Cuộc sống muôn màu

 

Cuộc sống muôn màu

Tín hiệu mới từ thiên hà xa xôi

Viện SETI (Mỹ) – cơ quan nghiên cứu và tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh vừa ghi nhận được 72 tín hiệu mới, dưới dạng các bùng nổ sóng radio nhanh (Fast Radio Burst – FRB). Các tín hiệu này đến từ một thiên hà lùn, có ký hiệu là FRB 121102, cách Trái đất 3 triệu năm ánh sáng. Năm 2017, FRB 121102 cũng đã phát ra tín hiệu FRB và các nhà khoa học đã ghi nhận được 15 tín hiệu như vậy. Một số chuyên gia cho rằng, nguồn gốc các tín hiệu FRB có thể là sao neutron hoặc lỗ đen. Một số người khác cho rằng, cần phải xét đến khả năng người ngoài hành tinh phát ra những tín hiệu này.

Bản đồ Nam cực chính xác nhất

Các nhà khoa học lập bản đồ vùng Nam cực có tên là Reference Elevation Model (REMA). Đây là bản đồ chính xác nhất về Nam cực trong lịch sử. Bản đồ REMA cho phép các nhà khoa học theo dõi tất cả mọi sự thay đổi, dù là rất nhỏ, trong thời gian thực. “Cho đến nay, chúng ta có bản đồ sao Hỏa chính xác hơn bản đồ Nam cực. Còn bây giờ, đây là bản đồ vùng Nam cực trung thực nhất” – Giáo sư Ian Howat ở ĐH Ohio (Mỹ) cho biết. Bản đồ REMA được tạo ra nhờ các bức ảnh do nhóm vệ tinh nhân tạo thực hiện trên quỹ đạo cực, trong khoảng thời gian từ năm 2000 - 2017.

Khí cầu tầng bình lưu chạm độ cao kỷ lục

Trong chuyến bay thử nghiệm vừa qua, khí cầu tầng bình lưu “Big 60” của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA đã lên tới độ cao kỷ lục là 48,5 km. NASA dự định sử dụng khí cầu “Big 60” cho nhiều sứ mệnh nghiên cứu khoa học, chẳng hạn như nghiên cứu thiên văn, thử nghiệm ăng ten, thử nghiệm các cấu trúc trong không khí loãng và nghiên cứu trạng thái khí quyển.

Theo Onet, Interia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ