Ngày 13/6, BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết trước đó 2 ngày, bệnh nhi sốt, đau bụng, nôn ói. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm cơ tim tối cấp.
Bệnh nhi được xử trí đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc vận mạch. Tình trạng trẻ diễn tiến xấu nhanh, tim giảm dần, tụt huyết áp, ngưng tim, được cấp cứu tim phổi, hội chẩn các chuyên khoa.
Các bác sĩ can thiệp ECMO trong khi vẫn xoa bóp tim ngoài lồng ngực suốt gần 60 phút để kịp kết nối với máy.
Sau kết nối và điều chỉnh thông số thích hợp, tình trạng trẻ vẫn diễn tiến nặng, phức tạp, rối loạn nhịp nhanh thất, sau đó block nhĩ thất.
Các bác sĩ quyết định đặt máy tạo nhịp tim, điều chỉnh rối loạn điện giải, kiềm toan, lọc máu liên tục giải quyết tình trạng tổn thương gan thận, suy đa cơ quan.
Sau gần 2 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhi cải thiện dần, huyết áp trở về bình thường, ngưng được vận mạch, cai ECMO, sau đó cai máy thở, tỉnh táo.
Viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu vi gây ra, làm tổn thương tế bào cơ tim, giảm sức co bóp cơ tim,
Trẻ nhỏ từ 2-10 tuổi thường là đối tượng dễ bị viêm cơ tim cấp do sức đề kháng yếu, khiến virus và vi khuẩn có thể dễ dàng vượt qua hàng rào miễn dịch và tấn công cơ tim.
Theo bác sĩ Tiến, trẻ bị viêm cơ tim cấp thường bị sốt, người mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân và các đầu ngón tím tái. Trẻ em khi nhiễm siêu vi nguy cơ bị biến chứng viêm cơ tim tối cấp.
"Trẻ khi có các dấu hiệu trên nên nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được khám, chẩn đoán sớm viêm cơ tim và xử trí thích hợp", bác sĩ Tiến khuyến cáo.