(GD&TĐ) - Ngày 12/8, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết, chính phủ nước này đang cân nhắc khả năng khởi kiện Tây Ban Nha lên các tòa án châu Âu sau khi chính quyền Madrid cố tình gây ách tắc giao thông trên tuyến đường chiến lược án ngữ lối vào Địa Trung Hải và Bắc Phi từ Đại Tây Dương. Cuộc đấu khẩu Anh - Tây Ban Nha về những hòn đá ở vịnh Algeciras (Gibraltar- thuộc địa của Anh nằm sát biên giới phía nam Tây Ban Nha) rất có thể sẽ bùng phát thành cuộc đối đầu căng thẳng.
Bắt đầu từ những... hòn đá
Trong hai ngày (24 - 25/7), Gibraltar ném xuống vịnh Algeciras 70 khối bê tông, mỗi khối có kích thước độ nửa mét khối gắn với thanh sắt dài nửa mét sắc nhọn như những lưỡi gươm. Tây Ban Nha cho rằng hành động trên đã làm hủy hoại ngư trường, ảnh hưởng đến hoạt động của ngư dân và tất nhiên “không thể chấp nhận được”. Ngoài việc doạ thu phí 50 euro với mỗi người và phương tiện qua lại cửa khẩu thuộc biên giới Tây Ban Nha - Gibraltar, Madrid đồng thời thắt chặt kiểm soát hải quan khiến khách du lịch và người dân địa phương phải xếp hàng dài dưới trời nóng bức chờ qua cửa khẩu.
Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo ví những tuyên bố của Madrid chẳng khác gì “tuyên bố của Triều Tiên chứ không phải của một đối tác châu Âu”. Fabian Picardo cho rằng kiểu hành xử của Madrid mang tính đe doạ và nó chỉ có ở chế độ độc tài Franco vào những năm 1960 ở Tây Ban Nha.
“Thật xấu hổ khi các công dân châu Âu phải đợi gần 6 tiếng đồng hồ mới được qua biên giới...”- Thông cáo của chính quyền Gibraltar nhấn mạnh.
Ngày thứ hai (12/8), London cho biết đang cân nhắc để kiện Tây Ban Nha ra toà án châu Âu vì hành động kiểm tra hải quan mà họ gọi là “kỳ quặc” đồng thời gửi đến Gibraltar một tàu chiến. Người phát ngôn văn phòng Thủ tướng Anh gọi các động thái kiểm tra hải quan gắt gao của Madrid là “mang động cơ chính trị”.
Tranh cãi Tây Ban Nha-Anh về Gibraltar sẽ kéo dài đến bao giờ? |
Bình mới, rượu cũ
Câu chuyện lùm xùm giữa Tây Ban Nha và Gibraltar sau đó với Anh diễn ra gần đây chỉ là phần nổi của tảng băng có tên “tranh chấp lãnh thổ”. Cuộc tranh cãi giữa London và Madrid về Gibraltar không phải chỉ diễn ra hôm qua. Phần đất mang tính chiến lược có diện tích 7 km2 với dân số 30 ngàn người đã mang lại bao rắc rối cho hai nước trong suốt 300 năm qua.
Trước năm 1704, Tây Ban Nha là ông chủ đích thực của vùng lãnh thổ này. Đến năm 1713, Tây Ban Nha đã phải “cống” phần đất Gibraltar cho Anh theo Hiệp ước Utrecht. Trong khoảng thời gian khá dài, London đã duy trì sự hiện diện quân sự khá mạnh ở Gibraltar. Theo ông Alejandro Baron, người đang làm việc tại Quỹ quan hệ và đối thoại quốc tế của Tây Ban Nha thì “vấn đề Gibraltar đã không tạo ra bất kỳ xung đột vũ trang nào và trong mọi hoàn cảnh, Tây Ban Nha cũng không có khả năng quân sự để chiếm lại vùng đất”.
Tuy nhiên, tất cả những điều trên đều không thể ngăn chặn Gibraltar trở thành cội nguồn cho nhiều cuộc khủng hoảng trong suốt nhiều năm qua. Năm 1969 Franco đóng cửa biên giới từ phía Tây Ban Nha và tình trạng này đã kéo dài đến tận những năm 1980. Báo Anh The Guardian nhắc lại những thời điểm quan trọng khác liên quan tới quan hệ Tây Ban Nha - Gibraltar. Cụ thể, vào năm 1954, Tây Ban Nha đã dừng tất cả những thông báo trên không để phản đối chuyến thăm Gibraltar của Nữ Hoàng Anh. Năm 1981, Vua Tây Ban Nha Juan Carlos đã từ chối tham dự đám cưới của Thái tử Charles với Công nương Diana khi hai người có ý định đi nghỉ tuần trăng mật ở Gibraltar. Chỉ mới năm ngoái, Nữ hoàng Sofia đã từ chối lời mời đến dự lễ kỷ niệm 60 năm đăng quang của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.
Có thời, mối thân tình giữa Thủ tướng Anh Tony Blair và Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Maria Aznar đã thực sự làm ấm lên mối quan hệ Tây ban Nha - Anh. Đó là lúc hai Thủ tướng đề nghị cả Anh và Tây Ban Nha cùng quản lý vùng đất tranh cãi này. Tuy nhiên, 98% người dân Gibraltar đã từ chối ý tưởng này trong một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào năm 2002. Kể từ đó đến nay, ý tưởng “cùng quản lý Gibraltar” của hai cựu Thủ tướng đã rơi vào quên lãng.
Theo các nhà phân tích, hành động xây dựng lại bãi đá ngầm với những thanh sắt nhọn thể hiện ý chí độc lập của Gibraltar trước Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ý đồ của Madrid lại có vẻ như thâm thuý hơn. Ngày 9/8, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố sẽ “áp dụng tất cả cơ sở pháp lý cần thiết” để giải quyết những tranh cãi liên quan đến Gibraltar. Theo các nhà phân tích, hành động của Chính phủ Tây Ban Nha thuộc dạng “nhất cử, lưỡng tiện”. Thứ nhất, kích động lòng yêu nước của mỗi người dân trước nỗi đau “chia cắt lãnh thổ”; thứ hai, đánh lạc hướng quan tâm của dư luận trước thực trạng kinh tế bi bét hiện tại. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế năm 2012 ở Gibraltar là 7,8%, thất nghiệp chỉ có 2,5%, trong khi vùng Andalusia (Tây Ban Nha) bên cạnh, tỷ lệ thất nghiệp là 35%.
Thật khó có thể dự đoán những diễn biến của cuộc khủng hoảng Tây Ban Nha - Gibraltar cũng như Tây Ban Nha - Anh. Các nhà phân tích cho rằng chiến tranh khó diễn ra, tuy nhiên, những tranh cãi trên lĩnh vực ngoại giao sẽ “vô tiền thoáng hậu”.
Duy Long (TH)