Cứu sống bé 2 tháng tuổi bị bệnh lý tim mạch cực kỳ nguy hiểm

GD&TĐ - Bé gái 2 tháng tuổi ở Nghệ An thường xuyên quấy khóc, bú kém. Lúc nhập viện mới phát hiện ra bệnh lý tim mạch cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất.

Nhịp tim của trẻ trước và sau khi làm nghiệm pháp.
Nhịp tim của trẻ trước và sau khi làm nghiệm pháp.

Ngày 29/12, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, các y bác sĩ vừa cứu sống bé gái bị bệnh lý cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất (gọi tắt là tim nhanh trên thất). Đây là một trong những bệnh lý tim mạch rất nguy hiểm ở trẻ nhỏ.

Cách đây 2 tuần, bệnh nhi T.M.K. (2 tháng tuổi, trú huyện Diễn Châu) được đưa vào Khoa Cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng khóc nhiều, hơi thở và nhịp tim nhanh, thở gắng sức, cơ thể tím tái.

Sau khi thăm khám, trẻ được chỉ định thở oxy qua mask, thiết lập đường truyền tĩnh mạch, lắp điện cực ghi điện tim, thuốc chống loạn nhịp đồng thời thực hiện nghiệm pháp kích thích thần kinh phế vị.

Đây là nghiệm pháp được áp dụng tại các cơ sở có chuyên khoa Tim mạch can thiệp. Sau 2 lần tiến hành nghiệm pháp, nhịp tim của trẻ đã trở về bình thường với tần số 157 chu kỳ/phút; da, môi trẻ hồng.

Sau khi cấp cứu, trẻ tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc.

Theo lời kể của gia đình, khoảng 1 tháng nay trẻ có những biểu hiện quấy khóc, đôi khi có những cơn vã mồ hôi xen kẽ với da, môi nhợt, chân tay lạnh, bú kém hơn trước. Tuy nhiên, do nghĩ con chỉ quấy khóc bình thường nên đi khám muộn.

Bác sĩ Trần Văn Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, bệnh lý tim nhanh trên thất thường hay gặp ở trẻ em. Nếu không phát hiện sớm có thể tái phát bệnh liên tục, gây rối loạn huyết động, suy tim, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể đột tử.

Đặc biệt, nếu trẻ có tổn thương tim mạch phối hợp hoặc trẻ đến muộn, không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể suy tim không hồi phục, gây tử vong nhanh hoặc để lại di chứng lâu dài.

Đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh triệu chứng tim nhanh trên thất thường mơ hồ, không đặc hiệu và khó nhận biết. Trẻ thường biểu hiện bú kém, quấy khóc, thở nhanh.

Nặng hơn thì trẻ có biểu hiện li bì hoặc lơ mơ, da lạnh, tái, tiểu ít. Dấu hiệu nhận biết quan trọng nhất là nhìn vào lồng ngực trước tim hoặc sờ ngực trước tim thấy tim đập nhanh, mạnh.

Quan sát vùng cổ 2 bên xương đòn thấy “phập phồng theo tim đập” rất nhanh. Lúc này, nhịp tim thường trên 220 chu kỳ/phút (bình thường ở trẻ bú mẹ < 160 chu kỳ/phút).

Ở trẻ lớn thường kèm đau ngực, khó thở, mệt mỏi, có thể ngất xỉu. Khi hết cơn trẻ có thể trở về bình thường. Để chẩn đoán xác định tim nhanh trên thất cần ghi điện tim trong và ngoài cơn cho trẻ.

“Quấy khóc, bú kém là biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần có kiến thức để nhận biết được khi nào trẻ quấy khóc, bú kém là bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện. Tránh bỏ sót các bệnh lý nguy hiểm đe dọa tính mạng nhất là bệnh lý tim mạch”, bác sĩ Cương nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.