Nghiêng ngả cười...
Cười rúc rích, cười hả hê, cười sung sướng… Khán giả khi đến rạp thưởng thức bộ phim “Anh thầy ngôi sao” của đạo diễn, NSƯT Đức Thịnh đang được công chiếu trên hệ thống rạp cả nước đã đều được cười ở đủ cung bậc như thế.
Chỉ có mấy phút dạo đầu của bộ phim có phần chùng xuống khi đưa đẩy chàng trai tên Hoàng đang say mê trên con đường vươn tới ước mơ: Trở thành ngôi sao âm nhạc nhưng không phải bằng tài năng mà bằng tiền thuê bầu show đánh bóng tên tuổi, bỗng đâu bị khép lại khi bầu show bị bắt và Hoàng phải trốn nợ.
Tình huống ấy đã đẩy anh chàng chỉ còn một con đường duy nhất: Ra đảo… làm thầy dạy học. Đây là một công việc mà Hoàng đã từng phản đối cha mình rằng: Lại theo ý mẹ chứ gì?
Từ đó, con đường ra đảo của Hoàng ngập tràn những tiếng cười: Cười từ những trận say sóng ra mật xanh, mật vàng của Hoàng trên tàu; từ tình huống phi thực tế: Anh lái xe lôi hát léo nhéo và bảo rằng có Hoàng ra đảo nên biển mở đường cho xe lôi chạy… Và, cả rạp đã cười nghiêng ngả khi gặp ông Bừng luôn yêu đời hết thảy với chiếc máy ảnh toòng teng ở cổ để chào đón thầy giáo Hoàng.
Thậm chí, nhiều người không thể không bật cười với kiểu nói đối lập tỉnh bơ của ông trưởng đảo vui tính ấy, kiểu như: “Ở đây tuy không được sang chảnh như ở thành phố nhưng nó nghèo. Ở cái lớp học mà thầy tiếp quản nó không có nhiều học trò nhưng bù lại nó vắng vẻ. Nói luôn là nước ngọt ở đây khan hiếm, thiếu, may mà nước biển nó nhiều…”;
Rồi thì ông Bừng đùng đùng kéo Hoàng đi đỡ đẻ cho… bò chỉ với lý do nếu không học thì sau này vắng ông ai sẽ là người đỡ đẻ cho chúng!
Cứ thế, cứ thế, khán giả ôm bụng mà cười trước màn đón chào Hoàng của người dân đảo với những vũ điệu nhảy múa cứ như của những thổ dân. Rồi thì ở nơi đảo xa ấy, cái nhà vệ sinh được dựng tạm bằng những tấm phên lần lượt bị giật tung.
Riêng với lớp học của Hoàng - cái lớp học chỉ có 5 đứa trẻ cũng đủ tình huống hài hước: Thằng Sò chuyên… ị đùn, cái Hến hơi tí là khóc nhè, cái Ốc thì điệu rớt, cu Tôm ngốc nghếch trừ mãi mấy quả táo mà không ra kết quả; còn thằng Cu chuyên đến lớp muộn vì ông bố say rượu.
Tiếng cười đã theo suốt cùng nỗi ấm ức, bực tức của Hoàng vì đã bắt buộc phải là thầy của đám trẻ ấy ở hòn đảo có cái tên gọi rất mỹ miều: “Đảo Quý” nhưng đúng hơn phải gọi là “khỉ ho cò gáy” ấy.
Tiếng cười cũng không dứt ngay cả khi Hoàng tìm cách chạy trốn khỏi đảo mà suýt chết giữa biển khơi khi liều lĩnh ngồi lên chiếc bè kết bằng… chai nhựa có gắn máy!
Để rồi trào… nước mắt
Nhưng, “Anh thầy ngôi sao” đã không dừng lại ở những tiếng cười giải trí khi cười đấy để rồi trào… nước mắt. Giữa đảo xa không sóng điện thoại, không mạng Internet - hòn đảo chơ lơ giữa biển xanh, một ngôi trường chỉ có một lớp học được lắp ghép bằng những tấm tôn, một nhà công vụ dành cho thầy giáo luôn thấy trời xanh thăm thẳm… Vậy nhưng, những đứa trẻ của đảo vẫn tha thiết muốn được học hành.
Ông Bừng trưởng đảo dốc lòng, dốc sức giữ chân những người thầy, người cô. Rõ ràng, cái khát vọng học hành luôn là nhu cầu rất lớn của bất kỳ ai và ở bất kỳ đâu!
Vì muốn được học, những đứa trẻ răm rắp nghe lời thầy Hoàng, năn nỉ thầy ở lại với chúng, dù có những lúc thầy Hoàng hành xử bực dọc, dằn hắt… Vì muốn đem niềm vui cho thầy Hoàng mà ông Bừng trưởng đảo bán cả chiếc xe máy duy nhất của gia đình để tổ chức lễ hội đón thầy ra đảo. Vì muốn ngăn bước thầy Hoàng bỏ đảo ra đi mà ông Bừng lập kế hoạch cho dân cả đảo đóng kịch… dọa sắp có giông bão tàu không thể ra khơi.
Cả cô Sâm - con gái ông Bừng cũng vào cuộc khi leo nóc nhà công vụ đóng lại chỗ ngắm trời xanh, dựng lại nhà vệ sinh cho thầy Hoàng…
Nhất là, khi biết thầy Hoàng khao khát được tỏa sáng bằng ca hát, thằng Cu đã đào trộm cây đàn ghi ta của mẹ tặng, bị người cha nát rượu chôn xuống đất mang sang tặng thầy Hoàng.
Rồi thì, cả dân của đảo Quý, nào là đám trẻ, nào đàn ông, phụ nữ cùng hò nhau dựng clip ca nhạc giúp thầy Hoàng dự thi. Cứ thế, nơi trùng khơi, mặc cái nghèo, cái vất vả, tiếng cười, tiếng hát vẫn vang lên để níu giữ chân thầy Hoàng.
Thế nên, “Anh thầy ngôi sao” đã khiến khán giả cứ thỏa thuê cười để mà lăn dài nước mắt trước những tình yêu: Tình yêu con chữ, tình yêu trò nhỏ, tình yêu người thầy… quấn quyện để hát lên những bài tình ca đẹp hơn bao giờ hết.
Và, “Anh thầy ngôi sao” còn lấp lánh những khát vọng, những ước mơ của thầy, của trò: Thầy Hoàng khát khao tỏa sáng như một ca sĩ thực thụ; thằng Cu ước mơ được ca hát trên ti vi để mẹ em nghe thấy mà trở về… Nếu ước mơ của thằng Cu làm khán giả rơi nước mắt thì khát vọng của thầy Hoàng lại tìm được sự đồng điệu vì lối rẽ bất ngờ: Từ ước mơ của trò đã giúp thầy nhận ra mình cũng có thể tỏa sáng nhưng không phải là những gì thầy đang ảo tưởng khi nhận ra mình không thực sự có tài năng. Thầy chỉ có thể tỏa sáng khi là người giúp trò tỏa sáng!
“Anh thầy ngôi sao” không phải là một phim bom tấn về mọi mặt, thậm chí phim còn có những hạt sạn về logic như: Vì sao thầy Hoàng có thể sáng tác bài hát rất hay về đảo Quý - giữa lúc thầy đang ghét cay ghét đắng?
Dường như đạo diễn quên trả lời cho khán giả: Mẹ của thằng Cu liệu có nghe thấy nó hát trên tivi không? Xem ra tạo hình của cô Sâm không thực sự ra dáng cô thôn nữ đang sống nơi biển đảo…
Thế nhưng, “Anh thầy ngôi sao” đã mang đến cho khán giả một năng lượng mới, một quan niệm mới về cuộc sống đầy hài hước, có phần lãng mạn nhưng vẫn thực tế. Và, có lẽ, cũng đã lâu lâu rồi khán giả Việt mới được thưởng thức một bộ phim đầy xúc động về đề tài thầy - trò - một đề tài dễ chạm đến trái tim mỗi người.