Đã đến lúc Táo... nghỉ hưu?

GD&TĐ - Đêm Giao thừa Tết Nguyên đán năm nay “Táo quân” sẽ vắng bóng. Thông tin ấy được lan truyền nhanh đến chóng mặt suốt những ngày qua vừa khiến người người tiếc nuối nhưng cũng vừa khiến có người cho rằng: Đã đến lúc “Táo quân”... “nghỉ hưu”?

Dù tiếc nuối nhưng cũng đã đến lúc “Táo quân” nên... “nghỉ hưu”. Ảnh chụp từ màn hình.
Dù tiếc nuối nhưng cũng đã đến lúc “Táo quân” nên... “nghỉ hưu”. Ảnh chụp từ màn hình.

Vắng thật rồi...!

Mới đầu, chuyện dừng chương trình “Gặp nhau cuối năm – Táo quân” do Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất còn là những tin đồn lao xao. Thế nhưng, tin đồn ấy đã nhanh chóng được VFC xác nhận rất gọn ghẽ: Dừng “Táo quân” để sản xuất một chương trình mới thay thế. Còn chương trình mới là gì thì hồi sau sẽ rõ...

Với VFC thì có thể rất nhẹ nhàng, nhưng với các nghệ sĩ thì hầu như không khỏi bất ngờ và chùng lòng. Ai cũng thấy, từ Nam Tào – NSƯT Xuân Bắc cho đến cô Đẩu – NSND Công Lý, Táo Y tế - Vân Dung, Táo Văn hóa – NSND Tự Long đến cả Táo bà – NSƯT Minh Vượng hay nhà thiết kế Đức Hùng... cũng đều bày tỏ tiếc nuối khôn tả.

Nam Tào – Xuân Bắc bảo rằng, anh thấy buồn và “giá mà có thì tốt hơn”. Nàng Táo Y tế - Vân Dung thì “chỉ âm thầm đau” cùng những câu thơ “chế” rằng: “Mỗi năm hoa đào nở.../Là các Táo lên chầu.../Năm nay đào vẫn nở.../Mà chả thấy Táo đâu...”.

Hay như Táo bà Minh Vượng nhớ lại những gắn bó từ “Gặp nhau cuối tuần” đến “Gặp nhau cuối năm” với biết bao niềm vui, nỗi buồn của anh chị em một nhà... Nhà thiết kế Đức Hùng thì chia sẻ rằng, anh nhớ lắm những ngày lên bản thiết kế, đêm hôm lo lắng chọn vải và phụ kiện thêu áo sao cho đẹp, làm sao để các nghệ sĩ thật long lanh trong buổi chầu cuối năm ...

Riêng với NSƯT Chí Trung và biên kịch Đinh Tiến Dũng – GS Cù Trọng Xoay thì khi hay tin “Táo quân” nghỉ chầu vào đêm tất niên năm nay ở phương xa cũng không khỏi ngậm ngùi.

Tuy nhiên, với Táo Giao thông Chí Trung thì đây lại là một sự khép lại để mở ra một chương trình mới hấp dẫn hơn. Vốn hay “câu view” nên Chí Trung còn khiến khán giả đứng ngồi không yên với những thông tin kiểu như: Chúng tôi vẫn đang thực hiện, không chỉ đủ bộ chầu mà còn nhiều hơn thế...

Trong khi đó, “Giáo sư” Cù Trọng Xoay – Đinh Tiến Dũng thì thảng thốt bày tỏ: “Táo quân hết thật rồi ông Giáo ạ”. Đấy là niềm tiếc nuối của một người đã “chắp bút” viết kịch bản “Táo quân” suốt 12 năm qua...

Thế rồi, anh vẫn thầm cảm ơn: “Mười hai năm, coi như mình đã tốt nghiệp phổ thông Táo quân, cảm ơn giáo viên chủ nhiệm Đỗ Thanh Hải đã tuyển chọn, chỉ bảo, dìu dắt suốt 12 năm học qua.

Cảm ơn các bạn học cùng lớp đã phối hợp cùng nhau vô cùng hiệu quả với đầy đủ sự nể trọng lẫn nhau. Táo quân dạy cho mình rất nhiều thứ, kể cả việc phải chấp nhận một thất bại biết trước, gồng mình chịu đựng những lời chê bai và tập trung làm tốt nhất có thể nhiệm vụ của mình”.

“Nghỉ hưu” ngay tuổi “cập kê”?

“Gặp nhau cuối năm – Táo quân” hễ nhắc đến hầu như ai cũng biết, cũng hay, cũng xem. Thương hiệu ấy còn tạo thành một thói quen luôn được mọi người, ngóng chờ vào mỗi đêm Giao thừa.

Cũng vì, “Táo quân” luôn mang đến cho khán giả tiếng cười thoải mái, bởi những tình huống bi hài, được các nghệ sĩ hài tài danh thể hiện. Đặc biệt, những câu chuyện ấy luôn nóng hổi cùng nhiều câu nói thâm thúy, mà nhiều người còn lấy làm câu cửa miệng nhắc lại ở ngoài đời.

“Đó là cảm giác há hốc mồm vì ngạc nhiên không hiểu sao lại có vở kịch hay đến thế, chạm đúng những vấn đề bức xúc của dư luận đến thế và các nghệ sĩ thì diễn xuất hóm hỉnh, duyên dáng đến thế”, nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ.

Thậm chí, với nhiều người thuộc thế hệ 9X, “Táo quân” còn là cả một ký ức của tuổi thơ. Với những người xa quê thì “Táo quân” là món ăn tinh thần, là cả một nhịp cầu hướng về quê hương... Chính vì vậy, thông tin “Táo quân” dừng phát sóng đã gây thương nhớ, hụt hẫng đối với khán giả.

Nhà báo quân đội Phan Tùng Sơn – một khán giả “soi” “Táo quân” rất kỹ cũng đã viết những câu thơ “Khóc Táo quân” rất dí dỏm rằng: Giao thừa năm nay em ạ/Nhà ta bày tiệc nhậu thôi/Chương trình Táo quân tan rã/Mình không được xem nữa rồi/ Mười lăm năm rồi quen được/Háo hức chờ đêm Ba mươi/Dù bận trăm công ngàn việc/Vẫn bật tivi lên coi/Thích ông Nam Tào - Xuân Bắc/Mê mụ Bắc Đẩu làm màu/Quốc Khánh - Ngọc Hoàng xuất sắc/Bộ ba ai dễ quên đâu...”.

Khán giả Trương Việt Anh thì chế từ lời bài hát: “Đừng xa em đêm nay” với những câu hát cũng rất hài hước: “Đừng xa em năm nay khi Táo quân vẫn còn hay. Liệu xa em năm nay anh diễn gì? Hãy quay ngay hôm nay cho em biết chương trình hay. Và hãy nói rằng anh sẽ diễn hay. Và hãy nói rằng đêm diễn rất hay. Và hãy nói... hài sẽ rất say”.

Thế nhưng, giữa biết bao tiếc nuối ấy, cũng có ý kiến cho rằng “Táo quân” đã đến lúc... “nghỉ hưu”, dù rằng chương trình vừa ở độ tuổi “cập kê” – 16 tuổi. Lý do để “Táo quân” cần... “nghỉ hưu” là chương trình dần đi vào lối mòn về cách diễn xuất, có phần nhàm về hình thức thể hiện cũng như tạo dựng các tình huống kịch.

Đã không ít năm khán giả kêu trời về cách chọc cười khá thô của nghệ sĩ. Hoặc như có chương trình còn quá lạm dụng quảng cáo khiến khán giả xem trong tình trạng bị đứt mạch về cảm xúc.

Nhưng, điều mà khán giả giảm bớt độ “say” với “Táo quân” là những câu chuyện thời sự nóng được thể hiện gần như minh họa, nói lại mà không đạt được độ gai góc, thâm sâu như những năm về trước...

“Từ lâu, chương trình “Táo quân” đã được khán giả kỳ vọng như một cuộc tổng kết cuối năm về các vấn đề xã hội được thể hiện qua hình thức sân khấu hóa chứ không đơn thuần là một chương trình giải trí đơn thuần. Chính vì sự kỳ vọng lớn ấy mà khán giả dần thấy “Táo quân” trở nên nhạt khi không nói hết, không nói tới được những vấn đề nóng bỏng của xã hội.

Vậy nên, việc dừng phát sóng “Táo quân” để thay thế một chương trình nghệ thuật mới đáp ứng nhu cầu hôm nay của khán giả là một việc cần làm. Đành rằng, có yêu mến thì tất sẽ có tiếc nuối. Và đấy đã là thành công không dễ gì chương trình nào gây dựng được như “Táo quân” đã gây dựng trong suốt 16 năm qua” - Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.