Cuốn sách thú vị của một người thú vị

GD&TĐ - Với tôi và không ít người, GS.TSKH Trần Văn Nhung là một người thú vị. Vì ở anh là sự kết hợp hàng loạt những mặt tưởng như đối lập nhưng thống nhất hài hòa: Chân quê - uyên bác; giản dị - lịch lãm; cổ điển - hiện đại; con người khoa học, con người quản lý - con người nghệ sĩ; cần cù, chu đáo - ham vui; khó tính - cả nể… 

Cuốn sách thú vị của một người thú vị

Tùy nơi, tùy lúc mà con người này hay con người khác của anh xuất hiện, khiến bối cảnh và những người mà anh đối thoại, tiếp xúc phải nể phục xen lẫn thích thú.

1.Cuốn sách Sộp thành Nhà giáo do GS.TSKH Trần Văn Nhung viết, kết hợp nhiều dạng: Hồi ký, hồi ức, chân dung các nhà quản lý, nhà khoa học, bài phát biểu tại các diễn đàn chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp hay khoa học trong nước và quốc tế, những bức thư tâm huyết gửi Bộ Chính trị và UNESCO. Hay đơn giản là những mẩu chuyện nhỏ chứa đựng bài học lớn về cuộc đời và nhân cách, những bức ảnh kỷ niệm, sưu tầm về gia phả, địa danh quê hương, cho đến những danh ngôn dạy làm người, danh ngôn tiêu biểu về giáo dục, về toán học…

Những danh ngôn được dẫn trong Lời nói đầu, dường như là lời tác giả dặn mình và thưa cùng bạn đọc. Rằng:“Con người cần hai năm để học nói và cần sáu mươi năm để học được cách giữ gìn lời ăn tiếng nói” (L. Phayvanghe). Rằng: “Ký ức dễ lừa gạt vì nó khoác màu những sự kiện của hôm nay”(A. Einstein), “Trí nhớ của trái tim xoá đi những điều xấu và phóng đại những điều tốt đẹp”(G. G. Marquez).

Đọc cuốn sách này, sẽ bắt gặp ở đây không chỉ cuộc đời một con người từ cậu bé nhà quê nghèo khổ, thậm chí rất nghèo khổ, cơ cực, tưởng thất học, đã trở thành nhà giáo ở những trường đại học danh giá và nhà khoa học, nhà quản lý được cả nước, thậm chí là quốc tế "biết mặt biết tên”, mà còn là cả một chặng đường đáng nhớ, tự hào của lịch sử Giáo dục Việt Nam, lịch sử Toán học Việt Nam.

2.Những kỷ niệm cuộc đời của GS Trần Văn Nhung có khá nhiều sự kiện. Có những mất mát khủng khiếp, đau đớn nhất của đời người, của đứa trẻ mẹ mất sớm, bật lên thành nức nở, đọng trong những giọt nước mắt, hơn nửa thế kỷ rồi, bây giờ vẫn chảy.

Có những tháng ngày bất hạnh, đói khát, bị bố đánh liên tục vì hư; nhiều đêm đi đặt lờ bắt cua rạm, ngủ trên cái cống cao giữa cánh đồng, không chăn, không chiếu, chẳng đệm, chẳng gối. Có hơi ấm giản dị, thiêng liêng của tình cảm gia đình, chẳng ai và chẳng gì thay thế, đắp đổi được. Có nghẹn ngào và tiếng cười nghịch ngợm, tự hào của tuổi học trò từ trường quê, vùng biển Hải Hậu (Nam Định) bước vào và bước ra cổng tỉnh, học và trưởng thành, với sức bật mới từ lớp A0 chuyên Toán đầu tiên của Nhà nước đặt tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giữa thời bom đạn.

Rồi những kỷ niệm về Hungary, đất nước nhỏ, ”bé hạt tiêu” nhưng lớn về khoa học, nhất là về toán. Kỷ niệm khi được phong thẳng là Giáo sư (1992), không qua Phó Giáo sư. Kỷ niệm một thế kỷ Đại học Quốc gia Hà Nội (1906 - 2006), một trường đại học danh giá của cả nước. Kỷ niệm bình thơ của/với đồng nghiệp, anh em.

Và từ những kỷ niệm ấy cũng như những lúc rảnh rỗi uống rượu, bình thơ, bình về người đẹp, cái đẹp, con người nghệ sĩ hay chuyện, thích nói chuyện, nói chuyện rất có duyên, duyên vì thông minh, thông minh vì có duyên, của anh lại hiện lên rất rõ. Có cả chuyện “nổi tiếng bất đắc dĩ xung quanh bằng tiến sĩ”. Rồi việc cố gắng lý giải địa danh quê hương, cái địa danh không biết từ khi nào dân gian lại có câu “Đi chợ Lạc Quần, bán lạc mua quần, khi về quần lạc”.

Sộp thành Nhà giáo, cuốn sách được tái bản lần thứ ba, có sửa chữa, bổ sung, đang trên tay bạn đọc. Cuốn sách của nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà ngoại giao và của con người đầy chất nghệ sĩ! Một con người luôn biết đứng trên vai những người tài năng, xuất sắc! Giản dị và uyên bác. Chân quê và sang trọng. Khoa học và tình tứ. Chu đáo, tỉ mỉ đến “đa mang” về sự kiện, chi tiết và tình đời.              

Từ những kỷ niệm cuộc đời của GS Trần Văn Nhung, có thể thấy khá rõ chân dung đích thực một thế hệ trí thức Việt Nam. Họ đã lớn lên trong nghèo khó. Họ rất tự hào về cái “gen” mà gia đình, dòng họ, quê hương đã trao truyền cho mình, kể cả cái “gen” sức khỏe, đa cảm, đa tình. Họ có lý tưởng khoa học và nghị lực vươn lên đáng nể phục. Cái “phông”văn hóa của họ rộng và sâu, chủ yếu do tự học và trải nghiệm cuộc đời.

Họ luôn có hai chân, hai công cụ, hai phương tiện vững chắc, nhanh và mạnh để tiếp cận với văn minh, văn hóa, khoa học nhân loại: Ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, và công nghệ thông tin. Tôi thích những câu danh ngôn dạy làm người do GS Trần Văn Nhung sưu tầm, chọn lọc, đặt ở cuối Phần I. Những kỷ niệm cuộc đời trong cuốn sách của anh.

Đó là những danh ngôn của Khổng Tử, A. Lincoln, B. Napoleon, Hồ Chí Minh, triết lý sống của A. Einstein, những câu nói có thể góp phần thay đổi cuộc đời bạn, những danh ngôn hay nhất về phụ nữ, một số câu nói gây sốc của Tổng thống Nga V. Putin, những lời khuyên của Bill Gates... Như thể những điều đã giúp anh thành đạt. Những điều anh tâm đắc và muốn chia sẻ với nhiều người. Những điều anh muốn, đã có và chưa có...

3. GS Trần Văn Nhung là người có tư tưởng rõ ràng, nhất quán về giáo dục. Anh rất thích câu nói của Nelson Mandela (Giải Nobel Hòa bình, năm 1993): “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới”.

GS.TSKH Trần Văn Nhung
GS.TSKH Trần Văn Nhung  

Những tư tưởng về giáo dục được anh trình bày giản dị nhưng sâu sắc. Với anh, “Hội nhập quốc tế là giải pháp quan trọng nhất để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” và đã không ít lần anh nói rõ tư tưởng đó của mình trên các diễn đàn khoa học, giáo dục. Trong thời đại ngày nay, đầu ra của giáo dục phải là nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng và hiệu quả cạnh tranh toàn cầu và hội nhập quốc tế, do đó cần phải lấy những kinh nghiệm, chuẩn mực và giá trị quốc tế tiên tiến làm cơ sở và đích đến cho nền giáo dục của chúng ta. Ngẫm ra, anh có lý, cả cơ sở khoa học lẫn thực tiễn sống động.

Cũng từ tư tưởng về hội nhập quốc tế, GS Trần Văn Nhung có thư gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư về việc cần có quốc sách đối với tiếng Anh, một ngôn ngữ ngày càng phổ dụng trên thế giới, nhưng ở nước ta, khả năng sử dụng tiếng Anh của người Việt Nam đang là rào cản không nhỏ tốc độ phát triển của đất nước. Nếu Bộ Chính trị sớm ban hành được một chỉ thị tương tự như Chỉ thị 58 (chỉ thị về phát triển công nghệ thông tin) nhưng về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, nếu toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc thì việc học, dạy và sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam sẽ có những bước tiến ngoạn mục, góp phần phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Các bài viết của GS Trần Văn Nhung về giáo dục luôn ẩn chứa tư tưởng. Anh nhìn giáo dục bằng cái nhìn dài hạn, bằng các hệ giá trị; bài học kinh nghiệm thành công hoặc chưa thành công của các quốc gia; các mối quan hệ trong hình chóp tam giác giáo dục; ý nghĩa vô cùng to lớn của tự học, học suốt đời; góc nhìn mới về vai trò của người thầy khi chuyển từ Teacher (người dạy) sang Tutor (người hướng dẫn); tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam; gửi giảng viên đại học ra nước ngoài đào tạo; bồi dưỡng học sinh giỏi, triết lý đầu tư tối ưu (chứ không phải tối đa) cho giáo dục...

Ba con người - nhà quản lý nhà khoa học, người thầy - đồng hành cùng xuất hiện trong mỗi bài viết của anh. (Anh là GS Toán học, nguyên Trưởng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và hiện nay là Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước).

4. Hiếm có người nào hiểu và nặng lòng với lịch sử Toán học Việt Nam như GS Trần Văn Nhung. Bản thân anh là GS Toán học, là người liên tài luôn trân trọng tài năng, cá tính độc đáo của đồng nghiệp. Anh chủ trì xây dựng Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020 (Chương trình), đóng góp lớn vào việc thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Viện/VIASM).

Chương trình và VIASM được ra đời từ thành tích xuất sắc của Đoàn học sinh Việt Nam tại IMO 2007, từ việc hoàn thành xuất sắc đăng cai tổ chức IMO 2007, lần đầu tiên tại Việt Nam, từ sự ủng hộ của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, của nguyên PTT Nguyễn Thiện Nhân, từ triển khai cụ thể của GS Ngô Bảo Châu, GS Trần Văn Nhung, GS Lê Tuấn Hoa, GS Nguyễn Hữu Dư, TS Nguyễn Thị Lê Hương và các nhà Toán học Việt Nam và quốc tế.

Dù có cống hiến, đóng góp quan trọng nhưng GS Trần Văn Nhung không đòi hỏi, yêu cầu quyền lợi gì từ Chương trình và Viện. Ngược lại, tôi thấy anh rất vui, hạnh phúc khi chứng kiến những thành tích xuất sắc của Toán học Việt Nam và VIASM, số công bố quốc tế của Toán học Việt Nam tăng lên 2,5 lần trong 5 năm qua. Các nhà Toán học trẻ có công bố quốc tế xuất sắc được tặng thưởng, học sinh giỏi toán ở khắp miền đất nước được cấp học bổng, đông đảo các nhà toán học trong, ngoài nước và quốc tế gặp nhau, cùng làm việc tại VIASM, trong đó có cả những nhà khoa học hàng đầu thế giới, những người được Giải thưởng Nobel, Fields...

Hiểu và nặng lòng với Toán học như thế, nên Phần III của cuốn sách - Những kỷ niệm về Toán học của anh – là những trang viết thú vị, hấp dẫn, kể cả đối với những người không thuộc chuyên môn, thậm chí sợ môn Toán hồi đi học.

Đọc 21 danh ngôn tiêu biểu về Toán học do GS Trần Văn Nhung sưu tầm, tôi lý giải được thêm lý do anh mê Toán học và lý do các nhà Toán học thường có cá tính độc đáo. Chẳng hạn, những danh ngôn tuyệt vời này: “Mọi phát kiến của nhân loại đều có bàn tay hướng dẫn của Toán học, bởi vì chúng ta không thể có một người chỉ đường nào khác” (Charles Darwin); “Toán học thuần túy, theo cách của riêng nó, là thi ca của tư duy logic” (Albert Einsten)...

Qua đây, tôi nghiệm thấy, hình như, tất cả những nhà Toán học thực sự đều là những người có tư tưởng học thuật rõ ràng. Họ là những người có góc cạnh, không bao giờ nhàn nhạt. Những phát biểu của họ thường có nhiều bất ngờ từ những logic bất ngờ. Tất nhiên, nhiều lúc, họ cũng cực đoan lắm. Và nhiều nhà Toán học làm thơ, viết văn rất hay. Từ học Toán hoặc dạy Toán, đã có nhiều người thành danh, là nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng, như Vương Trọng, Phó Đức Phương, Dương Thụ, Nguyễn Trọng Tạo, Đặng Hấn... Có lần, tôi nói đùa với GS Trần Văn Nhung và một số nhà Toán học: Các văn nghệ sĩ thường mang tiếng lập dị, đa tình; nhưng hình như, cái phần lập dị thì đúng là của văn nghệ sĩ, còn cái phần đa tình, đúng nhất phải là các nhà Toán học.

5. Sẽ là thiếu, khi viết về GS Trần Văn Nhung và cuốn sách này, mà không trở lại nói thêm về những mặt tưởng như đối lập nhưng thống nhất hài hòa, thú vị của anh.

Anh ăn vận rất giản dị, có khi tuềnh toàng như khi ta ngồi uống bia hơi; nhưng khi có việc, khó có người “mode” như anh, từ comple, áo sơ mi, cổ áo sơ mi, cravat đến đôi giày. Tôi đã thấy anh hướng dẫn tỉ mỉ nhiều người cách ăn vận, cách phối màu áo, quần, cách khi nào thì mở và khi nào thì cài cúc áo complet, khi nào nên đi giầy có dây...

“Gu” ẩm thực của anh cũng thế. Bữa ăn bình thường, thế nào cũng phải có cà pháo, mắm tôm, rau thơm và nhất định phải có hành sống. Hết ngày làm việc, bữa ăn thế nào cũng phải có rượu. Anh bảo, đấy là “gen” của ông bố. Trong bữa ăn, anh sợ nhất là đổ vỡ chai rượu. Thường là rượu quê, đôi khi sang hơn thì rượu ngoại. Anh chu đáo, cẩn thận, tỉ mỉ nhưng cũng lại ham vui, cái ham vui của văn hóa. Chu đáo, cẩn thận trong công việc và quan tâm đến đời sống của mọi người trong cơ quan, niềm vui, nỗi buồn của đồng nghiệp, bạn bè. Chi tiết, tỉ mỉ khi ngồi vào bàn viết. Chính cái chi tiết, tỉ mỉ ấy đã giúp anh có vốn kiến thức, vốn sống uyên bác nhưng vẫn đời thường, mỗi khi giao tiếp. Cái chi tiết, tỉ mỉ có khi cũng làm anh khó tính, người thân khó “chiều”.

Có lần anh tâm sự: “Dần dần mình mới hiểu tại sao về cuối đời, những thiên tài như A. Einstein, S. Hawking... lại càng tin có Chúa và cố gắng tìm một lý thuyết thống nhất hay Thuyết Vạn vật (Theory of Everything). Chính những quy luật, cấu trúc hoàn hảo trong tự nhiên và trong chính cơ thể người cũng như động vật mà khoa học phát hiện được càng củng cố thêm ở họ niềm tin nói trên. Đến nay, mình vẫn chưa có được niềm tin tâm linh thực sự, ít tin ở cúng bái. Nhưng luôn tâm niệm: Hiếu nghĩa từ tâm, tu từ tâm, tương lai và tiền đồ một con người phụ thuộc vào tấm lòng, trí khôn, nghị lực lao động, phấn đấu.

Gom những mẩu chuyện và kỷ niệm trong cuộc đời mình lại, tập hợp những bài đã nói và viết của mình trong vòng gần 30 năm qua, ở nơi này nơi kia, vào lúc này hay lúc khác, để vợ con mình, bà con họ hàng, quê hương, xóm ngõ, bạn bè đồng nghiệp thân thiết, những người cùng cộng tác với mình và những ai quan tâm, hiểu mình, hiểu những điều mình đã nói, đã viết và đã làm, một cách có hệ thống hơn, để họ thấy cả cái hay, cái dở của mình, theo chiều dài năm tháng và sự trải rộng của không gian. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.