Di dân vì dòng điện ngày mai của Tổ Quốc
Từ xã Mường Khiêng theo con đường vành đai lòng hồ thủy điện Sơn La, chúng tôi về xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu. Vùng đất từng gắn liền với công cuộc di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, đời sống của đồng bào Thái và La Ha bên dòng sông Đà đang từng ngày đổi thay.
Năm 2005, xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu thực hiện di chuyển dân phục vụ xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La. Ông Tòng Xuân Sáng, nguyên Chủ tịch UBND xã Liệp Tè, giai đoạn 2000 – 2009 kể lại: Những ngày đầu xuống bản Bó Lươn Me Sim (nay là bản Mồng Luông) để thuyết phục 71 hộ dân di chuyển. Mỗi lần họp, nhân dân đến ngồi kín nhà sàn, nguyện vọng của bà con “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”, có ruộng, có nước và đất sản xuất.
Với khẩu hiệu “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, đợt di dân được cấp ủy, chính quyền xã Liệp Tè tổ chức đồng bộ, khẩn trương. Xã đã huy động lực lượng dân quân, các đoàn thể tham gia giúp đỡ các hộ tháo dỡ nhà, dựng lại nhà ở; hàng chục chiếc ô tô ngày, đêm ngược xuôi phục vụ chuyển đồ, chuyển nhà cho nhân dân.

Theo ông Sáng, chưa đầy một năm (từ 9/2004 - 5/2005), xã Liệp Tè phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của huyện hoàn thành việc kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 550 hộ phải di chuyển, trong đó 489 hộ thuộc diện di chuyển nội xã; 61 hộ chuyển đến xã Tân Lập, huyện Mộc Châu; hoàn thành việc đề nghị phê duyệt chi tiết 11 điểm tái định cư mới nội xã.
Còn ông Lò Văn Thuận, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu cho biết: Sau khi lòng hồ thủy điện tích nước, phần lớn diện tích đất canh tác lúa nước của người dân nằm dưới lòng hồ. Bài toán đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương lúc bấy giờ là lựa chọn cây, con giống để người dân ổn định cuộc sống. Từ nguồn vốn hỗ trợ tái định cư, xã đã thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ. Lúc ấy, xã cho rằng đây chính là hướng đi thoát nghèo cho người dân tại địa phương.
“Từ mô hình nuôi cá lồng này, xã Liệp Tè tranh thủ các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn đầu tư theo Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La để hỗ trợ người dân. Đến nay, toàn xã có 153 hộ nuôi với 716 lồng nuôi cá trắm, chép, lăng, nheo; xã thành lập Tổ tư vấn thủy sản, trực tiếp hỗ trợ, tư vấn các hộ nuôi cá, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Năm 2024, sản lượng cá thương phẩm xuất bán ra thị trường gần 100 tấn”, ông Thuận chia sẻ.

Là một trong những hộ đầu tiên nuôi cá lồng trên lòng hồ, từ vài lồng cá nuôi thí điểm, đến nay, gia đình ông Quàng Văn Tưởng, bản Ban Xa, duy trì 21 lồng nuôi cá lăng trắng, sản lượng khoảng 15 tấn cá/năm. Ông Tưởng cho hay: “Tôi vốn quen làm ruộng, nương, khi lòng hồ thủy điện tích nước, việc đi lại, sản xuất đều phải thay đổi. Tôi cùng bà con trong bản được huyện tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn ưu đãi; tập huấn kiến thức nuôi cá lồng. Cá nuôi cho chất lượng thịt săn chắc, xuất bán về các tỉnh miền xuôi với giá 90 - 100 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi”.
Bên cạnh nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, người dân xã Liệp Tè còn nuôi gia súc, gia cầm; cải tạo vườn tạp, chuyển diện tích cây hằng năm kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế được nhân rộng, như: Nuôi cá lồng, trồng cây ăn quả ở bản Tát Ướt, Ban Xa, Ta Mạ, Mồng Luông; nuôi gia súc ở bản Kia, bản Bắc, Chà Lào...

Đời sống của người dân ngày càng sung túc
Qua rồi những ngày đầu khó khăn của cuộc di dân tái định cư, đời sống các hộ dân ở vùng lòng hồ sông Đà ngày càng ổn định và phát triển. Hiện nay, bà con 14/14 bản nuôi trên 5.300 con gia súc, 12.000 con gia cầm. Đồng thời, người dân duy trì chăm sóc hơn 333 ha cây ăn quả, trong đó hơn 120 ha xoài cho thu hoạch, sản lượng 90 tấn/năm; riêng 100 ha nhãn bắt đầu cho thu hoạch. Bà con còn thâm canh 65 ha lúa; 83 ha ngô, 980 ha sắn cao sản... Kinh tế phát triển, thu nhập ổn định, đời sống nhân dân được nâng lên, năm 2024, xã Liệp Tè có 97 hộ thoát nghèo.
Ông Quàng Văn Thích (72 tuổi), bản Hiên nói: “Trước khi thực hiện di dân, cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn, nay bản mường đổi thay nhiều lắm, đường nội bản trải bê tông phẳng phiu. Ngày càng có nhiều nhà xây mọc san sát nhau; nhà nào cũng có một vài chiếc xe máy, trong nhà có đủ đồ dùng tiện nghi. Tôi mừng nhất là thấy các cháu trong bản được đến trường, lớp học khang trang, sạch đẹp”.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu nhận định: Từ năm 2024 đến nay, từ nguồn đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, Liệp Tè có hơn 2,4 tỷ đồng, đầu tư, xây dựng công trình đường nội bản Kia, Bắc, Lụ, Ta Mạ, Mồng Nọi, Chà Lào; đường vào khu sản xuất bản Mồng Luông, Ban Xa; xây mới, sửa chữa công trình nước sinh hoạt bản Bắc, Cang, Mồng Nọi, Tát Ướt... Hiện nay, 100% hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh; 99,6% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, toàn xã xóa được 51 nhà tạm, nhà dột nát… Đời sống của người dân trên địa bàn xã không ngừng được nâng cao rõ rệt, công tác bảo đảm an ninh trật tự được giữ vững.