Dù khẳng định chưa gặp người của Việt Á và “lắc đầu” với “hoa hồng” của công ty này, nhưng quá trình điều tra, cơ quan bảo vệ pháp luật đã chứng minh hành vi phạm tội của cựu Giám đốc CDC Đắk Lắk và đồng phạm.
Từng “lắc đầu” với “hoa hồng”
Trả lời báo chí ngay sau khi lãnh đạo Công ty Việt Á bị bắt (tháng 12/2021), ông Trịnh Quang Trí, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk cho biết, chưa gặp người của Công ty Việt Á.
Điều đáng nói, ông Trí không trả lời thẳng mà chỉ “lắc đầu” khi được hỏi, có nhận “hoa hồng” của Công ty Việt Á hay không.
Lúc này, ông Trí lý giải, việc chọn mua kit test của Việt Á là vì CDC Đắk Lắk tiếp nhận 1 máy xét nghiệm PCR từ một doanh nghiệp đã mua máy của công ty này để trao tặng.
Vì vậy, khi các bộ phận chuyên môn trình hồ sơ mua kit test của Việt Á, ông Trí thống nhất và cho rằng, đây là doanh nghiệp Việt Nam, kit test được sản xuất trong nước, sử dụng sẽ an toàn. Cạnh đó, thông tin về giá cả được đăng tải công khai và đã được Bộ Y tế cho phép nên yên tâm.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan chức năng chứng minh, ông Trí chịu trách nhiệm hoàn toàn khi CDC Đắk Lắk đã có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, vi phạm Điều 89 Luật Đấu thầu, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 6,8 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng thi hành các quyết định tố tụng liên quan đến vụ án xảy ra tại CDC Đắk Lắk. Ảnh: TT |
Quá trình phạm tội của các bị can
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành cáo trạng truy tố đối với 5 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại các Điểm b, đ Khoản 1, Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Trong đó, bị can Trịnh Quang Trí với vai trò là Phó Giám đốc phụ trách, sau đó là Giám đốc CDC Đắk Lắk chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch của đơn vị trước Sở Y tế Đắk Lắk giao.
Cụ thể, khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, ông Trí đã chỉ đạo các nhân viên của CDC Đắk Lắk liên lạc, trao đổi với Đinh Lê Lê Na, nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á để tạm ứng sinh phẩm, hóa chất, vật tư phục vụ xét nghiệm trước và hợp thức hóa thủ tục thầu thanh toán sau.
Sau khi tạm ứng sinh phẩm, hóa chất, vật tư phục vụ xét nghiệm của Công ty An Việt, Công ty dược phẩm Huế, Công ty Việt Á, CDC Đắk Lắk đã không hoàn thành các thủ tục chỉ định thầu rút gọn đối với gói thầu số 1, 3, 4 trong vòng 15 ngày liên tiếp kể từ thời điểm giao thầu, không tiến hành thương thảo hợp đồng... Từ đó, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền hơn 6,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, sau khi CDC Đắk Lắk thanh toán tiền cho các công ty, ông Trịnh Quang Trí đã được hưởng lợi số tiền 211.360.000 đồng từ Đinh Lê Lê Na.
Bị can Trần Thị Nguyên Hằng, nhân viên Khoa Xét nghiệm (CDC Đắk Lắk) đã cùng các bị can, thông đồng với Công ty An Việt, Công ty dược phẩm Huế, Công ty Việt Á để thanh toán tiền theo đúng giá mà các công ty đưa ra.
Trong quá trình CDC Đắk Lắk mượn hàng và thanh toán tiền cho các đơn vị, đối với mỗi gói thầu thì Hằng đều được hưởng lợi từ Đinh Lê Lê Na với số tiền chiết khấu 929.978.964 đồng.
Bị can Trần Thanh Mỹ, Trưởng phòng Tài chính kế toán (CDC Đắk Lắk), biết việc CDC Đắk Lắk nhận test xét nghiệm và các vật tư, sinh phẩm y tế khác của các công ty nói trên để sử dụng trước phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Trí, Mỹ đã làm và phối hợp với các phòng, khoa của CDC Đắk Lắk để hoàn thiện hồ sơ thầu, thương thảo hợp đồng, ký hợp đồng, thanh toán tiền từ ngân sách Nhà nước cho 3 công ty.
Ngoài ra, Trần Thanh Mỹ đã trực tiếp hoặc trao đổi với Trần Thị Mai Anh, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Dược (CDC Đắk Lắk) để thu thập 3 bảng báo giá (trong đó bảng báo giá của công ty cho mượn hàng là thấp nhất) để xác định giá trong gói thầu, đảm bảo công ty cho mượn hàng được thực hiện gói thầu và thanh toán tiền đúng theo yêu cầu của 3 công ty.
Sau khi CDC Đắk Lắk thanh toán tiền cho các công ty, Mỹ đã được hưởng lợi số tiền 171 triệu đồng từ Lê Na.
Tương tự, bị can Đặng Minh Tuyết, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Xét nghiệm (CDC Đắk Lắk) cùng với các bị can khác thông đồng với các công ty để thanh toán tiền theo đúng giá mà các công ty đưa ra.
Sau khi CDC Đắk Lắk thanh toán tiền, Tuyết đã được hưởng lợi số tiền 66 triệu đồng từ Lê Na.
Đối với bị can Đinh Lê Lê Na đã có hành vi thông đồng với CDC Đắk Lắk và Công ty An Việt, Công ty dược phẩm Huế, Công ty Việt Á hợp thức hóa 4 gói thầu tại CDC Đắk Lắk, với mục đích 3 công ty này trúng thầu, từ đó thanh toán tiền theo đúng đơn giá mà các công ty đưa ra.
Đồng thời, Na là người trung gian trong việc mượn hàng, giao hàng, hợp thức hóa gói thầu giữa CDC Đắk Lắk với 3 công ty này. Bị can Na được xác định là trực tiếp liên hệ và chỉ đạo nhân viên liên hệ với 3 công ty để thu thập các bảng báo giá, đảm bảo giá của công ty cho mượn hàng theo từng gói thầu là thấp nhất.
Từ đó, CDC Đắk Lắk làm căn cứ xác định giá thầu và các công ty thẩm định giá ban hành chứng thư thẩm định giá phù hợp với giá của các công ty đã cho mượn hàng, đảm bảo cho các công ty này trúng thầu và được thanh toán tiền theo giá cho mượn hàng.
Cáo trạng của VKSND Đắk Lắk xác định, hành vi của các bị can nói trên đã không đảm bảo nguyên tắc công bằng minh bạch, gian lận trong đấu thầu, vi phạm Điều 89 Luật Đấu thầu, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước.
“Trong năm 2020 - 2021, các cá nhân có trách nhiệm liên quan thuộc CDC Đắk Lắk đã lập, ký duyệt, hợp thức hóa hồ sơ 6 gói thầu vào 6 đợt. Trong đó, có 4 gói thầu đã thanh toán (gói thầu số 1, 2, 3, 4) và 2 gói thầu chưa ký kết hợp đồng và chưa thanh toán (gói thầu số 5, 6). Kết quả điều tra xác định, hậu quả thiệt hại đối với hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là hơn 6,8 tỷ đồng”.