Cuộc sống muôn màu

 

Cuộc sống muôn màu

Bước đột phá trong quang hợp nhân tạo

Thực vật và khả năng chuyển đổi trực tiếp ánh sáng Mặt trời thành năng lượng trong quá trình quang hợp luôn là đề tài hấp dẫn các nhà khoa học. Mới đây, Giáo sư Erwin Reisner ở Đại học Cambridge (Anh) đã mô tả kết quả hợp tác giữa ĐH Cambridge với ĐH Ruhr Bochum (Đức): Phương pháp tách nước thành oxy và hidro của họ được sử dụng cả trong quang hợp sinh học cũng như trong công nghệ. Đây được coi là bước đột phá trong quang hợp nhân tạo. Điều này mở ra hi vọng rằng, nếu quang hợp nhân tạo tỏ ra hiệu quả thì hidro có thể trở thành nguồn năng lượng tái tạo, không thải carbon dioxide vào không khí.

Xe tự hành chụp ảnh sao Hỏa trong thời gian bão bụi

Xe tự hành sao Hỏa Curiosity của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA vừa thực hiện bức ảnh toàn cảnh, trên đó chúng ta có thể quan sát khu vực Vera Rubin Ridge, nơi xe tự hành nghiên cứu các mẫu đá nhằm tìm kiếm các dấu vết sự sống. Bức ảnh được chụp trong thời gian diễn ra cơn bão bụi lớn nhất trên sao Hỏa trong những năm gần đây. Trên ảnh, chúng ta có thể thấy một lớp bụi mỏng bao phủ xe tự hành. Bầu khí quyển sao Hỏa vẫn còn đầy bụi, cản trở tầm nhìn ở khu vực.

Trồng rau không đất ở Nam Cực

Tại châu Nam Cực đang có những dự án khoa học mà nhờ đó loài người có thể khai thác không gian vũ trụ và tạo ra những khu định cư trên các thiên cầu lạ. Một trong những dự án khác thường đó là EDEN-ISS do các nhà khoa học ở Cơ quan Vũ trụ Đức (DLR) thực hiện.

Trong khuôn khổ dự án, các nhà khoa học đã trồng thành công 3 kg rau quả tươi mà không cần đất và ánh sáng Mặt trời. Thật ra thì công nghệ trồng rau nói trên không phải là mới, tuy nhiên nó đã được hoàn thiện và hiện tại trở thành công nghệ hiệu quả nhất trên thế giới. Trong những điều kiện cực đoan, công nghệ trồng rau này có thể giúp nuôi sống nhóm phi hành gia đầu tiên sống trên Mặt trăng hay sao Hỏa.

Theo Geekweek, Onet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ