong khi đó, trên thực tế thầy Bang còn hưởng thêm thâm niên vượt khung 8% và thâm niên nghề giáo 35%.

Từ đây đã dẫn đến hệ lụy có khoảng 5 - 6 trường hợp nghỉ hưu nhưng không nhận BHXH đúng theo mức đóng. Như trường hợp của cô Nguyễn Thị Hiền – nhân viên y tế, khi nghỉ hưu thì sổ bảo hiểm chỉ có 10 năm; ông Huỳnh Ngọc Tân thời điểm nghỉ hợp đồng với trường THPT Trần Phú không được hưởng một chế độ nào; thầy Lê Thiện Trà bị “lủng” mất hai năm không tham gia bảo hiểm dù vẫn bị trừ bảo hiểm.

Sửa sai: Công việc phức tạp, nhiêu khê

Sau khi rà soát văn bản, ông Lê Vinh đã làm tờ trình số 126, ngày 24 tháng 7 năm 2013 để xin ý kiến Giám đốc Sở GD&ĐT và lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc Sở về hướng giải quyết. Sau đó, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp tại trường THPT Trần Phú, có cả sự tham gia của kế toán cũ và mới của trường để đi đến kết luận.

Theo đó, “về các quyết định nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên bị sai hoặc bị thiếu: giao cho Hiệu trưởng nhà trường ra quyết định điều chỉnh, bổ sung với sự hướng dẫn của phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT”.

Ngoài ra, “việc truy nộp BHXH cho các GV đã về hưu nhưng chưa được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo và điều chỉnh sai sót trong nâng bậc lương thường xuyên trong thời gian qua của đội ngũ, Sở GD&ĐT sẽ làm việc với BHXH thành phố, sau đó Hiệu trưởng có trách nhiệm chỉ đạo kế toán cũ và mới trực tiếp làm việc với BHXH thành phố để truy nộp, điều chỉnh lương hưu của các giáo viên đã nghỉ hưu, truy nộp BHXH do chênh lệch tiền lương sau khi đã điều chỉnh, bổ sung các quyết định nâng lương có sai sót”.

Ông Lê Vinh cho biết, nói thì đơn giản nhưng bắt tay vào làm mới thấy quá phức tạp và nhiêu khê. “Bảng lương bị thất lạc nhiều, chúng tôi liên hệ với kho bạc để xin cấp lại thì kho bạc chỉ lưu giữ số liệu trong một năm, ngân hàng cũng chỉ lưu giữ trong 2 năm nên không có căn cứ để bổ sung các quyết định lương và phụ cấp.

Tôi phải lật hồ sơ kỷ luật tại trường để xem có trường hợp nào bị hạ bậc lương hay không, tìm dữ liệu ở Phòng Tổ chức cán bộ của Sở xem có trường hợp nào nâng lương trước thời hạn hay không, từ đó mới bắt đầu xây dựng lại quyết định bổ sung nâng lương rồi gửi các tổ chuyên môn xem có khớp không. Thời điểm đó, các quyết định nâng lương lưu trữ lại chỉ có khoảng 1/3”.

Ông Lê Vinh khẳng định: “Nếu thời điểm đó, tôi không đứng ra giải quyết thì cũng không sao, vì đó không thuộc trách nhiệm của tôi. Nhưng quyền lợi của hơn 150 con người bị ảnh hưởng, và những gì liên quan đến các thầy cô, mình làm được chừng nào thì hay chừng đấy.

Với sự cho phép của Sở GD, tôi đã ký quyết định bổ sung cho thời điểm mà tôi không làm Hiệu trưởng tại trường THPT Trần Phú để hoàn chỉnh hồ sơ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên”.

Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, trường THPT Trần Phú gửi hết hồ sơ sang BHXH nhưng với một khối lượng hồ sơ rất lớn là rất khó để giải quyết. BHXH TP Đà Nẵng đã thống nhất với phương án chia thành gói nhỏ khoảng 30 hồ sơ/đợt giải quyết.

Theo đó, gói đầu tiên sẽ ưu tiên cho những trường hợp thai sản; gói 30 người tiếp theo dành cho những trường hợp đã nghỉ hưu hoặc gần về hưu, gói tiếp theo là những người còn khoảng 3 năm thì nghỉ hưu.

“Chúng tôi giải quyết điều chỉnh được khoảng 90 trường hợp thì tôi có quyết định điều chuyển sang trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn làm Hiệu trưởng. Đây cũng là thời điểm hết tiền để nộp điều chỉnh” – ông Lê Vinh cho biết.

Rà soát lại toàn bộ quá trình

Với 90 trường hợp đã được điều chỉnh, theo như cô Phạm Thị Thảo – kế toán trường THPT Trần Phú, nhà trường chỉ mới giải quyết theo hình thức sử dụng tiền kết dư tại BHXH do có nhiều trường hợp chưa thể điều chỉnh được hệ số lương và các khoản phụ cấp được hưởng trên thực tế khớp với số liệu tại BHHXH. Đến nay, số tiền kết dư của trường còn khoảng 9 triệu.

“Số tiền này không đủ để đóng cho khoản chênh lệch của 60 trường hợp còn lại. Chính vì vậy, trong Đại hội Công nhân viên chức mới đây, nhà trường đã đưa ra giải pháp sẽ sử dụng quỹ tiết kiệm và quỹ phúc lợi của nhà trường để bù đắp vào. Hướng giải quyết này đã được 100% phiếu ủng hộ tại đại hội, nhưng sau đó lại có thông tin ra ngoài” – ông Phan Hùng – Hiệu trưởng trường THPT Trần Phú cho biết.

Theo như ông Văn Phú Long – Trưởng phòng Quản lý thu, BHXH TP Đà Nẵng thì về mặt nguyên tắc, nếu đơn vị sử dụng lao động nộp đúng và đủ thì sẽ không có thể thừa hoặc thiếu. “Khi có quyết định tăng lương thì ngay tháng đầu tiên, nhà trường phải báo điều chỉnh cho BHXH để cập nhật.

Như trong tình huống của trường thì từ năm 2013 trở về trước, nhà trường đã không cập nhật kịp thời việc tăng lương nên khi đóng đủ thì mới có hiện tượng kết dư”.

Hồ sơ BHXH của trường Trần Phú năm 2010 cho thấy, hầu như không có báo tăng. Tháng 4/2011, số lượng người tham gia bảo hiểm là 162 giảm xuống còn 159, lý do giảm là do có người nghỉ hưu nhưng kết quỹ bị thiếu 77.632.807 đồng.

Theo ông Văn Phú Long, tháng 4/2011 có thiếu nhiều dù trước đó có kết dư chứng tỏ có sự điều chỉnh lớn, có thể là bổ sung hệ số lương cho những trường hợp nghỉ hưu.

Chiều 6/10. BHXH TP Đà Nẵng đã làm việc với trường THPT Trần Phú để rà soát hồ sơ. Ông Văn Phú Long cho biết: Về nguyên tắc, không thể lấy khoản nộp BHXH của người này để bù cho người khác được, cũng không thể truy thu nếu người lao động đã được trích nộp đủ BHXH. Chính vì vậy, cần rà soát cả quá trình để lãm rõ ở giai đoạn nào sai, ai sai thì phải chịu trách nhiệm.

Báo GD&ĐT sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

"Sở sẽ thành lập Đoàn kiểm tra việc đóng bảo hiểm xã hội toàn bộ giáo viên, nhân viên tại Trường THPT Trần Phú; thời gian kiểm tra từ ngày 11/10/2016.

Sau khi kiểm tra, nếu phát hiện có sai phạm, các cá nhân liên quan sẽ phải viết tường trình và chịu xử lý theo đúng Pháp lệnh Cán bộ, công chức cũng như các quy định của pháp luật hiện hành.

Dù bất kì lí do sai sót nào, Sở cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để có hướng giải quyết kịp thời đối với các giáo viên, nhân viên bị đóng thiếu tiền bảo hiểm trong thời gian qua, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo đúng quyền lợi cho người lao động” - 
Ông Nguyễn Đình Vĩnh – GĐ Sở GD&ĐT Đà Nẵng 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ