Đa dạng phong trào hiến máu tình nguyện của sinh viên Đại học Thái Nguyên

GD&TĐ - Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện của đoàn viên sinh viên Đại học Thái Nguyên đã phát triển rộng khắp và lan tỏa mạnh mẽ.

Sinh viên Đại học Thái Nguyên tiên phong hiến máu tình nguyện.
Sinh viên Đại học Thái Nguyên tiên phong hiến máu tình nguyện.

Lan tỏa ý nghĩa nhân văn phong trào hiến máu tình nguyện

Được biết đến là tấm gương tích cực tham gia hiến máu tình nguyện cũng như tuyên truyền, vận động đoàn viên, sinh viên, người dân tham gia hiến máu, em Trần Diễm My - sinh viên K17, lớp Kinh tế đầu tư, Chủ nhiệm CLB Thanh niên tình nguyện chữ thập đỏ, trường Đại học Kinh tế và QTKD chia sẻ: Trước đây, em và nhiều bạn sinh viên còn e ngại khi tham gia hiến máu. Sau khi được tuyên truyền, nhận thức rõ hiến máu tình nguyện là một nghĩa cử cao đẹp, giúp những người bệnh đang cần máu có cơ hội được cứu sống, em đã mạnh dạn đăng ký tham gia vào năm 2020.

Đến nay, em đã có 10 lần hiến máu cứu người. Mỗi lần hiến máu, em cảm thấy làm được một việc có ý nghĩa bởi vì có thể cứu sống được những bệnh nhân cần truyền máu.

Ngoài việc tham gia hiến máu tình nguyện, Diễm My cũng luôn tích cực tuyên truyền đến đoàn viên, sinh viên và người dân trên địa bàn cùng tham gia phong trào hiến máu.

Từ việc làm thiết thực của mình, My đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về ý nghĩa nhân văn của phong trào hiến máu tình nguyện và tiếp tục lan tỏa hành động tốt đẹp đến mọi người xung quanh.

Tương tự Diễm My, em Phạm Việt Cường - sinh viên K18, lớp Quản trị kinh doanh chất lượng cao, trường Đại học Kinh tế và QTKD cũng rất nhiệt tình và luôn sẵn sàng hiến máu cứu người.

Cường chia sẻ, em cũng đã từng nghĩ việc hiến máu tình nguyện sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng khi tham gia hoạt động cùng Đoàn trường tuyên truyền đến mọi người ý nghĩa nhân văn của việc hiến máu tình nguyện, em đã hiểu hơn về ý nghĩa của việc hiến máu và em nghĩ em cần phải làm việc có ích cho cộng đồng.

Ngày chủ nhật đỏ được tổ chức tại trường Đại học Kinh tế và QTKD - Đại học Thái Nguyên.

Ngày chủ nhật đỏ được tổ chức tại trường Đại học Kinh tế và QTKD - Đại học Thái Nguyên.

Đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động

ThS Lại Thị Thanh - Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp cho biế, xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào hiến máu tình nguyện đối với xã hội và cộng đồng nên công tác tuyên truyền, vận động hiến máu của Nhà trường được Hội Sinh viên tổ chức thường xuyên dưới nhiều hình thức, đa dạng, phong phú về nội dung như: Ngày Chủ Nhật Đỏ, Ngày Hội hiến máu, Giọt hồng chào Xuân…Trung bình mỗi năm, Hội Sinh viên Nhà trường tổ chức từ 5 – 6 chương trình hiến máu tình nguyện. Qua mỗi đợt vận động đơn vị thu về từ 200 – 600 đơn vị máu.

Để phong trào hiến máu tình nguyện tạo sức lan tỏa, hàng năm, Hội Sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã xây dựng kế hoạch cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và giá trị nhân văn của phong trào hiến máu tình nguyện, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Chủ động tuyên truyền hiến máu không gây ảnh hưởng sức khỏe mà còn có một số tác dụng tích cực nhất định đối với cơ thể người hiến máu, lượng máu hiến sẽ nhanh chóng được cơ thể tái tạo phục vụ cho quá trình tuần hoàn máu tốt hơn.

TS Lê Văn Hiếu - Bí thư Đoàn thanh niên, Chủ tịch Hội sinh viên Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: Trong suốt thời gian qua, phong trào hiến máu cứu người đã được lan tỏa rộng rãi trong đoàn viên thanh niên, sinh viên Đại học Thái Nguyên. Thể hiện truyền thống tương thân thương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc ta.

Để phong trào hiến máu tình nguyện tiếp tục lan tỏa sâu rộng, trong thời gian tới, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên Đại học Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, chú trọng phát huy vai trò của lực lượng cán bộ, hội viên đoàn viên, sinh viên tình nguyện, cán bộ các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở là lực lượng hạt nhân, nòng cốt, cũng là người tiên phong, gương mẫu hiến máu;

Đồng thời, CLB vận động hiến máu tình nguyện các đơn vị thành viên cũng cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, mục đích, tính nhân đạo cao cả của hiến máu tình nguyện. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể liên quan trong việc kiểm tra, giám sát, chuẩn bị các điều kiện tổ chức hiến máu bảo đảm an toàn; tăng cường vận động người tham gia hiến máu nhắc lại, hiến máu nhiều lần trong toàn xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ