Tuy nhiên, sau những lao động cơ cực có lúc nguy hiểm đến tính mạng, họ mong chờ có sự thay đổi tích cực đối với cộng đồng của mình.
Nguy cơ mất nơi sinh kế
Trên hành trình về phía Đông từ dãy Himalaya, sông Hằng đi qua hơn 2.500 km trước khi chảy vào vịnh Bengal ở phía Đông Bắc Ấn Độ Dương. Dọc theo tuyến đường của mình, nó đi qua một số khu vực, gồm thành phố cổ Varanasi, còn được gọi là Kashi hoặc Banaras trong tiếng Hindi.
Varanasi từ lâu đã mê hoặc các nhà sử học, nhà nhân chủng học, nghệ sĩ và thường được tôn vinh là một trong những thành phố có người ở lâu đời nhất thế giới. Đây cũng là khu vực bầu cử của Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, người lên nắm quyền năm 2014 với lời hứa biến Varanasi thành một thành phố thông minh kiểu Kyoto.
Năm 2018, Chính phủ Ấn Độ cấp giấy phép cho 3 tàu du lịch tư nhân hoạt động dọc theo những cầu thang nhỏ dẫn xuống bến cảng và các cơ sở hỏa táng dọc dòng sông.
Những người chèo thuyền cho biết sinh kế của họ bị gián đoạn nghiêm trọng. Họ cho rằng, nhà nước lẽ ra phải cho họ tham gia vào quá trình ra quyết định trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với các hoạt động liên quan đến chèo thuyền.
Trong những năm gần đây, chính phủ đã cấp giấy phép hoạt động cho một số hãng tàu hạng sang. Những người lái thuyền lo ngại sẽ có thêm nhiều bên tư nhân tham gia vào các hoạt động ven sông, khiến họ mất đi nguồn thu nhập duy nhất trong nhiều thế kỷ.
Cuộc sống cơ cực
Hầu hết những người chèo thuyền đều trải qua cảnh nghèo đói vì thu nhập từ việc này thường không đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
Để bổ sung thu nhập, họ thường đảm nhận thêm các công việc, như vận chuyển củi dùng để hỏa táng tại Manikarnika Ghat, một trong những khu vực linh thiêng nhất ở Varanasi, nơi hỏa táng được thực hiện suốt ngày đêm. Công việc này vất vả, phải mang vác tới 100kg mỗi ngày để kiếm được khoảng 300 rupee.
Những người nghèo nhất trong số đó là thợ lặn vớt tiền xu. Vì không có thuyền riêng nên họ kiếm sống bằng cách lặn xuống sông Hằng để thu thập những đồng xu do người hành hương ném xuống sông làm lễ vật tôn giáo.
Họ nín thở trong thời gian dài khi lặn xuống sông - một hành động đầy nguy hiểm và khiến nhiều người tử vong do đuối nước.
Do có mối liên hệ chặt chẽ với dòng sông, nhiều người có kỹ năng lặn đặc biệt và thường được chính quyền thuê để đảm nhận nhiệm vụ nghiệt ngã là vớt xác người chết trên sông, thường là để đổi lấy một khoản tiền ít ỏi hoặc những chai rượu rẻ tiền.
Shivnath Majhi là một thợ lặn vớt tiền xu 55 tuổi. Nhiều năm nay, ông đã cứu nhiều người khỏi chết đuối và vớt được vô số thi thể, trong đó không ít người trong tình trạng hôn mê. Ông cho biết: “Thật khó chịu khi chạm vào xác chết phân hủy nhưng nhu cầu tiền bạc đã thúc đẩy chúng tôi”.
Những người chèo thuyền ở đây có cuộc sống bấp bênh và cái chết có thể ập đến với họ dưới nhiều hình thức, tuy nhiên bệnh tật, đuối nước và lao động vất vả là phổ biến nhất. Mất đi người trụ cột chính trong gia đình vì công việc nguy hiểm và thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể khiến cả gia đình rơi vào tình trạng khó khăn trầm trọng.
Suman Sahni, 35 tuổi, nói về cái chết của chồng cô là Mohan Sahni vì bệnh ung thư vòm họng năm 2022: “Mọi thứ đều tan vỡ”. Để có chi phí chữa bệnh cho chồng và trang trải cuộc sống, bà mẹ 3 con đó phải bán chiếc thuyền, cậu con trai 17 tuổi của họ là Sunny Sahni cũng theo nghề thợ lặn vớt tiền xu, cô con gái 15 tuổi Kusum Sahni đi bán vòng hoa. Cô Suman nói: “Mỗi buổi sáng khi Sunny xuống sông, tôi sợ rằng nó có thể không còn sống để bước lên”.
Hy vọng về tương lai tốt hơn
Bất chấp những khó khăn gặp phải, nhiều người trong cộng đồng nói rằng họ từ chối trở thành nạn nhân của hoàn cảnh và phấn đấu cho một cuộc sống có phẩm giá và hy vọng. Hầu hết người chèo thuyền ở đây đều mong muốn con cái mình rời xa nghề của mình. Santosh Sahni, người chèo thuyền 50 tuổi, nói: “Tôi đã làm việc cực nhọc cả đời. Tôi hy vọng các con tôi sẽ tìm được một con đường khác”.
Sau khi chồng mất vì bệnh gan do uống quá nhiều rượu, bà mẹ Sushila Devi, 51 tuổi với 6 người con, đã đảm bảo các con gái của mình được học tại trường công. Bà kể rằng, chồng đã phung phí từng chút tiền kiếm được vào rượu.
Phụ nữ trong cộng đồng thường làm nhiều công việc khác nhau để bổ sung thu nhập nhưng gia đình bà Devi là một trong số ít có phụ nữ trẻ ra khỏi nhà để làm việc. Trong khi bà tự mình xâu chuỗi hạt để làm mặt dây chuyền ở nhà, sau này bán ở chợ thì con gái bà, Janaki, làm nhân viên bán hàng tại một trung tâm mua sắm trong thành phố. Bà nói: “Tôi chưa bao giờ có cơ hội được học hành nhưng tôi đảm bảo rằng các con gái của tôi sẽ nhận được nó”.
Cộng đồng những người chèo thuyền hy vọng quyền lợi và sinh kế của họ sẽ được chính quyền quan tâm hơn để cuộc sống bớt cơ cực.