Cựu Chủ tịch Công ty Quang Thuận tiếp tay cho Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng nhưng chỉ nhận thù lao 7 triệu đồng/tháng

GD&TĐ - Bị cáo Nguyễn Vũ Anh Thi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quang Thuận tiếp tay cho bà Trương Mỹ Lan nhưng chỉ nhận lương 7 triệu/tháng.

Tòa tiếp tục xét xử các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.
Tòa tiếp tục xét xử các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.

Ngày 23/9, TAND TPHCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 bị cáo khác về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Thuê người đứng tên công ty, ký phát hành trái phiếu

Tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyễn Vũ Anh Thi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Quang Thuận (Công ty Quang Thuận) cho biết, ngoài Công ty Quang Thuận, bị cáo cũng là người đại diện pháp luật của nhiều công ty khác thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Bị cáo Nguyễn Vũ Anh Thi cũng đồng thời làm Tổng Giám đốc VIPD, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Việt Nam, đại diện pháp luật Công ty CP Đường Khánh Hội…

Tuy nhiên, khai nhận tại tòa, bị cáo Nguyễn Vũ Anh Thi cho rằng, bản thân chỉ là người được thuê để đứng tên đại diện doanh nghiệp, hưởng lương với mức thù lao khoảng 7 triệu đồng/tháng.

2fd2ccf75ce6fab8a3f7.jpg
Các bị cáo khai nhận đều làm theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan. (Ảnh: Q,H)

"Bị cáo không tham gia vào hoạt động điều hành của công ty. Tất cả những hồ sơ và giấy tờ liên quan đến việc phát hành trái phiếu đều được chuẩn bị sẵn, bị cáo chỉ việc ký theo chỉ đạo mà không nhận thức được hậu quả của việc đó sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người như vậy", bị cáo Nguyễn Vũ Anh Thi khai nhận.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Vũ Anh Thi đại diện Công ty VIPD ký Hợp đồng đặt đặt mua 50.000 trái phiếu mã ADC-2018.09 do Công ty An Đông phát hành; ký 14 chứng từ Công ty VN Group chuyển cho Công ty An Đông số tiền 5.006 tỷ đồng để mua sơ cấp trái phiếu giúp cho Công ty An Đông phát hành trái phiếu theo chủ trương của Trương Mỹ Lan.

Đối với việc phát hành mã trái phiếu QT-2018.1 của Công ty Quang Thuận, bị cáo Thi tiếp nhận chủ trương phát hành trái phiếu của Trương Mỹ Lan sau đó duyệt ký Quyết định của Đại hội đồng cổ đông số ngày 12/12/2018 của Công ty Quang Thuận; ký báo cáo kết quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp để gửi Bộ Tài chính.

Bị cáo Thi còn đại diện nhiều công ty khác, ký hợp đồng liên quan đến việc mua trái phiếu của Công ty Quang Thuận…

Việc làm trên của bị cáo Nguyễn Vũ Anh Thi đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành gói trái phiếu An Đông và Công ty Quang Thuận, chiếm đoạt số tiền 6.506 tỷ đồng của bị hại.

7b4c467cd66d7033297c.jpg
TAND TPHCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 bị cáo khác về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. (Ảnh: QH)

Sửa báo cáo tài chính để đủ điều kiện phát hành trái phiếu

Trong khi đó, bị cáo Trần Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Setra và Trần Thị Lan Chi, Kế toán trưởng Công ty Setra, đều cho biết không đồng ý với một phần nội dung trong cáo trạng.

Hai bị cáo này phủ nhận việc lập hồ sơ thoái vốn Công ty Setra tại Công ty Khang Thành Phú và cho biết hồ sơ thoái vốn này được Văn phòng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập rồi chuyển qua để ký chứ không trực tiếp làm hồ sơ thoái vốn.

“Bị cáo được Trịnh Quang Công báo Công ty Setra là đơn vị phát hành trái phiếu và được yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý, còn lại không biết kế hoạch cụ thể phát hành trái phiếu như thế nào, nhà đầu tư nào sẽ mua trái phiếu...”, bị cáo Trần Văn Tuấn khai.

Tuy nhiên, theo cáo trạng, báo cáo tài chính của Công ty Setra năm 2019 thể hiện đang bị lỗ (không đủ điều kiện phát hành trái phiếu). Tuy nhiên, bị cáo Trần Văn Tuấn và Trần Thị Lan Chi đã làm thủ tục thoái toàn bộ vốn của Công ty Setra tại Công ty Khang Thành Phú thông qua các hợp đồng chuyển nhượng vốn “khống” tại thời điểm tháng 6/2020.

Sau đó, các bị cáo ghi lùi ngày thành 20/12/2019 cho 3 người là Trần Duy Hữu, Trần Thị Xuân, Đỗ Thị Thúy Hồng (được thuê ký hợp đồng và chứng từ khống) để Báo cáo tài chính năm 2019 của Setra chuyển từ lỗ sang lãi.

Tiếp đó, nhóm cung cấp hợp đồng và báo cáo tài chính năm 2019 đã điều chỉnh cho các kiểm toán viên Công ty Kiểm toán A&C để phát hành báo cáo kiểm toán độc lập với ý kiến chấp nhận toàn phần, từ đó giúp cho Công ty Setra đủ điều kiện về năng lực tài chính phát hành trái phiếu năm 2020.

Còn theo bị cáo Trịnh Quang Công (Tổng Giám đốc Công ty Acumen) - bị cáo buộc đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm chiếm đoạt số tiền 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại, thì cho rằng, bản thân chỉ làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Trương Khánh Hoàng (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) và không hưởng lợi gì từ việc phát hành trái phiếu.

Theo cáo trạng, từ năm 2018 đến năm 2020, bị cáo Trương Mỹ Lan là người đề ra và chỉ đạo việc thực hiện các hành vi sai phạm.

Bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB), Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc SCB), Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc SCB; trợ lý Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI), và Hồ Bửu Phương (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VTP), sử dụng các Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra để phát hành 25 mã trái phiếu "khống", tức không có giá trị thật.

Sau đó, nhóm này đã bán các trái phiếu trên cho nhà đầu tư và thu về tổng cộng hơn 30.000 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.