Theo International Business Times, ông Hồ Văn Thanh, cha của anh Hồ Văn Lang, từng là cựu chiến binh. Ông đưa con trai chạy trốn vào rừng khi quân đội Mỹ ném bom ngôi làng của họ vào năm 1972, khiến những thành viên khác trong gia đình thiệt mạng.
Trong 4 thập kỷ sau đó, anh Hồ Văn Lang được nuôi nấng hoàn toàn cách biệt với đồng loại. Anh và cha mình sinh tồn bằng cách săn bắn, hái lượm và sống trong ngôi nhà trên cây. Mỗi khi các thôn làng lân cận mở rộng, họ lại di chuyển sâu hơn vào rừng. Vì cho rằng chiến tranh vẫn đang tiếp diễn, ông Thanh luôn đề phòng và chạy trốn mỗi khi bắt gặp những người dân khác.
Câu chuyện về hai cha con nhanh chóng lan rộng ở thôn làng và đến tai anh Hồ Văn Trị, một người con trai của ông Hồ Văn Thanh may mắn sống sót sau các đợt ném bom. Trị dành nhiều năm vào rừng tìm kiếm cha ruột và anh trai. Cuối cùng, anh Trị đã gặp và tạo dựng quan hệ thân thiết với anh Lang. Anh Trị đến thăm anh trai thường xuyên để thuyết phục anh trai và cha mình trở về nhà.
Anh Lang và cha được giải cứu khỏi rừng rậm khi sức khỏe và tâm trí của ông Thanh ngày càng suy yếu. Ba năm sau ngày trở về, hai cha con họ đang sống trong ngôi nhà ở xã Trà Phong, tỉnh Quảng Ngãi do chính quyền địa phương cấp và chậm rãi thích nghi với cuộc sống hiện đại.
Vào tháng 11 năm ngoái, Alvaro Cerezo, giám đốc điều hành công ty du lịch Docastaway chuyên cung cấp kỳ nghỉ đến những vùng đất xa xôi, hẻo lánh trên thế giới, đến gặp Lang. Lúc đầu, Cerezo dự định phỏng vấn anh Lang về kỹ năng sinh tồn, nhưng cuối cùng họ trải qua 5 ngày ở cùng nhau trong khu rừng nơi anh Lang lớn lên.
"Trong vòng vài giờ đầu tiên khi ở cùng anh ấy, tôi nhận thấy Lang rất hào hứng trước ý tưởng quay trở lại khu rừng nơi anh ấy lớn lên lần đầu tiên sau ba năm. Lang không tỏ ra nghi ngờ chút nào và chấp nhận lời đề nghị của tôi ngay lập tức. Chúng tôi tiến sâu vào rừng cùng với em trai của anh ấy và phiên dịch viên của tôi", Cerezo kể lại.
"Lúc đầu, ý định của tôi là học hỏi những kỹ năng sinh tồn mới từ anh ấy. Nhưng tôi dần nhận ra mình đang tìm hiểu về một trong những người đáng mến nhất mà tôi từng gặp. Vì lý do này và nhiều lý do khác, ý định ban đầu được rút lại. Tôi quyết định thư giãn và tận hưởng khoảng thời gian ở cùng Lang trong môi trường sống của anh ấy", Cerezo chia sẻ.
Theo Cerezo, anh Lang cư xử rất giống một đứa trẻ. Anh không có khái niệm nào về thời gian ngoại trừ ngày và đêm, không dùng nguồn năng lượng nào khác ngoài lửa và ánh nắng Mặt Trời. "Ở tuổi 41, anh Lang chưa bao giờ trông thấy ánh đèn điện. Người rừng này hoàn toàn không biết gì về thế giới văn minh bên ngoài trừ những câu chuyện được người cha kể lại về máy bay đi ngang qua bầu trời", Cerezo nói.
Anh Hồ Văn Lang đã sống 41 năm trong rừng rậm hoàn toàn không tiếp xúc với thế giới bên ngoài
Ông Thanh giới hạn lượng thông tin truyền đạt cho con trai về thế giới bên ngoài. Ông muốn anh Lang cảnh giác trước người khác vì tin rằng chiến tranh vẫn đang diễn ra. Ông tránh kể cho anh Lang về phụ nữ vì không muốn khơi gợi bản năng ở con trai.
Hai cha con trải qua hơn 41 năm ở 5 khu vực khác nhau thuộc cùng một dãy núi. Ba ngôi nhà của họ được dựng trên một gốc cây to. Họ xây nhà ở cách mặt đất chỉ vài mét. Lúc đầu, họ sống ở vùng đất thấp, nơi ấm hơn và có nguồn nước dồi dào hơn.
Lượng mưa lớn khiến con sông trong rừng luôn đầy ắp nước quanh năm. Cha con anh Lang dùng nước mà không hề đun sôi hay lọc qua. Nguồn thức ăn của họ rất đa dạng, bao gồm trái cây, rau củ, mật ong và nhiều loại thịt.
"Một trong những điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là khả năng thu thập thức ăn từ cây dại trong rừng của Lang. Đối với anh ấy, phần lớn cây cỏ trong rừng đều ăn được", Cerezo cho biết. Anh Lang và cha anh thường ăn thịt khỉ, chuột, rắn, thằn lằn, ếch, dơi, chim và cá.
"Do sự mở rộng của các thôn làng, họ buộc phải chuyển tới nơi cao hơn để ở trong suốt 20 năm cuối cùng và không có nhiều cá để ăn. Cách bắt cá của họ là chặn khúc sông để dồn cá về một nơi. Dùng đá làm lũ cá hoảng sợ, họ bắt cá bằng tay. Đối với anh Lang, không có phần nào trên cơ thể động vật phải bỏ đi. Khi ở cùng anh ấy trong rừng rậm, tôi chứng kiến anh ấy ăn thịt dơi như thể đó là những quả ô-liu. Anh ấy ăn cả đầu và nội tạng dơi", Cerezo kể.
Dù quanh lều trại của Cerezo và anh Lang có rào bảo vệ, họ hầu như không gặp nguy hiểm nào trong rừng. Họ đốt lửa gần như mọi lúc và tạo ra rất nhiều công cụ, dao kéo và đồ dùng nấu nướng từ những vật dụng nằm rải rác khắp rừng, bao gồm thép từ mảnh bom cũ.
"Đồ nấu ăn như xoong, chảo và đĩa được cha con anh Thanh chế tạo từ vật liệu nhôm mà họ tìm thấy trong một chiếc máy bay trực thăng của Mỹ bị rơi. Họ không ăn bằng tay mà sử dụng đũa làm từ tre. Họ có khoảng 20 đồ dùng nhà bếp và đến nay vẫn lưu giữ chúng ở làng", Cerezo cho biết.
Anh Lang và người cha nói chuyện bằng phương ngữ của một nhóm dân tộc thiểu số vùng núi. Anh Lang có thể đếm đến 10. "Tôi hỏi anh ấy sẽ kể bắt được 15 con dơi với cha mình như thế nào, anh ấy bảo dùng từ "rất nhiều". Tương tự, anh Lang không biết viết chữ số. Đối với cha con họ, thức ăn và nước uống chưa bao giờ trở thành vấn đề, do đó việc biết rõ số lượng không quan trọng", Cerezo cho biết.
Cerezo trò chuyện với anh Lang.
Trong hơn hai thập kỷ, nạn phá rừng đẩy hai cha con anh Lang lên vùng đất ngày càng cao hơn. Sau cùng, họ không thể đi xa hơn nữa bởi cho rằng đỉnh núi bị ma ám. Những cuộc chạm trán với dân làng trở nên càng thường xuyên. Đúng lúc này, em trai của anh Lang nghe tin và bắt đầu đi tìm họ.
Do tuổi tác, cha anh Lang trở nên chậm chạp và không còn kiên quyết từ chối những cuộc ghé thăm của người con trai tưởng chừng đã chết cùng cả nhà khi bom dội xuống. Tuy nhiên, anh Lang tỏ thái độ ôn hòa hơn và không bận tâm khi anh Trị đến thăm họ mỗi năm, đem theo muối và gia vị.
Khi sức khỏe ông Thanh càng lúc càng yếu, cuộc sống của anh Thanh cũng trở nên chật vật hơn. Do tâm trí người cha không còn minh mẫn, anh Lang luôn căng thẳng và lo lắng trong những năm cuối sống ở rừng. Anh thường thức cả đêm để trông chừng ông Thanh vì lo sợ cha anh có thể đột ngột ra đi. Vì lý do này, anh Lang không còn từ chối quay trở về làng cùng với em trai.
Hiện nay, anh Lang đang sống trong làng. "Khiếu hài hước của anh ấy giống như của một đứa trẻ. Anh ấy thường bắt chước điệu bộ gương mặt hoặc hào hứng với trò chơi trốn tìm. Điều này khiến anh ấy trở nên rất dễ mến", Cerezo nhận xét.
Dù ở tuổi 86, người cha vẫn mơ ước trở lại rừng, còn anh Lang đã quen với cuộc sống hiện đại và làm nông cùng với em trai. "Đã ba năm kể từ khi anh Lang trở về thế giới hiện đại. Năm đầu tiên là năm khó khăn nhất đối với anh ấy vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề sức khỏe do hệ miễn dịch tiếp xúc với những virus và vi khuẩn mới. Tuy nhiên, chúng tôi có thể xác nhận anh Lang đang dần thích nghi và tỏ ra rất yêu thích cuộc sống mới", Cerezo nói.
Anh Lang có tính cách giống như một đứa trẻ và rất dễ mến