Nhưng chỉ sau vài năm, Hạnh quyết định về bờ làm nông dân, khởi nghiệp từ cây dứa – loại nông sản gắn bó với bà con quê hương mình.
Giấc mơ nông sản sạch từ nguyên liệu đến quá trình sản xuất từng bước được thực hiện. Tận thu cây dứa từ quả tươi cho đến lá dứa, và vươn ra thị trường châu Âu.
Ngã rẽ của thuyền trưởng trẻ
Nguyễn Hữu Hạnh tốt nghiệp ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, là kỹ sư chuyên ngành điều khiển tàu thủy. Sau khi ra trường, anh sớm có công việc thuyền trưởng tàu hàng với thu nhập cao.
Nhưng công việc trên tàu viễn dương vẫn chưa thỏa mãn đối với chàng trai trẻ. “Mỗi chuyến tàu đi về mất khoảng 5 – 6 tháng, khi lênh đênh trên biển, tôi thấy “thời gian chết” quá nhiều. Trong khi với thời gian nhàn rỗi lãng phí đó, tôi có thể làm được những việc khác”, Nguyễn Hữu Hạnh nhớ lại.
Hoàn cảnh gia đình Hạnh vất vả, bố mất sớm, mẹ một mình nuôi 5 chị em mới khôn lớn thì mắc bệnh hiểm nghèo. Vậy là, chàng trai trẻ quyết định bỏ việc thuyền trưởng tàu hàng, vào bờ dù chưa quyết định làm gì tiếp theo.
Thời gian đầu từ Sài Gòn về quê, Hạnh trở thành nông dân trồng dứa, nhận khoán đồi cùng với gia đình họ hàng ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Nhưng cũng từ đây, Hạnh thấy người nông dân cực nhọc trồng dứa suốt 18 tháng chỉ để lấy quả, mà giá thành bán cho nhà máy bấp bênh tùy từng vụ.
Không cam tâm khi cây dứa chỉ có giá trị thực phẩm đơn thuần, Hạnh nghĩ cách khởi nghiệp từ cây dứa khác với truyền thống. Thay vì chỉ nhập thô quả dứa cho các nhà máy trên địa bàn, thì có thể sản xuất nhiều sản phẩm phong phú với giá thành bán ra cao hơn và ổn định.
Nguyễn Hữu Hạnh sáng lập Hợp tác xã (HTX) Dứa Hạnh Phúc với 7 thành viên. Ngoài quả dứa tươi theo mùa vụ, sản phẩm của HTX còn có dứa sấy dẻo, trà dứa, mật dứa, mứt dứa, enzyme sinh học từ vỏ dứa... Trong đó, được kỳ vọng và có sự cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường là tinh bột dứa.
Chủ HTX Dứa Hạnh Phúc cho hay: “Một quả dứa tươi nặng 600 - 900g bán sỉ chỉ 3 - 4 nghìn đồng. Sau khi tinh chế bằng công nghệ sấy lạnh, quả dứa được tinh gọn trong gói bột với giá bán là 12.000 đồng, rẻ hơn một ly nước ép dứa, nhưng vẫn giữ được giá trị bổ dưỡng và tiện lợi. Những sản phẩm này có thời hạn sử dụng lâu hơn, sau khi đóng gói dễ dàng phân phối vào siêu thị hoặc các cửa hàng tiện lợi”.
Toàn bộ sản phẩm của HTX Dứa Hạnh Phúc đều đặt tiêu chuẩn an toàn, không sử dụng chất hóa học. Từ khâu trồng nguyên liệu cho đến sản xuất thành phẩm. Hiện, HTX đã tạo việc làm cho trên 50 lao động theo mùa vụ là người địa phương.
Năm 2021, dự án “Phát triển tài nguyên bản địa với dứa của HTX Hạnh Phúc” đạt giải thưởng khởi nghiệp Nông nghiệp phát triển bền vững. Đồng thời nhận hỗ trợ từ Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) xây dựng tiêu chuẩn LocalGAP.
Cụ thể, thời gian và chi phí LocalGAP chỉ khoảng 30% của chứng nhận GlobalGAP. Qua đó, giảm gánh nặng và áp lực cho các HTX nông nghiệp thực hiện quy trình làm nông đạt chuẩn quốc tế. Cũng trong năm này, Nguyễn Hữu Hạnh là 1 trong 57 thanh niên nông thôn của cả nước nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ 16.
Tơ sợi dứa xuất ngoại
Sau mỗi vụ thu hoạch, Nguyễn Hữu Hạnh thấy lượng phụ phẩm bỏ đi rất nhiều, người dân còn mất chi phí thuê xử lý, đốt bỏ thân cây dứa. Nghệ An có hàng trăm hộ trồng dứa. Nếu tận dụng được nguồn phụ phẩm này để tạo ra một sản phẩm mới, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa tạo sinh kế mới cho người dân.
Qua tìm hiểu, nhiều nước trên thế giới tách lá dứa thành sợi, dệt làm vải quần áo, nhiều vật dụng khác. “Tôi bị cuốn hút bởi lá dứa. Tại Nghệ An, bà con dân tộc có nghề truyền thống tước vỏ cây gai để đan võng, làm túi... nhưng quy mô nhỏ và hoàn toàn thủ công. So sánh, sợi của lá dứa rất tốt, chắc chắn và linh hoạt.
Sợi tơ từ lá dứa có thể tạo ra những sản phẩm khác nhau, nhất là trong ngành dệt may và thủ công mỹ nghệ với sản phẩm quần áo, khăn túi xách cao cấp, đồ trang trí…”, Nguyễn Hữu Hạnh chia sẻ.
Bước thử nghiệm ban đầu đã ra thành phẩm sợi tơ dứa như ý tưởng. Nhưng để giảm chi phí sản xuất và lao động thì phải có máy móc. Việc sản xuất sợi từ lá dứa chưa được thực hiện ở Việt Nam nên máy móc cũng chưa có để phục vụ.
Vì vậy, Nguyễn Hữu Hạnh phải đặt hàng chế tạo máy đánh sợi từ lá dứa. Khi chế tạo được máy, mọi việc dễ dàng hơn. Phần sợi thô được tách ra, sau đó làm sạch bằng nước gạo, giấm dứa, phơi khô. Bã còn lại của lá dứa thì làm phân vi sinh.
Đầu năm 2021, Nguyễn Hữu Hạnh cùng 2 đối tác thành lập Công ty Ecosoi – chuyên cung ứng tơ sợi dứa, trong đó anh làm Giám đốc kỹ thuật. HTX nông sản Hạnh Phúc sẽ mở rộng thu mua nguyên liệu ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa… Phương thức hợp tác là chuyển giao công nghệ, tức là HTX sẽ giao máy, hướng dẫn cho các hộ dân sử dụng. Đồng thời bao tiêu sản phẩm sợi dứa thô cho Ecosoi.
Theo Giám đốc kỹ thuật Ecosoi: “Một máy tách sợi có giá 50 triệu đồng, nhưng mỗi ngày có thể xử lý được 3 tấn lá dứa, bằng sức lao động của 20 người. Cứ 100 kg lá dứa sẽ cho ra 5 kg sợi thô với giá thành 800 nghìn đồng/kg. Thông thường mỗi hecta dứa cho thu nhập 350 triệu đồng/vụ. Tách sợi tơ, nông dân lại có thêm 60 - 70 triệu từ lá dứa mà không mất thêm chi phí nào khác”.
Nguyễn Hữu Hạnh cùng cộng sự tiếp xúc nông dân, đến thăm các làng nghề dệt truyền thống của bà con dân tộc ở Nghệ An và các tỉnh lân cận.
Đặt hàng các nghệ nhân là bà con dân tộc thiểu số ở Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ... để dệt tay sản phẩm túi, khăn, võng. Nỗ lực của Hạnh cùng cộng sự đã có thành quả khi Ecosoi đưa ra sản phẩm đầu tiên của mình, ở buổi triển lãm GWAND
SUSTAINABLE FESTIVAL tại Luzern, Thụy Sỹ tháng 9/2021 và được chào đón nồng nhiệt. Sản phẩm của Ecosoi được chú ý bởi tính thân thiện môi trường, sử dụng nguyên liệu bản địa, nhân lực địa phương, tạo sinh kế cho bà con, tác động tích cực đến xã hội.
Sau triển lãm, Ecosoi đã có buổi làm việc với đối tác ở Anh, tiến tới đưa Ecosoi trở thành một trong những nhà cung ứng cho chuỗi công ty sản xuất vải từ sợi lá dứa thay thế cho sản phẩm từ da động vật.
Hạnh cho biết, giá thành nguyên liệu rẻ, nhưng chi phí tách sợi dứa lớn, sản phẩm làm ra chủ yếu thủ công, nên giá thành cao hơn so với các sản phẩm hàng loạt. Ví dụ, võng đan có giá dao động từ 4 - 7 triệu đồng; túi sợi đan từ 1,2 - 3,5 triệu đồng; túi ép từ lá dứa có giá lên đến hàng chục triệu đồng. Việc tiêu thụ sản phẩm ở trong nước sẽ khó khăn, nên công ty hướng tới thị trường nước ngoài.
“Đơn hành của châu Âu họ đặt theo năm, dự kiến năm 2022, chúng tôi có đơn cung ứng 15 nghìn tấn tơ sợi dứa. Vì vậy, chúng tôi cũng phải lấy ngắn nuôi dài. Thời gian này, do ảnh hưởng dịch bệnh, HTX vẫn duy trì các sản phẩm từ quả dứa để bán trong nước.
Tạo thu nhập cho thành viên HTX, đồng thời có vốn để đầu tư cho công ty sợi dứa. Khi quy trình sản xuất càng được rút gọn, giảm chi phí, năng suất cao chúng tôi sẽ quay về thị trường trong nước”, Nguyễn Hữu Hạnh cho hay.
Chàng trai trẻ cũng tâm sự, khi bỏ việc thuyền trưởng về quê, anh muốn hướng đến sản xuất, tạo ra giá trị cho bản thân và hướng đến lợi ích cộng đồng. Hiện, anh vẫn đang trên hành trình thực hiện ước mơ đó, tạo việc làm cho nông dân vùng sâu, vùng xa, khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có từ địa phương.