Phần lớn người Do thái chính thống cực đoan sinh sống ở London. Ảnh: Alamy. |
Theo BBC, Chaya sống trong một cộng đồng gắn bó khăng khít và tách biệt với thế giới bên ngoài. Ở đó, những người bị đồng tính bị coi là xấu xa. Nếu rời khỏi cộng đồng đó, cô sẽ mất việc, mất gia đình và có thể là mất cả con nữa.
Giả vờ giống người bình thường có khi lại dễ hơn, vì phần lớn người trong cộng đồng đều coi tình dục đồng giới không tồn tại. Thời học sinh, khi Chaya tâm sự với một giáo sĩ Do thái rằng mình bị đồng tính, ông ấy chỉ đáp rằng: "Đó là một giai đoạn trong đời người, nhiều cô gái khác cũng thế".
Đối với những đứa trẻ đang lớn, việc có những trải nghiệm đồng tính không phải là điều bất bình thường. Ở chỗ Chaya, con trai và con gái từ ba tuổi trở lên không được học cùng nhau. Nhiều gia đình còn hạn chế cho anh chị em chơi với nhau.
Năm 12 tuổi, Chaya bắt đầu cảm thấy mình khác biệt. Lớn hơn chút nữa, bạn cùng lớp bắt đầu gọi cô là đứa đồng tính, mặc dù cô cư xử vẫn bình thường. Năm 16 tuổi, Chaya quyết định kể cho mẹ nghe sự thật. Bà trừng mắt nhìn rồi quát cô im ngay. Kể từ đấy, họ không nhắc lại chuyện đó nữa.
Chẳng bao lâu, cha mẹ bắt đầu tính chuyện cưới xin cho Chaya. Thường thì bà mối sẽ được mời để lo liệu chuyện này. Họ có thể kiếm được đến hơn 21.000 USD cho mỗi lần mai mối thành công. Nhưng gia đình cô muốn tự mình lo liệu. Mọi thành viên trong gia đình đều tham gia, trừ cô.
Sau khi tìm hiểu gia thế của các đối tượng, họ chọn cho cô một người và sắp xếp cho cô gặp anh ta trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Cuộc gặp mặt diễn ra ở phòng ăn. Gia đình hai bên trò chuyện dăm ba phút sau đó ra ngoài, để cô và anh ta ở lại với nhau.
Dù sao thì cô cũng thấy mừng vì đã đính hôn, hy vọng cuộc hôn nhân sẽ giúp ích cho mình. Tuy nhiên, vài tháng trước lễ cưới, Chaya bắt đầu hẹn hò với một cô gái khác. Họ giữ bí mật và chỉ chia tay trước khi lễ cưới diễn ra. Điều này nghe có vẻ kỳ quặc nhưng lúc đó cô vẫn nghĩ rằng mình có thể bỏ lại mọi thứ đằng sau.
Càng gần ngày cưới Chaya càng thấy sợ. Không phải lễ cưới nào cũng chấm dứt bằng đêm tân hôn như mọi người vẫn nghĩ, mà có thể kéo dài đến tận 5 giờ sáng hôm sau. Dù không muốn nhưng cô bị ép phải dùng thuốc tránh thai để không có kinh trong đêm tân hôn. Chồng cô là người không tinh tế, chuyện vợ chồng cứ đều đều tiếp diễn.
Mái tóc giả Chaya thường đội kể từ khi kết hôn. Ảnh: Alamy. |
Gia đình hai bên khuyến khích Chaya sinh nhiều con. Cưới chẳng bao lâu, cô dính bầu. Nếu muốn dùng thuốc tránh thai sau khi cưới, cô phải được sự đồng ý của một giáo sĩ Do thái. Chừng nào chưa đẻ được ít nhất hai con, thì yêu cầu này không thể được chấp nhận.
Mọi người hy vọng cô sẽ sinh 8 đến 9 con, và vì thế Chaya cứ liên tục mang thai. Tình cảm bị dồn nén cho đến ngày cô gặp phải ngõ cụt khi đang tản bộ trên phố. Khi đó, có rất nhiều âm thanh vang lên trong đầu khiến cô hét toáng lên: "Tôi là người đồng tính, tôi là người đồng tính".
Bị thôi thúc phải làm điều gì đó, cuối cùng, Chaya quyết định kể cho chồng. Cô nghĩ anh ta thừa biết vợ bị đồng tính nhưng cố tự huyễn rằng đó chỉ là cảm giác nhất thời chứ không phải bản chất con người cô.
Cho đến bây giờ, cả hai vẫn không biết nên làm gì. Họ có con chung và một gia đình êm ấm. Nếu chia tay, họ sẽ mất tất cả.
Chaya hy vọng cả nhà vẫn ở bên nhau, dù cô không biết nó sẽ như thế nào nữa. Ai cũng có suy tính riêng. Giáo sĩ suy tính nhiều về phương pháp gắn kết mọi người với nhau. Trong trường hợp của mình, Chaya cho rằng thay vì việc tìm ra cách để cả hai vợ chồng cùng hạnh phúc, cô nên thuận theo và làm tròn bổn phận người vợ, dù điều này trái với khát vọng thầm kín.
Người vợ lý tưởng theo quan niệm truyền thống là một người mạnh mẽ, đủ sức cáng đáng toàn bộ gia đình và phục tùng chồng về mặt tinh thần.
Người vợ phải quán xuyến mọi việc trong nhà. Những năm đầu sau hôn nhân, người chồng vẫn có thể dành cả ngày học kinh Torah trong khi người vợ phải xoay sở kiếm tiền. Và dù làm việc gì để kiếm tiền thì đó cũng phải là một công việc tử tế.
Nhiều phụ nữ đi làm nhân viên công sở hay dạy học ở các trường tư trong cộng đồng. Họ phải để ý cách ăn mặc để không gây sự chú ý của bất kỳ người đàn ông nào khác ngoài chồng mình. Trang phục của họ phải che kín xương đòn, khuỷu tay và đầu gối. Có người còn mặc trang phục dài đến giữa cẳng chân để không lộ đầu gối khi ngồi. Tóc cũng phải được che kín để không thu hút người khác phái.
Nếu ai đó không tuân thủ những điều trên, mọi người sẽ bàn luận về họ. Chaya là một người có nhiều tham vọng. Ngôi nhà không bó buộc được cô và cô cũng không phải tuýp người yểu điệu thục nữ. Phụ nữ được hỗ trợ rất nhiều. Phụ nữ trong gia đình cô có thể giúp đỡ nhau làm những công việc hàng ngày như nấu nướng và trông trẻ. Nhưng nếu Chaya làm điều gì khác biệt thì họ sẽ không giúp cô nữa.
Phụ nữ trong cộng đồng Do thái chính thống (phải) thường ăn mặc giản dị, kín đáo hơn so với phụ nữ những tôn giáo khác ở Anh (trái). Ảnh: Alamy. |
Mọi người luôn gọi cô là kẻ gây rắc rối. Có người đổ rằng cô bị như vậy vì thiếu khiêm tốn. Họ nói rằng cái váy cô quá ngắn và tất thì quá mỏng. Tóc của cô cũng trở thành đề tài để họ bình phẩm.
Trong cộng đồng, mọi người luôn che đầu bằng một thứ gì đó. Khi làm việc, cô sẽ đội tóc giả. Thời gian còn lại, cô đội mũ hoặc đeo băng đô. Bên dưới những lớp che đậy này là mái tóc được cắt ngắn. Cũng may là cô có thể giữ kiểu đầu này bởi cạo trọc đầu được coi là biểu hiện của lòng hiếu thảo. Nhiều phụ nữ sẽ được mẹ chồng cạo trọc đầu ngay buổi sáng sau lễ cưới. So với họ, kiểu tóc của cô thật đặc biệt và đó là kiểu tóc cô chọn.
Ngoài mái tóc, cô cần phải làm nhiều việc nữa theo tôn giáo của mình. Dù thế nào thì cô vẫn là một người Do thái. Cô còn đặt tên mới cho nó. Mọi người gọi đó là Do thái chính thống cực đoan hay Do thái chính thống hiện đại. Còn cô, cô gọi đó là Do thái chính thống chân thực. Cô hy vọng, biết đâu 40 năm nữa, nó sẽ trở thành một phong trào.