Cựu phó chánh thanh tra sở kiện giám đốc vì bị buộc thôi việc

Cựu Phó chánh Thanh tra sở LĐ-TB&XH TP.HCM vừa bất ngờ gửi đơn “kiện ngược” Giám đốc Sở này khi cho rằng, mình bị buộc thôi việc “oan”.

Cựu phó chánh thanh tra sở kiện giám đốc vì bị buộc thôi việc

Sự việc gây xôn xao dư luận đã được TAND TP.HCM trực tiếp thụ lý, đặt ra không ít tình huống pháp lý và quan điểm trái chiều.

Kiện ra tòa làm rõ trắng đen

Chiều 25/1, ông Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên Phó Chánh thanh tra sở LĐ- TB&XH TP.HCM xác nhận, ông vừa gửi đơn khởi kiện Giám đốc Sở lên TAND TP.HCM. Đơn đã được phía TAND TP chấp thuận xử lý. Thời gian sắp tới, đôi bên sẽ cùng nhau ra tòa đối chất.

Cựu phó chánh thanh tra sở kiện giám đốc vì bị buộc thôi việc - Ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên Phó Chánh thanh tra sở LĐ-TB&XH TP.HCM.

Trong đơn khởi kiện, ông Nghĩa trình bày: “Sở LĐ-TB&XH thành phố ra quyết định buộc thôi việc tôi với lý do không đề xuất xử phạt, gây thất thoát hơn 4 tỉ đồng. Tôi thừa nhận trong chuyện này có sai sót nhưng không phải mình tôi sai. Tôi đã xử lý khách quan, không tiêu cực, việc tôi bị buộc cho thôi việc hoàn toàn oan ức. Tôi yêu cầu Tòa án hủy bỏ quyết định về việc kỷ luật cho thôi việc”.

Theo tìm hiểu của PV, quyết định kỷ luật buộc thôi việc khẳng định ông Nghĩa đã thiếu trách nhiệm trong xử lý vi phạm hành chính công tác thanh tra, cố ý không xử phạt nhiều trường hợp, tự ý phê duyệt không xử phạt vượt thẩm quyền... Các hành vi trên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát hơn 4 tỉ đồng. Tuy nhiên, vị nguyên Phó chánh thanh tra khẳng định, toàn bộ lỗi lầm đó không thể đổ hết lên đầu ông. Ông thừa nhận có làm việc sai quy trình, nhưng không chỉ có mình ông. Vị này khẳng định đã thực hiện theo quy trình thanh tra có tính thông lệ từ năm 2007 đến nay(?!).

Tìm hiểu về nguyên nhân vụ kiện hi hữu, PV được biết, năm 2014 ông Nghĩa được phân công phụ trách bộ phận thanh tra chính sách lao động. Gần đây, sở LĐ-TB&XH tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên 37 trong tổng số 573 hồ sơ không xử phạt từ năm 2014 đến tháng 5/2015 do ông Nghĩa phụ trách. Kết luận khẳng định, có 35 hồ sơ vi phạm pháp luật lao động nhưng không được xử phạt.

Sự việc này là nguyên nhân chính khiến ông Nghĩa bị buộc cho thôi việc vì thiếu trách nhiệm. Sau đó, nguyên Phó chánh thanh tra Sở nhiều lần gửi đơn khiếu nại, thanh minh cho sự trong sạch của mình nhưng không đem lại hiệu quả. Thời gian sau đó, ông Nghĩa bất ngờ nhận quyết định buộc cho thôi việc. Quá ấm ức, vị Phó chánh thanh tra quyết định kiện lãnh đạo của mình ra tòa để làm rõ “trắng đen”.

Nhắc về lý do bị buộc cho thôi việc, vị nguyên Phó chánh thanh tra khẳng định không hiểu và cũng không được Sở cho biết cách tính như thế nào để quy kết ông làm thất thoát hơn 4 tỉ đồng. Trò chuyện với PV, ông Nghĩa phân tích: “Thanh tra Sở chia làm 6 bộ phận thanh tra việc thực hiện Bộ luật Lao động. Năm 2014, 6 bộ phận ra khoảng 117 quyết định xử phạt.

Bộ phận của tôi phụ trách xử phạt 16 trường hợp. Như vậy, tất cả có 117 quyết định xử phạt/1.253 kết luận thanh tra, cộng với hơn 2.200 trường hợp phạt khác mới ra số tiền phạt hơn 4,8 tỉ đồng. Như thế, với bộ phận thanh tra của tôi, không đủ cơ sở cho rằng tôi gây thất thoát hơn 4 tỉ đồng”.

Những lập luận trái chiều

Để tiếp tục “minh oan”, ông Nghĩa đưa ra lập luận, những năm trước đây, tình hình kinh tế trong nước nói chung và TP.HCM nói riêng sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp phải đình đốn sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, công nhân thiếu việc làm nhiều. Năm 2007, tư tưởng chỉ đạo của lãnh đạo Sở là thanh tra nhằm hướng dẫn, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ pháp luật. Việc lập biên bản vi phạm hành chính để đề nghị doanh nghiệp khắc phục, hết sức cân nhắc trong việc xử phạt, định kỳ có kiểm tra lại. Từ đó, những năm qua gần như 100% cán bộ thanh tra Sở thực hiện theo đúng quan điểm như vậy.

Cựu phó chánh thanh tra sở kiện giám đốc vì bị buộc thôi việc - Ảnh 2

Trụ sở sở LĐ-TB&XH TP.HCM nơi xảy ra vụ trộm hy hữu.

Vị nguyên Phó chánh thanh tra Sở lý giải, ông đã thực hiện theo chỉ đạo từ cấp trên. Theo ông, mọi người đều biết, nếu căn theo luật mà phạt toàn bộ lỗi vi phạm sẽ dễ dẫn đến đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp, gây đình trệ hoạt động sản xuất, đời sống công nhân... Từ đặc thù khó khăn, nhạy cảm trong thanh tra xử lý vi phạm doanh nghiệp nên Thanh tra Sở xử lý uyển chuyển như vậy. Với những lập luận đó, ông này tái khẳng định đã xử lý khách quan, không tiêu cực.

Trái ngược với ý kiến của cựu cán bộ thuộc cấp, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, việc lãnh đạo Sở thống nhất đưa ra quyết định buộc cho thôi việc là hoàn toàn công khai, minh bạch, được sự đồng thuận cao. Ông Dũng khẳng định, trong sự việc không hề có việc trù dập, hay làm mất uy tín cán bộ.

Theo lời ông này, với việc làm thất thoát tiền như thế, hành vi của ông Nghĩa đủ để chuyển cơ quan điều tra làm việc. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở muốn xử lý trách nhiệm với cán bộ, công chức trước. Dù lãnh đạo Sở hàm ý việc buộc cho thôi việc với ông Nghĩa là đã “giơ cao đánh khẽ”, thì vị nguyên Phó chánh thanh tra vẫn không tâm phục khẩu phục. Ông Nghĩa quả quyết, sẽ theo vụ kiện đến cùng để đòi lại công bằng. Ông cho biết, việc đánh giá cá nhân ông làm thất thoát hơn 4 tỉ đồng là quy chụp.

Hiện tại, toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được TAND TP.HCM trực tiếp xem xét thụ lý. Sẽ có cuộc thẩm định vai trò của ông Nghĩa trong việc làm thất thoát tài sản. Ở thời điểm này, bản thân ông Nghĩa và phía cơ quan chủ quản đều đưa ra lập luận chứng minh sự trong sạch. Tuy nhiên câu trả lời sẽ có khi cơ quan chức năng công bố kết luận cuối cùng. Vụ kiện giữa một người nguyên là Phó chánh thanh tra và Giám đốc Sở là khá hi hữu, thu hút sự quan tâm từ dư luận. Tất cả đang mong chờ phán quyết công tâm, minh bạch từ phía cơ quan chức năng.

Nếu đúng bản chất sự việc thì phải khởi tố hình sự

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết, trong sự việc này, trước hết, nếu ông Nghĩa muốn kiện việc mình bị buộc thôi việc là sai, thì ông Nghĩa phải chứng minh được sự bất hợp pháp trong trường hợp ông bị thôi việc. Còn phía sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nếu cho ông Nghĩa thôi việc, phải thành lập hội đồng kỷ luật, có tham khảo ý kiến của cơ quan Thanh tra TP.HCM.

Hơn nữa, khi muốn sa thải ai, phải dựa theo sai phạm của họ, phải làm công minh, đúng người đúng tội, tránh gây dư luận tiêu cực. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM sa thải ông Nghĩa vì lý do ông này thiếu trách nhiệm trong xử lý vi phạm hành chính công tác thanh tra, cố ý không xử phạt nhiều trường hợp, tự ý phê duyệt không xử phạt vượt thẩm quyền... Các hành vi vi phạm trên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát hơn 4 tỉ đồng thì bị xử lý hình sự, nếu đúng bản chất sự việc, phải khởi tố hình sự chứ không phải mức kỷ luật thôi việc.

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ