Chương trình GD phổ thông mới: Bắt nhịp với sự phát triển

GD&TĐ - Kết thúc 1 chu kỳ triển khai Chương trình GDPT 2018, ngành Giáo dục cần lấy ý kiến nhằm đánh giá lại ưu, nhược điểm...

Giờ học Ngữ văn của cô và trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú
Giờ học Ngữ văn của cô và trò Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Xuân Phú

Từ đó phát triển chương trình giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Vượt khỏi “khuôn mẫu”

Từ thực tiễn giảng dạy, cô Lê Thị Hồng An - giáo viên Trường Tiểu học Thành Công A (Ba Đình, Hà Nội) nhận thấy, một trong những ưu điểm của Chương trình GDPT 2018 là tính mở, tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh chủ động dạy - học.

Chẳng hạn, tập làm văn là môn học khó với học sinh tiểu học. Khuyết điểm lớn nhất của học sinh là bệnh công thức, khuôn sáo, thiếu tính chân thực trong bài. Muốn học sinh sáng tạo và viết được những bài văn chân thực, “thoát ly” văn mẫu, giáo viên cần hướng dẫn các em biết phân tích, hiểu được cái hay, đẹp của bài văn và không phụ thuộc vào sách giáo khoa.

Ngoài ra, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh làm quen với các thuật ngữ: Đại ý, bố cục, nhân vật, cốt truyện, kết cấu, ý nghĩa, tư tưởng. “Có thể nói, Chương trình GDPT 2018 đã giúp cô, trò vượt khỏi khuôn mẫu. Học sinh tự tin hơn với khả năng quan sát, nhìn nhận và phát triển phẩm chất, năng lực”, cô An nhận xét.

Còn theo cô Hà Thị Thu - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa), Chương trình GDPT 2018 đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần của Nghị quyết 29/2013-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Chương trình đã cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp.

Chương trình GDPT 2018 đã bám sát mục tiêu, yêu cầu và cụ thể hóa các nội dung đặt ra trong Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) ghi nhận, Chương trình GDPT 2018 được triển khai theo đúng lộ trình; học sinh tiếp thu tương đối tốt và phát huy năng lực bản thân, mạnh dạn, tự tin trong học tập, giao tiếp ngoài cuộc sống.

chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-1.jpg
Một hoạt động trải nghiệm của Trường THCS&THPT Bá Thước. Ảnh: NTCC

Điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tế

Tính đến thời điểm này, Chương trình GDPT 2018 được hiện thực hóa thành sách giáo khoa các môn học ở ba cấp học và thực hiện trong phạm vi cả nước. Chương trình mới đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong dạy - học và quản lý giáo dục. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 cho rằng, bên cạnh thuận lợi, việc triển khai chương trình cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Theo đó, một số chủ trương đổi mới như dạy học tích hợp, định hướng nghề nghiệp ở THPT, xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa quy định trong Nghị quyết 29/2013 của Trung ương và Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội không được thực hiện nhất quán, triệt để. Ngoài ra, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới. Cho đến nay, một số địa phương chưa đủ lớp học để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học.

Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo kịp thời, đồng bộ nhằm đảm bảo quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả cao. Song, theo cô Hà Thị Thu, trong quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, triển khai dạy học phân hóa gặp nhiều thách thức như: Công tác tư vấn lựa chọn môn học còn hạn chế, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng đủ yêu cầu về chuyên môn đối với các môn học mới. Điều này đòi hỏi có giải pháp kịp thời và hiệu quả để khắc phục những bất cập trong quá trình thực hiện.

Theo định hướng, sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo nhưng PGS.TS Hồ Sĩ Đàm - Tổng chủ biên Chương trình môn Tin học nhận thấy, giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh, phụ huynh và xã hội quan tâm quá mức đến sách giáo khoa.

Việc quan trọng hóa quá mức sách giáo khoa mà không chú ý đúng mức đến chương trình, chưa thể hiện thỏa đáng định hướng: Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. “Ví dụ, có nơi quy định: Cả quận, huyện mỗi môn học chỉ được chọn 1 bộ sách. Thực tế này làm hạn chế tính chủ động sáng tạo của giáo viên trong dạy học, kiểm tra đánh giá”, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm nêu thực trạng.

Có nhiều yếu tố cần thiết để đảm bảo sự thành công trong triển khai Chương trình GDPT 2018. Theo Tổng chủ biên Chương trình môn Tin học, yếu tố then chốt có tính quyết định là nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất cốt lõi định hướng của chương trình, nhất là về tiếp cận phát triển năng lực, tính mở của chương trình, thay đổi triết lý “thi gì học nấy” bằng “học gì thi nấy”, “thực học, thực nghiệp”.

Chương trình GDPT 2018 xác định những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh. GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trong tương lai, chương trình cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế và các văn bản mới của Đảng, Nhà nước, các tài liệu về chương trình và khoa học tâm lý giáo dục ở mỗi thời kỳ phát triển.

Ở nhiều nước, chương trình giáo dục phổ thông được điều chỉnh, bổ sung thường xuyên, thậm chí hằng năm. Tuy nhiên, xét trong hoàn cảnh cụ thể của nước ta, để bảo đảm tính ổn định, việc điều chỉnh, bổ sung nên thực hiện theo chu kỳ 5 năm/lần. Được điều chỉnh, bổ sung thường xuyên, chương trình sẽ luôn cập nhật với sự phát triển của khoa học, đất nước.

“Vì vậy, chương trình sẽ được sử dụng lâu dài, khắc phục được tình trạng mỗi lần đổi mới, chương trình và sách giáo khoa thay đổi gần như hoàn toàn, vừa gây khó khăn cho giáo viên, học sinh, vừa khó nhận được sự đồng thuận cao của xã hội”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết khuyến nghị.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, phát triển chương trình giáo dục phổ thông là hoạt động thường xuyên, bao gồm các khâu đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình trong quá trình thực hiện.

Quá trình triển khai, Bộ GD&ĐT tổ chức khảo sát thực tế, tham khảo ý kiến các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và những người quan tâm để đánh giá chương trình, xem xét, điều chỉnh, xây dựng chương trình các môn học mới (nếu cần thiết) và hướng dẫn thực hiện các điều chỉnh (nếu có).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ