Cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phủ nhận lời khai của cấp dưới

GD&TĐ - Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đã phản bác và phủ nhận nhiều lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội.

Ngày 28/12, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Đức Chung (54 tuổi, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) cùng đồng phạm trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để giúp Công ty Nhật Cường trúng thầu 2 gói số hóa tài liệu của Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội.

Trong phiên xử, Hội đồng xét xử tiếp tục thẩm vấn các bị cáo về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hội đồng xét xử cũng dành thời gian cho bị cáo Nguyễn Đức Chung đối chất với các bị cáo từng là thuộc cấp. 

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tứ (SN 1965, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) giữ quan điểm khẳng định đã nhận được sự chỉ đạo rất quyết liệt của bị cáo Nguyễn Đức Chung về việc dừng gói thầu số hóa năm 2016 do Sở này làm chủ đầu tư.

Trình bày của bị cáo Tứ tại toà thể hiện 2 cuộc điện thoại ngày 15/5/2016, bị cáo Chung quyết liệt yêu cầu dừng thầu và nói rõ là gói thầu này đang triển khai không đúng các quy định của thành phố.

Bị cáo Tứ nói rằng trong 2 cuộc điện thoại trên, bị cáo Chung không đả động gì đến việc áp dụng công nghệ nào; không hỏi về việc kết nối, tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố, cũng không hỏi về các đơn vị tham gia đấu thầu.

Ngoài 2 cuộc gọi nêu trên, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng khai sáng ngày 16/5/2016, bị cáo Chung tiếp tục gọi điện cho bị cáo này ngay trước cuộc họp giao ban của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. "Cuộc gọi này, ông Chung nói ngắn gọn. Tôi yêu cầu anh dừng gói thầu lại để đưa bằng được công nghệ của Nga vào", bị cáo Tứ nói.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên toà xét xử.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên toà xét xử.

Theo lời của bị cáo Tứ, công nghệ này trùng với công nghệ mà Công ty Nhật Cường giới thiệu với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sau đó. “Công ty Nhật Cường giới thiệu đúng cái công nghệ ông Chung nói. Những điều hứa hẹn của Nhật Cường thì hoàn toàn trùng khớp với yêu cầu của ông Chung chỉ đạo tôi", bị cáo Tứ trình bày.

Khi được phép trình bày tại phiên xử, bị cáo Nguyễn Đức Chung phản bác lời khai của thuộc cấp. Bị cáo cho rằng bị cáo Tứ đã bịa đặt nội dung bị cáo gặp riêng để chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phải gặp Công ty Nhật Cường. “Nếu xác định công nghệ đó tiên tiến và họ tư vấn, anh chị phải tìm hiểu kỹ. Tôi còn nói đơn vị nào có nhu cầu thì tự liên hệ với Nhật Cường", bị cáo Chung nói.

Được yêu cầu lên bục khai báo để đối chất, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khẳng định bản thân ông bảo lưu những nội dung đã khai báo từ phiên xử.

Bị cáo này cũng đề nghị Hội đồng xét xử cho khôi phục lại đoạn băng 3 cuộc điện thoại trên để làm rõ nội dung và nếu sai, bị cáo xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Trước đó, tại phiên xử chiều 27/12, bị cáo Chung thừa nhận đã 3 lần gọi điện thoại cho Nguyễn Văn Tứ để yêu cầu dừng mở thầu gói số hóa dữ liệu cơ sở doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội năm 2016. Bị cáo Chung khai rằng, khi chỉ đạo đã đề nghị phải thực hiện theo đúng thủ tục dừng thầu.

Theo bị cáo Chung, cho rằng đối với gói thầu số hóa dữ liệu ở Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội mới là chủ đầu tư và người có thẩm quyền quyết định là Chủ tịch UBND Hà Nội.

Việc chỉ đạo dừng mở thầu là thực hiện theo chức trách của Chủ tịch UBND Hà Nội và vị trí Trưởng ban chỉ đạo Công nghệ thông tin thành phố mà bị cáo Chung đảm nhiệm năm 2016.

Khi được hỏi về mối quan hệ với Bùi Quang Huy, bị cáo Chung khai đó là quan hệ xã hội và “không đến mức thân thiết”. Bị cáo cũng phủ nhận việc ông chủ Công ty Nhật Cường đã nhờ Chủ tịch Hà Nội can thiệp dừng mở thầu như cáo trạng quy kết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.