Cười để ngẫm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tác phẩm 'Truyện Trạng Lợn và truyện Xiển Bột', do NXB Văn học ấn hành, mang đến cho rất nhiều thế hệ độc giả tiếng cười cũng như sự suy ngẫm.

Tác phẩm 'Truyện Trạng Lợn và truyện Xiển Bột' mang lại tiếng cười cùng nhiều bài học quý giá.
Tác phẩm 'Truyện Trạng Lợn và truyện Xiển Bột' mang lại tiếng cười cùng nhiều bài học quý giá.

Tác phẩm “Truyện Trạng Lợn và truyện Xiển Bột”, do NXB Văn học ấn hành, mang đến cho rất nhiều thế hệ độc giả tiếng cười cũng như sự suy ngẫm về hiện trạng xã hội xưa nay. Đây là hai nhân vật rất nổi tiếng trong văn học dân gian Việt Nam.

Phần đầu tiên của cuốn sách là truyện Trạng Lợn. Có thể nói, nhân vật Trạng Lợn khác với rất nhiều nhân vật trong truyện dân gian khác và có một mạch truyện xuyên suốt từ khi ông sinh ra cho đến khi mất, được kể và lí giải một cách rất logic, đậm chất huyền bí dân gian.

Truyện này cũng mang một hơi thở cổ điển khi được trình bày giống như những tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng thời phong kiến. Điểm nhấn đó chính là những lời đề từ bằng 2 câu thơ nêu lên chủ đề cũng như dự báo diễn biến mỗi mạch truyện chính mà độc giả chuẩn bị bước vào.

Những lời này không chỉ giúp cho người đọc tiện theo dõi truyện hơn, mà còn thể hiện được chất nghệ thuật trong văn học dân gian Việt Nam cũng như mang đến góc nhìn phản biện xã hội kèm với những chi tiết hài hước, phản ánh được suy nghĩ và tâm tư của người dân thời bấy giờ.

“Cảm lòng thiện, thần hiện đầu thai

Phát âm phần, dị nhân xuất thế”.

Đây là lời đề từ về sự ra đời của Trạng Lợn - không phải là một đứa trẻ bình thường, mà là một vị thần được đầu thai xuống dưới hạ giới. Điều đáng nói là, vị thần này đã chọn đầu thai để trở thành con của một ông hàng thịt “tu nhân tích đức, đỡ kẻ nghèo, giúp người khó, không biết bao nhiêu mà kể”.

Việc có được một đứa con thần như vậy là kết quả cho quan niệm “ở hiền gặp lành”, mang một tinh thần hướng thiện. Người mẹ có mang Trạng Lợn cũng cùng năm mà hoàng tử được hạ sinh vậy nên được gọi là:

“Phượng đẻ, tất là cây trúc mọc

Rồng bay chắc có áng mây theo”.

Còn có truyện được các cụ truyền lại về sự tích của Trạng Lợn vốn dĩ là thần ở một gò trước cổng làng. Khi ông bán thịt đi qua thường hay mua cho thần quà bánh, tổng cộng bảy mươi hai lần, ứng với số năm thần ở dưới hạ giới.

Thần đã theo ông bán thịt về nhà với lời hứa đỗ Trạng nguyên và giáng sinh trở thành Trạng Lợn. Cứ như vậy, Trạng Lợn đã lớn lên, đi học chữ, quyết tâm đỗ Trạng cho dù bị chính anh chị chế giễu.

Ông cũng kết bạn tài bốn phương, có được một người vợ hiền, làm quan giúp nước và rời xa trần thế một cách thanh thản. Trong suốt bảy mươi hai năm ngao du ở trần thế, gặp được những sự may mắn cũng như được thần tiên giúp sức, Trạng không lấy thế để làm những điều xấu xa mà đứng ra giúp nước, giúp dân.

Hình tượng Trạng Lợn cho ta thấy, Trạng nguyên trong dân gian không hẳn là người đỗ đạt khoa cử, mà là những nhân vật có ý chí và có tấm lòng với dân, với nước.

Phần hai của cuốn sách về một nhân vật dân gian khác cũng nổi tiếng không kém đó là Xiển Bột. Trong phần hai này, nhân vật Xiển Bột được xây dựng thông qua một mô-típ quen thuộc của truyện cười dân gian đó chính là những mẩu chuyện ngắn được truyền miệng qua nhiều thế hệ.

Tương truyền, Xiển Bột là hậu duệ của Trạng Quỳnh và thừa hưởng trí thông minh, tài năng cũng như tấm lòng ngay thẳng ghét cái xấu của cố của mình. Xiển Bột đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội thời bấy giờ, mang lại tiếng cười hóm hỉnh cũng như cảnh tỉnh mọi người về một xã hội mà giá trị đạo đức bị xem nhẹ.

Mỗi phần truyện Trạng Lợn có lời đề từ như tiểu thuyết chương hồi. Ảnh: Anh Sơn

Mỗi phần truyện Trạng Lợn có lời đề từ như tiểu thuyết chương hồi. Ảnh: Anh Sơn

Một điều nữa khiến cho độc giả đọc về Xiển Bột mà liên tưởng ngay đến Trạng Quỳnh chính là đối tượng mà nhân vật này đả kích bao trùm khắp xã hội từ vua đến dân, không kiêng nể, né tránh bất kì ai. Càng những người quyền cao chức trọng như vua, quan lại càng bị Xiển Bột đả kích mạnh mẽ, bởi chính vua và tầng lớp quan lại đã không làm tròn được trách nhiệm của mình với dân với nước.

Xiển Bột được vua mời vào chữa bệnh đã không ngần ngại ám chỉ những thói xấu. Hay như việc Xiển Bột vả miệng quan huyện xu nịnh cấp trên bằng chính cái luật vô lí mà hắn đưa ra để nịnh bợ cũng cho thấy được lời tuyên chiến không khoan nhượng của nhân vật này với thói hư tật xấu.

Qua nhân vật Xiển Bột, dân gian đã nêu lên được quan điểm cũng như ước nguyện của bản thân, đồng thời lên án những sâu, mọt đang đục khoét xã hội. Bởi vậy, cùng với truyện Trạng Lợn, truyện Xiển Bột mang lại cho độc giả tiếng cười cùng nhiều bài học quý giá.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.