Cuộc tấn công bằng Iskander-M phá hủy hệ thống S-300 cuối cùng

GD&TĐ - Ngày 6/1, hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga đã tấn công tổ hợp phòng không S-300PS của Ukraine ở khu vực Pavlograd, vùng Dnepropetrovsk.

Cuộc tấn công bằng Iskander-M phá hủy hệ thống S-300 cuối cùng

Theo Tạp chí Military Watch (MW), cuộc tấn công đã dẫn đến việc phá hủy các bộ phận chính của hệ thống, bao gồm trạm chỉ huy 5N63S, radar chiếu xạ và dẫn đường 30N6 cũng như các phương tiện hỗ trợ liên quan.

Sự kiện này là một bằng chứng khác về vai trò tăng cường của các hệ thống tên lửa Nga trong cuộc chiến chống lại những tổ hợp phòng không Ukraine.

Pavlograd nằm ở một trong những biên giới phía Tây của khu vực chiến đấu, nơi các cuộc đụng độ vẫn tiếp tục diễn ra. Việc hệ thống S-300PS bị phá hủy cho thấy sự suy yếu của phòng không Ukraine, vốn từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công trên không của Nga.

Các tổ hợp S-300 được triển khai trên lãnh thổ Ukraine từ thời Liên Xô, chúng được coi là một trong những vũ khí mạnh nhất khu vực. Tuy nhiên, sự cạn kiệt S-300 đã trở thành một trong những vấn đề chính đối với Lực lượng vũ trang Ukraine.

Kể từ khi bắt đầu xung đột, Ukraine đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tên lửa và phụ tùng thay thế cho các hệ thống phòng không của riêng mình.

Vào năm 2022, phát ngôn viên Không quân Ukraine - Đại tá Yuriy Ignat cảnh báo rằng việc thiếu tên lửa cho S-300 và Buk có thể làm suy yếu đáng kể khả năng chống chọi với những cuộc tấn công của Nga.

Thông tin rò rỉ từ Lầu Năm Góc vào tháng 4 năm 2023 đã xác nhận lo ngại này: Các quan chức Mỹ cho rằng đến tháng 5 năm 2023, hệ thống phòng không tiền tuyến của Ukraine có thể bị phá hủy hoàn toàn.

Kể từ đó, Nga tích cực khai thác lợi thế sức mạnh không quân của mình. Các cuộc không kích kèm pháo kích đã gia tăng đáng kể áp lực lên các vị trí của Ukraine. Binh sĩ Kyiv ở tiền tuyến đã nhiều lần ghi nhận tác động tàn khốc, chứng kiến sự phá hủy các boongke kiên cố và khiến vị trí đóng quân của họ cực kỳ dễ bị tổn thương.

iskanderm.jpg
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M đã chứng minh ưu thế trên chiến trường.

Iskander-M đóng vai trò quan trọng trong việc phá hủy hệ thống phòng không Ukraine. Kể từ năm 2024, vũ khí này đã được sử dụng nhiều lần để tấn công tổ hợp Patriot và S-300, gây cho phía Ukraine nhiều thiệt hại.

Ví dụ, vào tháng 3 và tháng 7, tên lửa Nga đã tấn công các khẩu đội Patriot và S-300, còn vào tháng 8, 3 xe phóng MIM-104 Patriot của Mỹ đã bị phá hủy ở khu vực Dnepropetrovsk.

Vào tháng 12, một cuộc tấn công của Iskander đã phá hủy trạm radar AN/MPQ-65 và 4 bệ phóng Patriot, sau đó là các cuộc tấn công vào các sân bay và cơ sở hạ tầng quân sự ở 146 khu vực.

S-300 là một trong những hệ thống phòng không chính của Ukraine, tuy nhiên độ chính xác và sức mạnh lớn của Iskander-M giúp nó có thể tiêu diệt hiệu quả không chỉ các hệ thống phòng không mà còn cả những yếu tố then chốt của cơ sở hạ tầng quân sự.

Để đối phó với tình hình phòng không ngày càng xấu đi, đồng minh NATO của Ukraine đang cung cấp các hệ thống hiện đại, bao gồm cả Patriot. Tuy nhiên, số lượng không thể bù đắp đầy đủ cho những tổn thất mà phía Kyiv phải gánh chịu.

Các quốc gia phương Tây, bao gồm cả Mỹ, gặp khó khăn trong việc bổ sung nguồn cung cấp của mình vì những hệ thống phòng không mặt đất của họ được triển khai ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với thời kỳ Xô Viết.

Những cuộc tấn công nhằm vào mạng lưới phòng không Ukraine bằng Iskander-M làm nổi bật vai trò của tên lửa đạn đạo của Nga như “hệ số nhân lực” mang lại lợi thế trên chiến trường.

Việc phá hủy các hệ thống phòng không chủ chốt làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine, cho phép Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động của lực lượng mặt đất và phát triển hoạt động tấn công.

Tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga ngoài mặt trận.
Theo Military Watch

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ