Tròn 10 năm ngày Datsakorn Thonglao rời HAGL, Zing.vn có cuộc gặp với huyền thoại bóng đá Thái Lan ngay trên đất Thái.
Từng là một trong những siêu sao của bóng đá Thái thi đấu tại Việt Nam, từng có mặt ở Gia Lai trong giai đoạn đẹp nhất của đội bóng, đã sống qua bao thăng trầm cùng bóng đá Việt, Thonglao có lẽ là gạch đầu dòng thú vị nối liền 2 nền bóng đá Việt Nam - Thái Lan.
Bầu Đức đối xử với chúng tôi như cha với con
- Chào Thonglao, rất vui được gặp anh hôm nay. Anh biết không, nhiều năm sau khi anh rời Việt Nam, CĐV ở đó vẫn nhớ tới anh?
Tôi biết, CĐV Việt Nam thật dễ thương khi vẫn nhận ra tôi. Họ vẫn nhớ tất cả những trận đấu của tôi ở HAGL. Bất kể tôi đi đâu, chơi bóng thế nào, luôn có một lượng CĐV Việt Nam bình luận, cổ vũ tôi.
Khi tôi thi đấu cho đội tuyển Thái Lan, các CLB Việt Nam đã biết tới tôi. Trước đó, Kiatisak (Senamuang), Dusit (Chalermsan), Totchtawan (Sripan) đều đã chơi tại Việt Nam. Họ đã khuyên tôi tới đây thi đấu. Ngày ấy, mọi thứ ở Việt Nam đều cao hơn Thái Lan. Tôi đã nói chuyện với Zico (Kiatisak - PV). Anh ấy đã liên hệ với bầu Đức. Bầu Đức rất quan tâm tới tôi và cũng muốn mời tôi về Việt Nam. Bởi thế, tôi đã tới Gia Lai.
Sau này, hợp đồng của tôi với Gia Lai kết thúc đúng thời điểm bóng đá Thái Lan phát triển (2009 - PV). Nhiều CLB như Muangthong đã liên hệ với tôi. Và tôi đã chọn trở về Muangthong.
- Anh vừa nói về bầu Đức. Đó chắc chắn là một cái tên đặc biệt với cả hai nền bóng đá?
Đúng vậy, tôi luôn muốn nói cảm ơn bầu Đức, cảm ơn CĐV Việt Nam và CĐV HAGL. Sân bóng Việt Nam ngày ấy lúc nào cũng chật kín người. Rất nhiều người Việt Nam ủng hộ và theo dõi tôi.
Về Bầu Đức, bạn không thể so sánh ông ấy với bất kỳ ai. Ông ấy chăm sóc chúng tôi giống như một người bố chăm con mình. Ông ấy trông coi tất cả mọi thứ, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Ông ấy việc gì cũng muốn quan tâm tới. Đó thực sự là một người rất dễ thương và yêu bóng đá cuồng nhiệt. Chúng tôi là người Thái và càng được ông Đức yêu mến hơn.
- Từng chinh chiến cả ở Thai League và V.League vào thời điểm 10 năm trước, anh có thấy 2 giải đấu khác nhau nhiều không?
Tôi không thấy 2 giải đấu khác nhau nhiều đâu. Hai đội tuyển quốc gia Thái Lan, Việt Nam cũng ở cùng một đẳng cấp. Sự khác biệt vẫn có nhưng không nhiều. Thời điểm ấy, V.League có nhiều ông bầu có thể đưa ngoại binh về đội bóng hơn. Nhưng chất lượng giữa đôi bên không chênh lệch nhiều.
Còn ngày nay, các nền bóng đá khác ở khu vực như Lào, Myanmar, Campuchia, Việt Nam đều góp cầu thủ tới Thái Lan. Tôi nghĩ đó là bằng chứng cho thấy Thai League đang là giải quốc nội tốt nhất khu vực.
- Theo anh, ai là cầu thủ Việt Nam hay nhất ở HAGL ngày ấy?
(Bật cười) Là bầu Đức, bầu Đức là cầu thủ số 1. Còn những cầu thủ khác thì nhiều lắm.
- Vậy còn Lee Nguyễn thì sao. Nhiều người nói Lee Nguyễn và HLV của anh, Kiatisak, có mâu thuẫn với nhau?
Lee là cầu thủ mang nửa dòng máu Việt Nam, nửa dòng máu Mỹ. Anh ấy là một tài năng lớn và khiến tất cả mọi người biết tới cái tên HAGL. Tôi cũng đã học được rất nhiều điều từ Lee, đó là một cầu thủ giỏi.
Về chuyện của Lee và Kiatisak, tôi nghĩ vấn đề giữa HLV và cầu thủ quan trọng của đội luôn là thách thức cho các CLB. Không phải họ có bất đồng hay tranh cãi gì đâu. Có lẽ, Lee Nguyễn đã muốn chơi bóng ở một thành phố lớn hơn (Lee Nguyễn chuyển tới Bình Dương chỉ sau một năm chơi cho HAGL khi ấy được dẫn dắt bởi Kiatisak - PV).
Sau thời Kiatisak, Thonglao, Chanathip (giữa) được xem là cầu thủ hay nhất của bóng đá Thái Lan |
Tương lai, bóng đá Nhật Bản sẽ phải sợ chúng ta
- Hãy nói về những người đàn em của anh, Chanathip Songkrasin chẳng hạn. Theo anh, bóng đá Việt Nam có ai ở cùng trình độ Chanathip không?
“Messi Jay” rất xuất chúng nhưng tôi thấy Công Phượng cũng tài năng đấy. Cậu ấy có thể đạt tới trình độ của Chanathip nhưng phải có nhiều thời gian phát triển ở các giải đấu lớn hơn.
- Cả Công Phượng và Chanathip đều đã thi đấu tại Nhật Bản. Đó có phải là điều làm nên sự khác biệt của họ với Đông Nam Á?
Chính xác. Tôi nghĩ việc các cầu thủ ASEAN thi đấu tại nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng sẽ giúp thế giới biết tới chất lượng của chúng ta. Các cầu thủ Thái Lan có thể tiến xa hơn.
Tương lai, cầu thủ Việt Nam, Singapore, Malaysia cũng sẽ sang Nhật. Trong tương lai, chúng ta không còn phải sợ hãi khi đụng độ những đối thủ như Nhật Bản nữa. Đến lúc đó, Nhật Bản mới là đội phải sợ chúng ta.
- Vậy còn bóng đá Việt Nam và Thái Lan. Người Thái có vẻ không còn là độc tôn ở khu vực rồi?
Chuyện này đơn giản mà. Đây chỉ là vấn đề thời điểm thôi. Sông có khúc, người có lúc. Chúng tôi thành công lúc này thì phải thất bại lúc khác chứ. Tôi nghĩ giải vô địch quốc gia Thái Lan đang có quá nhiều trận đấu, điều đó cũng khiến cầu thủ phần nào mỏi mệt. Đó có thể là một lý do.
- Việt Nam và Thái Lan sẽ gặp nhau sau ít ngày tới. Nếu được đặt cửa, anh sẽ chọn bên nào?
Đấy là một trận đấu rất hay. Tôi nghĩ trận đó diễn ra ở thời điểm cực kỳ lý tưởng, cả hai đội đều sẽ có đội hình rất mạnh. Nhưng Thái Lan có chút lợi thế hơn vì trận này diễn ra trên sân nhà. Tôi tin Thái Lan sẽ là đội giành chiến thắng.
- Nhìn tuyển Thái thi đấu có làm anh nhớ lại ngày xưa không? Mọi người đều nói Thonglao đã từ giã đội tuyển khi còn quá sớm?
Tôi muốn tạo thêm điều kiện cho các cầu thủ trẻ. Được thi đấu cho tuyển quốc gia là niềm hạnh phúc. Tôi không thể vô địch AFF Cup một lần nào nhưng bản thân tôi cũng đã chơi đủ 100 trận cho tuyển Thái Lan. Tôi có thể xem đó như là niềm tự hào lớn lao trong cuộc đời mình. Đó có lẽ cũng là thời điểm thích hợp để tôi chia tay rồi (năm 2017, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan tổ chức trận giao hữu với Kenya để chia tay huyền thoại Thonglao - PV).
- Suốt từng ấy năm chơi bóng, cầu thủ Việt Nam nào để lại ấn tượng mạnh nhất với anh?
HAGL thời đó có Việt Thắng, Công Phượng, tôi cũng biết và nhớ cả Công Vinh nữa.
- Cảm ơn anh vì cuộc trao đổi.