Đã có hơn 190.000 ca mắc sốt xuất huyết, 72 ca tử vong

GD&TĐ - Theo thống kê từ các địa phương cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 190.005 trường hợp mắc, 72 ca tử vong do sốt xuất huyết.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thống kê tổng hợp từ các địa phương cho thấy, trong tuần 35/2022 cả nước ghi nhận 9.186 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước (10.852 ca mắc, 3 trường hợp tử vong) số ca mắc sốt xuất huyết tuần này giảm 18,1%. Trong đó, số nhập viện là 6.784 trường hợp, so với tuần trước số nhập viện giảm 18,7%.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 190.005 trường hợp mắc, 72 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (47.048/19) số mắc tăng 4 lần, tử vong tăng 53 trường hợp.

Tại miền Bắc, số ca mắc sốt xuất huyết vào BV Bệnh Nhiệt đới TW đang có chiều hướng gia tăng với nhiều ca bệnh nặng. Tuần vừa qua, đã có 4 trường hợp tử vong mà nguyên nhân chính là do bệnh nhân chủ quan, vào viện muộn khi bệnh diễn biến quá trầm trọng, các biện pháp can thiệp không thể cứu chữa.

Theo các bác sĩ, 4 bệnh nhân đã tử vong đều vào viện trong tình trạng rất nặng, suy gan, suy thận, có bệnh nhân nôn ra máu, chảy máu rất nhiều, xuất huyết trong cơ, xuất huyết tiêu hóa…

Tại nhiều cơ sở y tế ở phía Nam, thời gian qua cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tự ý điều trị ở nhà, chỉ đến khi diễn biến nặng mới vào viện thì đã ở trong tình trạng sốc sốt xuất huyết, tổn thương đa cơ quan, tràn dịch màng phổi, ngưng thở... Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực, thậm chí có trường hợp đã phải can thiệp ECMO mới qua nguy kịch...

Cảnh giác với biến chứng của bệnh sốt xuất huyết

Nắng nóng kèm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh sốt xuất huyết phát triển. Do tâm lý chủ quan, nhầm lẫn các triệu chứng sốt xuất huyết với triệu chứng nhiễm Covid-19, nhiều bệnh nhân đã tự chữa dẫn đến bệnh chuyển biến nặng.

Trong tuần qua, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận trên 50 ca mắc sốt xuất huyết ở cả 2 cơ sở. Nhiều trường hợp chuyển biến nặng được đưa đến ở ngày thứ 4,5 của bệnh trong tình trạng nặng: suy gan, suy thận, tiểu cầu hạ thấp ở mức nguy hiểm. Trong đó 4 trường hợp đã tử vong do diễn biến quá trầm trọng và được đưa đến viện quá muộn.

Theo các bác sỹ, bệnh nhân sốt xuất huyết có khả năng diễn biến nặng sẽ từ ngày thứ 4 trở đi, khi có hiện tượng thoát dịch ra lòng mạch. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính rằng gần 22.000 ca tử vong vì sốt xuất huyết xảy ra hằng năm và chủ yếu là ở trẻ em. Do đó, nếu có dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết nên đi xét nghiệm máu để xác định bệnh chính xác.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc chủng ngừa hoặc thuốc đặc trị cho bệnh sốt xuất huyết nhưng có thể dùng paracetamol để hạ sốt và giảm đau. Không nên dùng aspirin hoặc ibuprofen vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở bệnh nhân.

Để phòng bệnh hiệu quả, ngoài việc xây dựng khả năng miễn dịch tốt bằng ăn uống và luyện tập thì cần thực hiện một số lưu ý nhằm tránh cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển như: làm sạch, khử trùng nguồn nước đọng, tránh đọng nước; thay nước hằng ngày vào chậu hoa, giá thể trồng cây hay máng ăn cho chim, thú nuôi; sử dụng thuốc đuổi muỗi an toàn cho sức khỏe; sử dụng tinh dầu; mắc màn khi ngủ; mặc quần áo dài tay khi ra ngoài buổi tối…

Theo BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP Hồ Chí Minh) cảnh báo, sốt xuất huyết có thể tấn công trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, các biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ có thể không điển hình như sốt nhẹ vừa, không liên tục, kèm ho sổ mũi, hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói,… Điều này dễ gây lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng…

Chính vì vậy phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để thăm khám, xét nghiệm định bệnh chính xác để có hướng điều trị thích hợp cho trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ