Cuộc phiêu lưu bất tận của Ibn Battuta

GD&TĐ - Ibn Battuta được xem là một trong những nhà thám hiểm vĩ đại nhất trong lịch sử.

Ibn Battuta đã qua nhiều quốc gia trên thế giới.
Ibn Battuta đã qua nhiều quốc gia trên thế giới.

Ông để lại một di sản phong phú, góp phần định hình phần lớn thế giới hiện đại ngày nay. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ở phương Tây không mấy người nghe nhiều về ông.

Từ khát vọng hành hương

Nói đến thám hiểm, người ta thường nghĩ về những người ngoan cường, tiến thẳng đến các rìa của bản đồ, đi sâu vào những vùng đất mà con người chưa từng nhìn thấy trước đây.

Nhưng đối với Ibn Battuta, việc khám phá không chủ yếu tìm kiếm lãnh địa mới mà là phát hiện và giao tiếp với những người mới. Sứ mệnh của Battuta kéo dài nhiều thập niên, qua nhiều châu lục, chinh phục hàng trăm ngàn km và tạo điều kiện cho những mối liên lạc giữa các quốc gia cho đến ngày nay.

Ibn Battuta sinh năm 1304 ở Tangier, Morocco. Cuộc đời của ông dường như đã được sắp đặt cho những khám phá phi thường. Lớn lên trong một gia đình học giả Hồi giáo, ông có tuổi thơ tương đối bình yên và thời niên thiếu được đánh dấu bằng việc theo đuổi kiến thức cùng các bài diễn thuyết đầy trí tuệ.

Thay vì trở thành một nhà thám hiểm như mơ ước, ông lại theo con đường học thuật và được cha mẹ khuyến khích học luật Hồi giáo, với kỳ vọng về một sự nghiệp vững vàng trong lĩnh vực pháp lý.

Tuy nhiên, cuộc sống ở học viện không thích hợp với Battuta và ngọn lửa phiêu lưu bắt đầu bùng lên ở chàng trai 21 tuổi. Thế là Battuta bắt đầu cuộc hành trình đầy biến đổi, kéo dài ba thập niên, đưa ông đi khắp các châu lục khác nhau.

Không giống như nhiều nhà thám hiểm trước và sau ông, Battuta không chỉ bị thúc đẩy bởi nhu cầu phiêu lưu và sự tò mò không ngừng, ông còn có mong muốn chân thành là thực hiện một chuyến hành hương đến Mecca, nghĩa vụ thiêng liêng của những người Hồi giáo sùng đạo.

Cuộc hành hương này là chất xúc tác đưa ông vào con đường khám phá vô song, không chỉ tiếp thu những nền văn hóa, ngôn ngữ và phong tục đa dạng, mà còn hình thành trong ông một góc nhìn độc đáo về tính chất liên kết chặt chẽ của nhân loại.

Iban Battuta (phải) và người dẫn đường tại Ai Cập (tranh vẽ vào năm 1878).

Iban Battuta (phải) và người dẫn đường tại Ai Cập (tranh vẽ vào năm 1878).

Đến phiêu lưu bất tận

Khác với phần đông nhà thám hiểm nổi tiếng, thường khám phá và lập bản đồ vùng đất mới rồi ghi tên mình vào những nơi đó, Battuta đặt mục tiêu hàng đầu là tìm hiểu con người và nền văn hóa trong những chuyến phiêu lưu của mình.

Điều này giúp ông thu hẹp khoảng cách và thúc đẩy những mối liên kết mới giữa các xã hội khác nhau. Với niềm khao khát mạnh mẽ về kiến thức, ông đã đi qua tấm thảm phức tạp của thế giới thời Trung cổ, thu thập những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống đa dạng của con người.

Battuta đã ghi lại những trải nghiệm của mình trong quyển Rihla, phần lớn đề cập đến thời gian ở Ấn Độ. Tác phẩm này đã trở thành một tài liệu lịch sử vô cùng quan trọng, mang lại cho các nhà sử học và nhân chủng học hiện đại một cái nhìn sâu sắc và đầy thú vị về Ấn Độ thời Trung cổ, về sự cai trị của Hồi giáo và cuộc sống nói chung trong khu vực thời đó.

Rất nhiều nhà thám hiểm mà chúng ta tôn vinh ngày nay, như Columbus, đã để lại những di sản phức tạp, chẳng hạn sau khi khám phá vùng đất mới, họ thường chuyển sang chinh phục và biểu hiện bằng sự thiếu tôn trọng đối với cộng đồng bản địa. Nhưng Ibn Battuta thì khác, tinh thần khám phá của ông đã thúc đẩy quá trình tìm hiểu những cách thức đa dạng mà xã hội vận hành.

Điều khiến ông trở thành một trong những nhà thám hiểm vĩ đại nhất trong lịch sử là qua những chuyến đi, ông đã khuyến khích trao đổi văn hóa và thương mại giữa thế giới Hồi giáo và các khu vực khác. Ông giúp truyền bá văn hóa và văn minh Hồi giáo đến những nơi khác trên thế giới không phải bằng bạo lực mà bằng sự hiểu biết.

Người ta tin rằng Ibn Battuta đã đến hầu hết quốc gia Hồi giáo trên khắp thế giới. Hành trình của ông kéo dài qua sa mạc Sahara khắc nghiệt, đến những cung đường thương mại nối liền các nền văn minh cổ đại. Ngoài ra, ông còn định hướng những tuyến đường thủy quanh co của sông Nile và những khu chợ sôi động ở Damascus, đón nhận sự sống động và phức tạp của thế giới mà ông gặp phải.

Sau khi bao quát thế giới Hồi giáo, Battuta đặt tầm nhìn xa hơn. Ông đã đến Ấn Độ và làm cố vấn cho triều đình của Vương quốc Hồi giáo Delhi trong vài năm. Từ đây, ông hướng tới Trung Quốc, Đông Phi và Maldives. Khám phá của Battuta đã tạo ra những kết nối mới và liên kết mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Điều này làm cho di sản của ông trở nên phong phú.

Thông qua hành trình khám phá của mình, ông không chỉ vạch ra những vùng lãnh thổ mới mà còn vượt qua những khác biệt về văn hóa, nuôi dưỡng sự hiểu biết và đồng cảm. Tác động lâu dài của Ibn Battuta không chỉ nằm ở những vùng đất ông đến thăm mà còn ở những “cây cầu” ông xây dựng giữa các nền văn minh.

Trở về sau “cuộc phiêu lưu bất tận” vào năm 1354, Battuta đã tranh thủ sự giúp đỡ của một học giả văn học trẻ người gốc Andalusia tên là Ibn Juzayy để biên soạn hồi ký của mình - Rihla, tiếng Ả Rập có nghĩa là “Chuyến đi”, được xem là một trong những văn bản toàn diện nhất về cuộc sống trong các đế chế khác nhau vào thế kỷ 14. Sau khi tác phẩm hoàn thành vào năm 1355, Ibn Battuta sống khá kín tiếng. Sau này, ông được bổ nhiệm làm thẩm phán ở Marocco và qua đời năm 1368, thọ 64 tuổi.

Theo Historicmysterious

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ