Cựu công an viên cầm đầu đường dây đánh tráo sổ đỏ, chiếm đoạt 23 tỉ đồng

GD&TĐ - Vũ Quý Lãm - cựu công an viên cầm đầu đường dây đánh tráo sổ đỏ, bán trộm đất của người khác, chiếm đoạt 23 tỉ đồng - song bị can này đang bỏ trốn.

Ngày 8/4, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử đối với nhóm bị cáo liên quan đường dây đánh tráo sổ đỏ, chiếm đoạt gần 23 tỷ đồng.

Chủ mưu trong vụ án này được xác định là Vũ Quý Lãm (SN 1986), ở xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương, cựu công an viên sau khi phạm tội đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Công an đã ra quyết định truy nã. Hiện nay, do chưa bắt được Lãm nên công an tạm đình chỉ điều tra.

11 đồng phạm của Lãm bị truy tố về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức gồm: Nguyễn Mạnh Cường (SN 1986), Nguyễn Thị Hậu (SN 1969), Lưu Thị Lượng (SN 1957), Vũ Xuân Thắng (SN 1976), Nguyễn Đình Kiêu (SN 1958), Dương Thị Hòa (SN 1972) đều ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội; Nguyễn Thị Phúc (SN 1970, ở quận Hai Bà Trưng), Đinh Đức Hiệp (SN 1953, ở Vĩnh Phúc); Ngô Thị Bạch Vân (SN 1950), Lê Thu Thảo (SN 1974) đều ở quận Ba Đình) và Phạm Văn Đồng (SN 1990, ở huyện Hoài Đức).

Theo hồ sơ vụ án, thông qua các trang web mua, bán bất động sản, Lãm tìm hiểu thông tin về chủ đất rồi liên hệ, giả là người mua đất. Đối tượng lấy tên giả là Hoàng, yêu cầu chủ nhà chụp ảnh sổ đỏ. Lợi dụng sơ hở của chủ nhà, Lãm đánh tráo sổ đỏ thực hiện màn lừa tinh vi.

Có trong tay sổ thật, Lãm phân công đồng bọn làm giả giấy tờ tùy thân của chủ nhà, giả danh chủ nhà ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tiền.

Bằng các thủ đoạn trên, các đối tượng thực hiện 11 vụ chiếm đoạt tiền.

Trong các nạn nhân có vợ chồng anh Lý Văn V. (SN 1980, ở quận Long Biên, Hà Nội) bị chiếm đoạt 3,2 tỷ đồng khi mua nhà đất của ông Lê Đức Lương (SN 1959).

Cáo trạng thể hiện, khoảng đầu tháng 7/2019, ông Lê Đức Lương nhờ người rao bán thửa đất tại khu Hồ Cầu Đuống, thị trấn Việt Yên, huyện Gia Lâm, Hà Nội trên mạng Internet.

Nhóm của Lãm dò hỏi và lấy được thông tin liên quan đến thửa đất này rồi làm giả sổ đỏ mang tên ông Lương. Nhóm đối tượng hẹn chủ đất đến quán cà phê để nói chuyện.

Tại đây, đại diện của ông Lương cho nhóm Lãm xem sổ đỏ. Lợi dụng lúc người này sơ hở, các đối tượng đã đánh tráo sổ giả để lấy sổ thật.

Thời gian sau, nhóm của Lãm thuê Đinh Đức Hiệp, giả danh là ông Lương để làm các giấy tờ tùy thân gồm CMND, sổ hộ khẩu… giả.

Cùng lúc này, do có nhu cầu mua đất nên vợ chồng anh V. đã liên hệ với nhóm của Lãm để hỏi mua đất. Hai bên thỏa thuận, giá bán đất là 3,2 tỷ đồng.

Theo hướng dẫn của Lãm, Hiệp giả danh ông Lương đến nhà anh V. ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Vợ chồng anh V. đã thanh toán đủ số tiền trên cho nhóm của Lãm.

Đến ngày 3/1/2020, vợ chồng anh V. mang sổ đỏ đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Gia Lâm làm thủ tục sang tên thì mới “tá hỏa” hay biết nhà ông Lương có đơn đề nghị tạm thời ngừng giao dịch thửa đất trên.

Bằng thủ đoạn tương tự, nhóm đối tượng còn mang sổ đỏ thế chấp, chiếm đoạt tiền tỷ của Ngân hàng VPBank.

Cơ quan chức năng xác định, tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của các nạn nhân và ngân hàng là gần 23 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại phiên toà xét xử ngày hôm nay, do có 1 bị cáo vắng mặt, nên HĐXX dời lịch xét xử vào ngày 5/5 tới đây.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.