Đã có gần 14.600 nhân viên y tế cả nước lên đường giúp miền Nam chống Covid-19

GD&TĐ - Thực hiện lệnh huy động của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đã có gần 14.600 cán bộ, y bác sĩ, sinh viên ngành y vào miền Nam cùng chung sức tham gia chống dịch Covid-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến trưa 21/8 đã có 14.543 cán bộ, y bác sĩ, sinh viên ngành y thuộc Bộ Y tế, các Cục/Vụ/ Viện/Trường/Bệnh viện của Bộ Y tế và tại 35 tỉnh, thành phố đã đến một số tỉnh khu vực Nam Trung Bộ, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đồng hành, hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Những người này đang công tác tại các cơ sở y tế tư nhân và công lập. Còn có cả đội ngũ cán bộ y tế đã về hưu. Số còn lại là lực lượng sinh viên và các ngành nghề khác. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã sắp xếp và phân bổ lực lượng này đến các cơ sở y tế có nhu cầu.

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu cán bộ y tế hỗ trợ cho công tác điều trị là vô cùng cần thiết và đang thiếu vì vậy, vẫn rất cần sự tham gia đông đảo hơn nữa của lực lượng tình nguyện, nhất là những người có chuyên môn về ngành y như bác sĩ và điều dưỡng.

Trước đó, ngày 25/7, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi các đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế chung tay tham gia hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế vừa có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương; Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành; các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế; Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam thực hiện chế độ chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch Covid-19.

Căn cứ Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, để giúp các đơn vị, địa phương thuận lợi trong quá trình triển khai, thực hiện, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung chi cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch Covid-19.

Theo đó, đối tượng thực hiện là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập, cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, bộ, ngành và địa phương quản lý được cử đi huy động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Học viên, sinh viên và học sinh các cơ sở đào tạo trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe tình nguyện tham gia được cử đi hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Người có chuyên môn y tế không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tình nguyện tham gia được cử đi hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Các đối tượng trên được thực hiện xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 làm điều kiện huy động đi chống dịch thì được ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách nhà nước.

Các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế được hưởng chế độ theo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Các đối tượng còn lại được hưởng 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP; được hưởng 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP. Được hưởng 120.000 đồng/người/ngày, gồm tiền ăn là 80.000 đồng (theo mức quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP) và 40.000 đồng chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt (theo mức quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ-CP).

Trường hợp người tham gia phòng chống dịch thuộc đối tượng được hưởng nhiều mức phụ cấp chống dịch quy định tại Nghị quyết 16/NQ-CP và Nghị quyết số 58/NQ-CP thì được hưởng một mức phụ cấp chống dịch cao nhất.

Số ngày hưởng tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết (không bao gồm thời gian đi đường).

Cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế được hưởng chế độ công tác phí quy định tại Thông tư số 40 2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị trong thời gian đi công tác (hỗ trợ phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Trường hợp địa phương bố trí chỗ ở thì cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi không phải chi trả kinh phí. Thời gian được hưởng công tác phí là thời gian công tác thực tế theo văn bản phê duyệt của người có thẩm quyền cử đi công tác hoặc giấy mời tham gia đoàn công tác (bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết theo lịch trình công tác, thời gian đi đường).

Đối tượng tình nguyện viên là học viên, sinh viên và học sinh các trường đại học, cao đẳng và trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách được ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đi lại (đưa, đón) do cơ quan có thẩm quyền quyết định huy động tổ chức chuyến đi tập trung.

Kết thúc, hoàn thành nhiệm vụ và quay trở về, người tham gia công tác phòng, chống dịch phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung được áp dụng chế độ theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ-CP theo hướng, trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí về ăn, ở, sinh hoạt (bao gồm cả chi phí khử trùng, diệt khuẩn, chi phí bảo vệ, bảo đảm an ninh, trật tự và chi phí khác) theo mức giá do khách sạn, resort, chủ phương tiện vận tải công bố. Riêng chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV- 2 thì được ngân sách nhà nước chi trả.

Trường hợp cách ly tại doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung thì được ngân sách nhà nước bảo đảm các chi phí quy định gồm: Chi phí đưa đón từ nơi đến công tác đến cơ sở cách ly tập trung, chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành; chi phí tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày; các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày.

1.500 thầy, trò Trường Cao đẳng y tế Bạch Mai tình nguyện vào TP Hồ Chí Minh chống dịch

Chiều tối ngày 21/8, gần 200 thầy cô và sinh viên trường Cao đẳng y tế Bạch Mai đã xuất quân, lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh với nhiệm vụ hỗ trợ nhân lực chống dịch COVID-19 tại TP HCM tham gia tiêm chủng vắc xin Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm.

Các đợt tiếp theo sẽ tiếp tục lên đường trong những ngày tới với tổng số lên tới 1.500 thầy cô và sinh viên trường Cao đẳng y tế Bạch Mai.

Sáng 22/8: Hơn 700 ca COVID-19 điều trị ICU và EMO; 1.500 thầy, trò trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai vào TPHCM chống dịch - Ảnh 4.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc BV Bạch Mai động viên các thầy cô giáo và sinh viên trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai trước lúc vào TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 Ảnh: Trần Minh

Phát biểu giao nhiệm vụ cho sinh viên, thầy cô của nhà trường trước giờ xuất quân, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc BV Bạch Mai, hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 với biến thể Delta vô cùng cam go và khốc liệt. Để đối chọi với biến thể mới này, Bộ Y tế đã ra lời hiệu triệu điều động nhân lực y tế đến TP HCM tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và chỉ sau 12h, BV Bạch Mai đã huy động được 1.500 thầy cô và sinh viên Trường Cao đẳng y tế Bạch Mai tình nguyện vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh.

Thay mặt Bộ Y tế, ông Nguyễn Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ bày tỏ niềm xúc động khi được tham gia Lễ xuất quân của thầy và trò trường Cao đẳng y tế Bạch Mai.

Vụ trưởng Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: Trong một thời gian rất ngắn, BV Bạch Mai đã huy động được đủ 1.500 em tham gia tình nguyện đợt này khiến tôi vô cùng cảm phục. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần của thầy và trò trường Cao đẳng y tế Bạch Mai. Chúc các em thật nhiều sức khỏe, chân cứng đá mềm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.
Một góc quần đảo Nam Du. Ảnh: TG

Dạy học nơi đầu sóng

GD&TĐ - Quần đảo Nam Du gồm hơn 20 đảo lớn, nhỏ nằm sát nhau, thuộc sự quản lý của 2 xã: An Sơn và Nam Du (Kiên Hải, Kiên Giang).