Cuộc sống khổ cực khi mới đến Mỹ của danh ca Trường Vũ

Những chia sẻ của Trường Vũ về quá khứ lăn lộn kiếm sống trên đất Mỹ khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Trong một livestream mới của mình, Trường Vũ kể thời điểm mới sang Mỹ vào năm 20 tuổi, anh không có gì trong tay nên phải nhờ bạn giới thiệu vào làm trong nhà hàng.

“Tôi phải làm phụ bếp, rửa chén, lau dọn nhà,… làm hết mọi việc và một tháng được vài trăm đô la. Ở Việt Nam hay gọi đùa công việc của tôi là kỹ sư lái dĩa bay. Tôi làm đủ thứ, cái gì người ta cần sau bếp là tôi phải làm hết, chỉ có điều không được vào trong bếp để nấu.

Thời ấy tôi không có xe nên người bạn đó phải chở tôi đi làm mỗi ngày. Tôi làm từ 5 giờ sáng tới tận 10 giờ tối muộn mới được về.

Sáng tôi đến để dọn dẹp và tham gia chuẩn bị đồ ăn sáng, ăn trưa cho khách hàng. Trưa đến, nhà hàng đóng cửa nghỉ ngơi", anh nói.

Cuộc sống khổ cực khi mới đến Mỹ của danh ca Trường Vũ - ảnh 1
Trường Vũ thời trẻ bên cố nghệ sĩ Chí Tài, danh ca Như Quỳnh.
Cũng theo nam ca sĩ, trong thời gian nhà hàng nghỉ trưa từ 14h 30 đến 17 giờ, anh tranh thủ đi làm thêm là lợp tôn, làm mái nhà hay cắt đồ cho nhà may vest.
Sau một thời gian, Trường Vũ xin đi nơi khác làm vì công việc lúc đó quá vất vả. Rồi anh chuyển sang làm cho một nhà hàng người Hoa tại Mỹ và dành dụm được tiền mua ô tô.

"Khách đến nhà hàng hay ăn món đặc trưng là lẩu thối và ám vào quần áo rất lâu. Tôi phải mua loại xà bông đắt tiền nhất của Pháp, thơm nồng lên, về tắm sạch sẽ mà mùi vẫn bám vào người, không thể tẩy sạch được.

Do đó khi tôi đi ra đường, vào trong xe bus, những người ngồi cạnh tôi chạy đi hết, không ai dám ở gần. Ban đầu tôi không biết, về sau mới nhận ra do mùi thối đó.

Sau tôi biết ý, cứ lên xe bus là xuống ghế cuối cùng ngồi. Tôi làm ở đó được hơn 5 tháng thì mua được một chiếc ô tô cùi. Tôi còn nhớ đó là chiếc Toyota 79. Mua được xe, tôi bỏ đi xe bus và cũng xin nghỉ việc luôn vì quá vất vả", anh cho biết.

Cuộc sống khổ cực khi mới đến Mỹ của danh ca Trường Vũ - ảnh 2
Trường Vũ và danh ca Như Quỳnh thời trẻ.
Theo Trường Vũ, mặc dù gánh nặng “cơm – áo – gạo – tiền” khi ấy khiến cuộc sống của anh luôn bận rộn nhưng đam mê ca hát chưa bao giờ ngừng chảy trong người. Bởi anh thường mở lại các băng đĩa của Duy Khánh, Chế Linh để nghe và học hỏi, nuôi dưỡng sở thích.
Thậm chí vì niềm đam mê ca hát quá lớn nên nam ca sĩ bỏ học phổ thông mặc dù đã đăng kí trước đó.

Một lần tình cờ, khi Trường Vũ đang ngân nga hát một đoạn nhạc thì ca sĩ Chung Tử Lưu nghe được nên mời anh về cộng tác với hai trung tâm ca nhạc lớn. Mặc dù ban đầu việc thu âm khá khó khăn vì nam ca sĩ nói giọng Triều Châu và tiếng Quảng Đông nên anh hát tiếng Việt không sõi.

Đổi lại, nam ca sĩ nhận được sự động viên của bạn gái là Anh Thư và sự giúp đỡ của ca sĩ Duy Khánh rồi được danh ca Chế Linh nhận làm học trò nên những khó khăn ban đầu nhanh chóng được đẩy lùi.

Sau đó Trường Vũ được nhiều trung tâm ca nhạc mời cộng tác và thành công nhất ở sân khấu Thúy Nga Paris by night, đặc biệt là sự kết hợp ăn ý với danh ca Như Quỳnh.

Trường Vũ sinh năm 1963 tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Bạc Liêu (nay là thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) tại một ấp nghèo toàn người gốc Hoa. Anh là con thứ năm trong gia đình có sáu người con gốc Triều Châu (Quảng Đông – Trung Quốc), đã sang lập nghiệp tại Việt Nam từ nhiều đời trước.

Năm 1983 anh rời quê hương và đến năm 1984 định cư tại Los Angeles, Mỹ.

Cuộc sống khổ cực khi mới đến Mỹ của danh ca Trường Vũ - ảnh 3
Trường Vũ làm giám khảo chương trình "Tình Bolero" năm 2016.
Đến tháng 7 năm 2010 Trường Vũ lần đầu trở về Việt Nam để tham gia biểu diễn tại một chương trình từ thiện lớn. Từ giữa năm 2016, nam ca sĩ về nước nhiều hơn, nhận lời làm giám khảo một số chương trình truyền hình và biểu diễn tại các thành phố lớn.

Danh ca hải ngoại được biết đến là một ca sĩ nói tiếng Việt không thạo nhưng bằng tình yêu âm nhạc cháy bỏng và sự lao động nghệ thuật hết mình, anh đã khẳng định là mình là một tên tuổi được đông đảo khán giả người Việt yêu mến.

Trường Vũ được đánh giá là giọng ca đặc biệt với dòng nhạc trữ tình, quê hương với nhiều nhạc phẩm bất hủ như: “Đám cưới nghèo”, “Nghèo mà có tình”, “Xa người mình yêu”, “Áo em chưa mặc một lần”, “Người đến từ Triều Châu”, “Không giờ rồi”, “Thành phố buồn”,…

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ