Chụp ảnh tiểu hành tinh từ khoảng cách dưới 1 km
Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản công bố những bức ảnh chụp tiểu hành tinh Ryugu từ khoảng cách dưới 1 km. Sứ mệnh tàu vũ trụ Hyabusa 2 là sự thay thế cho Hayabusa, tiếp tục đưa mẫu đất đá từ tiểu hành tinh về Trái đất. Lần này, đối tượng lấy mẫu đất đá là tiểu hành tinh Ryugu. Vừa qua, tàu Hayabusa 2 đã tiến đến gần Ryugu ở khoảng cách dưới 1 km, khoảng cách gần nhất là 851 m và chụp khá nhiều ảnh về tiểu hành tinh này.
Robot hoạt động nhờ… bỏng ngô
Thành tựu mới nhất trong lĩnh vực robot học là cỗ máy tự động, hoạt động nhờ… bỏng ngô. Robot “bỏng ngô” này là dự án của nhóm các nhà khoa học ở Phòng Thí nghiệm Collective Embodied Intelligence thuộc ĐH Cornell. Nguyên tắc hoạt động của robot này như sau: Một thanh silicon được nhồi đầy 36 hạt ngô cùng dây điện trở nichrome. Khi dây điện trở nóng lên, hạt ngô nở ra thành bỏng ngô và nhanh chóng tăng thể tích. Điều này gây áp suất lên thành của thanh silicon và khiến nó co lại. Bằng cách đó, cánh tay robot có thể tóm bắt các đối tượng đặt trên một bề mặt phẳng.
Cảnh báo nguy hiểm liên quan đến trí tuệ nhân tạo
Tại cuộc gặp gỡ mới đây với sinh viên Trường Đại học London, ông Demis Hassabis, Giám đốc Công ty Phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo DeepMind (Anh) cho biết, ông nhận thấy tiềm năng rất lớn ở trí tuệ nhân tạo, bởi nhờ có trí tuệ nhân tạo chúng ta có thể thực hiện những khám phá khoa học mang tính bước ngoặt. Tuy nhiên, ông cũng nhìn thấy khá nhiều vấn đề và nguy cơ trong quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo. “Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ phải trả lời cho câu hỏi, kiểm soát những hệ thống này như thế nào, những giá trị nào được tích hợp, bằng cách nào chúng ta có thể triển khai và chúng ta muốn giành được gì. Có những mối nguy hiểm liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta quyết định phát triển những công nghệ này như thế nào” – ông Hassabis cho biết.