Đà Nẵng cùng dân đi qua ngày mưa lũ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đợt mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến nhiều khu vực thấp trũng ở Đà Nẵng bị ngập lụt.

Lực lượng công an, bộ đội di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt.
Lực lượng công an, bộ đội di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt.

Đợt mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến nhiều khu vực thấp trũng ở Đà Nẵng bị ngập lụt. Sau khi nước rút, hàng nghìn người dân được sơ tán đã trở về nhà dọn dẹp bùn non sau cơn lũ.

“Chiến đấu” với bùn non

Cơn mưa lớn kéo dài từ ngày 13 - 14/10, đã khiến nhiều vùng trũng thấp ở TP Đà Nẵng ngập sâu. Rút kinh nghiệm từ năm trước, ngay từ khi có thông báo mưa lớn, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ra công điện khẩn yêu cầu lực lượng chức năng đến những vùng trũng thấp, nhanh chóng sơ tán người dân đến nơi an toàn trước khi nước lên cao. Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã trực tiếp kiểm tra việc sơ tán, đồng thời động viên nhân dân, đảm bảo mọi người dân phải an toàn trước, trong và sau mưa lũ.

Theo báo cáo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, thành phố đã sơ tán 5.369 người tránh lũ. Trong đó, quận Liên Chiểu sơ tán nhiều nhất là 4.726 người.

Ngày 16/10, ở TP Đà Nẵng đã ngớt mưa, nước tại các khu dân cư bắt đầu rút, nhiều người dân đi sơ tán đã trở về nhà dọn dẹp nhà cửa, hàng quán, ổn định sinh hoạt trở lại.

Ghi nhận của Báo GD&TĐ tại khu vực “rốn lũ” ở đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, nơi nước ngập sâu từ 1,5m đến 2m. Sau khi nước rút, bùn chưa khô, người dân nhanh chóng về nhà dọn dẹp, xịt nước rửa đồ đạc.

Vừa dọn bùn non bám trên tường, bà Hồ Thị Minh Liên (SN 1976, trú tại đường Mẹ Suốt) cho hay, ngôi nhà bà bị ngập 1,3m, bùn bám khắp nơi. Mặc dù nước lụt không cao bằng năm ngoái nhưng cũng gây ra thiệt hại nhiều cho gia đình.

“Năm ngoái nước lên cao và nhanh nên tài sản hầu như bị hư hỏng hết. Năm nay dù có chuẩn bị kê cao đồ đạc nhưng nước vào nhanh nên cũng bị hư khá nhiều. Hai năm nay gia đình quá khổ sở vì mưa lũ, tiền làm ra không đủ để mua sắm lại tài sản”, bà Liên than thở.

Cách đó không xa, ngôi nhà của anh Phan Thanh Vũ cũng trong tình trạng ngập đầy bùn non. Đây là năm thứ 2 liên tiếp mà gia đình anh Vũ phải sống trong cảnh ngập bùn sau đợt mưa lớn. Theo người dân vùng lụt, nước rút tới đâu thì tranh thủ dọn tới đó, vì để lâu bùn non sẽ bị khô và khó dọn dẹp.

“Do có thông báo từ trước nên gia đình chủ động kê cao đồ đạc rồi đi sơ tán theo yêu cầu của chính quyền. Sau lụt cả gia đình về chiến đấu với bùn non như thế này đây. Đồ đạc như nệm, mền mùng… thì bị ướt hết, giờ cái nào giặt được thì đem giặt, không thì phải mua cái mới”, anh Vũ nói.

Cùng cảnh ngộ khổ sở chạy lũ ròng rã mấy ngày qua, khi mưa dứt, nước rút, nhiều sinh viên đang ở trọ tại đường Mẹ Suốt đã trở về phòng dọn dẹp, kiểm tra thiệt hại.

Đang ở trọ tại K57/24 đường Mẹ Suốt, sinh viên Đặng Minh Bảo - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Đây là lần đầu tiên chạy lụt nên em rất bất ngờ và lo sợ. Trước giờ em chưa từng dọn lụt nên không có kinh nghiệm. Em chỉ vội cầm máy tính và kê bàn ghế, sách vở lên cao rồi đi sơ tán. Giờ quay về thì đồ sinh hoạt hầu như bị ngập nước hết, thiệt hại không nhiều nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian để dọn dẹp”.

Chung dãy trọ với Bảo, em Trần Thị Thanh Thùy, sinh viên năm 2, Khoa Sư phạm Toán - Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho hay, đây là lần thứ 2 em chạy lụt. “Trận lụt năm ngoái đã làm hư hết đồ sinh hoạt nên năm nay em đã cùng bạn dọn dẹp từ sớm, kê những đồ quan trọng lên cao. May mắn là lần này không gây thiệt hại nhiều. Chắc sau đợt này em sẽ chuyển trọ lên chỗ cao hơn để tránh ngập”, Thùy chia sẻ thêm.

Đồ đạc bị hư hỏng, nhà cửa đầy bùn non sau trận lụt.

Đồ đạc bị hư hỏng, nhà cửa đầy bùn non sau trận lụt.

Người dân sống ở đường Mẹ Suốt dọn dẹp nhà cửa sau khi nước rút.

Người dân sống ở đường Mẹ Suốt dọn dẹp nhà cửa sau khi nước rút.

Lăn xả vào vùng lũ giúp dân

Để giúp nhân dân vượt qua khó khăn trong mưa lũ, trước, trong và sau thời điểm mưa lũ kéo dài, hàng nghìn bộ đội, công an cùng đoàn viên thanh niên TP Đà Nẵng đã xắn tay áo, có mặt tại vùng rốn lũ để hỗ trợ nhân dân.

Cụ thể, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố đã điều động 433 cán bộ/chiến sĩ ứng trực tại các địa bàn trọng điểm về ngập lụt. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng đã điều động 200 lượt cán bộ/chiến sĩ hỗ trợ công tác khắc phục tại khu vực biên giới biển và các điểm sạt lở đường khu vực đèo Hải Vân. Công an thành phố huy động 100% quân số ứng trực hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ.

Chị Hồ Thị Minh Liên buồn bã khi 2 năm qua, căn nhà chị đang ở đều bị ngập lụt khiến nhiều tài sản trong nhà bị hư hỏng.

Chị Hồ Thị Minh Liên buồn bã khi 2 năm qua, căn nhà chị đang ở đều bị ngập lụt khiến nhiều tài sản trong nhà bị hư hỏng.

Phòng trọ của em Đặng Minh Bảo ngổn ngang sau trận lụt.

Phòng trọ của em Đặng Minh Bảo ngổn ngang sau trận lụt.

Sinh viên Trường Đại học Đông Á hỗ trợ sửa chữa miễn phí xe máy bị hư hỏng do ngập lụt.

Sinh viên Trường Đại học Đông Á hỗ trợ sửa chữa miễn phí xe máy bị hư hỏng do ngập lụt.

Riêng khu vực “rốn lũ” đường Mẹ Suốt, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động với hơn 200 cán bộ chiến sĩ đã triển khai hỗ trợ giúp dân sơ tán di dời tài sản.

Ngoài ra, hàng trăm đoàn viên thanh niên do Thành đoàn Đà Nẵng lập thành 56 đội đã nhanh chóng đến hỗ trợ người dân các vùng ngập lụt dọn dẹp đồ đạc, tiếp tế thực phẩm…

Cũng trong ngày 16/10, Quận đoàn Liên Chiểu cùng với Đoàn Thanh niên Trường Đại học Đông Á tổ chức sửa chữa miễn phí xe máy bị hỏng do mưa lũ, ngập lụt gây ra cho người dân.

Anh Lê Đình Lượng - Phó Bí thư Đoàn Trường Đại học Đông Á cho hay, để giúp người dân sửa chữa xe bị hư hỏng do bị ngập lụt, Đoàn Thanh niên trường đã lập đội sửa chữa xe với 22 thành viên.

“Thợ sửa chữa đa phần là các bạn sinh viên được đào tạo và có kỹ năng sửa chữa xe máy khi bị ngập nước. Tại đây đoàn viên thanh niên sẽ sửa chữa miễn phí xe máy cho người dân, sinh viên bị hư do ngập nước. Chúng tôi sẽ hoạt động đến ngày 20/10. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần xung kích của đoàn viên, thanh niên, kịp thời hỗ trợ người dân, sinh viên đang ở trọ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống”, anh Lượng chia sẻ.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng - Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng cho biết, sau khi có thông tin về tình hình mưa lũ phức tạp, đơn vị đã lên phương án và huy động đoàn viên thanh niên ra quân phối hợp cùng các lực lượng khác đến những hộ dân xung yếu di dời đồ đạc, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

“Hàng trăm đoàn viên thanh niên đã góp sức vào việc hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình vượt qua khó khăn. Giảm được rủi ro, thiệt hại mà thiên tai gây ra trong mưa lũ”, anh Dũng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.