Sau phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Năm Cam và đồng bọn, Hải “bánh” xin thi hành bản án ngay nhưng do Năm Cam kháng án nên vẫn phải làm nhân chứng cho phiên tòa phúc thẩm vào 3 tháng sau đó. Dù có ngụy biện cho lỗi lầm và tội ác của mình như thế nào nhưng Năm Cam vẫn không thể thoát án tử hình.
Lúc nghe tòa tuyên án tử vẻ mặt Năm Cam cho thấy sự suy sụp tinh thần nhiều lắm nhưng vẫn tỏ ra cứng rắn. Hải đi trước. Nhiều gã giang hồ trong “tập đoàn” Năm Cam cúi gằm mặt tiễn đưa ông trùm lần cuối.
Hải vẫn bị tòa giữ nguyên án chung thân, rồi di lý về Trại giam Tiền Giang để đợi ngày thụ án. Ở ngục giam, có nhiều thời gian suy ngẫm về thế thái nhân tình, nghĩ lại mọi sự xảy ra trong quá khứ, Hải càng thấy đời đúng là bạc.
Lúc hoàng kim, “tiền cả quyển” trong túi tiêu không hết thì hàng tá đàn em bâu xâu lại, sẵn sàng xin chết vì đại ca, người tình xinh như mộng không tài nào đếm hết.
Đến khi “sa cơ lỡ vận” thì chẳng thấy thằng nào tìm đến thăm hỏi một câu, em út, tình nhân cũng vắng bặt chẳng thấy tăm hơi. Ký ức thời hoàng kim càng dội về bao nhiêu thì Hải càng cảm thấy tiếc nuối tự do bấy nhiêu. Thế mới biết là tự do đáng quý hơn cả tiền bạc.
Trong con mắt của Hải thì trại giam là một xã hội thu hẹp, ở đó cũng có năm bảy loại người khác nhau. Dù hoàn cảnh có khác nhau nhưng tựu chung lại thì tất cả vì làm điều ác hoặc liên quan đến sự ác mà phải ngồi trại.
Thế giới tù nhân cũng vô cùng phức tạp chẳng kém gì bên ngoài, chỉ có điều tất cả đều diễn ra trong những bức tường có hàng rào thép gai cao chất ngất. Trong thế giới nhỏ bé mà hỗn tạp, không còn danh dự và quyền công dân ấy không phải ai cũng đủ bản lĩnh để đối diện với bản ngã của chính mình.
Bên ngoài họ là những kẻ sừng sỏ, thậm chí là những kẻ giết người không ghê tay nhưng khi vào đến chốn này thì họ phải đối diện với con người thật, đối diện với sự hướng thiện và quá khứ lỗi lầm.
Chính vì thế, có gã tù nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ người thân đến phát khóc. Cũng có kẻ tuyệt vọng đến nỗi không ăn, không uống, có khi suy nghĩ đến phát sốt. Lại có kẻ tự kết liễu cuộc đời của mình bằng cách đâm đầu vào tường hoặc nuốt bàn chải.
Chỉ khi cán bộ trại giam đưa bác sĩ vào cứu chữa, động viên, họ mới ngộ ra rằng mạng sống con người là quan trọng. Còn sống là còn cơ hội để sửa sai và đền tội.
Với tù nhân thì đêm đến là khoảng thời gian đáng sợ hơn cả, càng ngẫm Hải càng thấy sợ hãi. Nhiều đêm đang ngủ bỗng giật mình tỉnh giấc vì tiếng la ó của bạn tù thanh toán lẫn nhau.
Chẳng ngờ, một thằng đã từng dọc ngang khắp chốn, đối mặt với bao kẻ giang hồ khét tiếng, từng cầm súng, cầm dao không chút ghê tay mà lại có cảm giác chùn lòng, sợ hãi đến vậy. Ngoài nỗi sợ trong chính bản thân, Hải còn phải đối mặt với nỗi sợ từ những cảnh bạn tù chết vì bệnh tật, tự vẫn hoặc bất thình lình phát điên vì ám ảnh tội ác.
Hải "bánh" |
Nhiều đêm thức trắng, nghe tiếng thạch sùng gọi nhau làm cho mắt Hải cứ thao láo nhìn vào những vệt sáng lọt qua ô thông gió. Đến gần sáng vừa chợp mắt được tí thì tiếng “kẻng gọi hồn” làm Hải giật bắn cả người. Trải qua biết bao nhiêu trại như Hỏa Lò, Thanh Liệt, Bình Đà, Vân Hòa... nhưng chưa bao giờ tiếng kẻng lại làm Hải sợ đến vậy.
Lý do tiếng kẻng báo thức trong trại được tất cả tù nhân gọi là “kẻng gọi hồn” vì thi thoảng lại có những tù nhân không thể dậy được nữa. Sợ hãi rồi lại tiếc nuối khi chính những tiếng kẻng đó đưa Hải về quá khứ vào thời còn tự do đi học, sau mỗi hồi kẻng báo hiệu ra chơi, là Hải lại cùng chúng bạn chạy nhảy, nô đùa khắp sân trường.
Trước ngày thi hành án tử hình với Năm Cam, Hải có đề đạt nguyện vọng xin được đưa tiễn hắn ra trường bắn. Thật không ngờ vì chính Năm Cam cũng có nguyện vọng xin được gặp Hải lần cuối. Lần gặp này khác hẳn với những lần gặp trước đó, không biết Năm Cam nghĩ gì nhưng cảm giác của Hải thật trống rỗng, khó tả.
Vẫn biết Năm Cam đối xử với Hải chẳng ra gì, nhưng vì đã quên hết những oán hận giang hồ nên Hải muốn đưa hắn về bên kia thế giới và cũng là để cho Năm Cam biết rằng Hải muốn dành cho “ông anh” một ân tình lúc cuối đời.
Rạng sáng 3/6/2004, Năm Cam và đồng bọn được trích xuất làm thủ tục ra pháp trường. Năm Cam được thay bộ quần áo tù mới sau khi đã tắm rửa sạch sẽ.
Sau đó thực hiện các thủ tục nhận dạng, lăn tay, ký vào bản giao quyết định thi hành án. Dù được phép ăn bữa cuối cùng nhưng Năm Cam không ăn mà chỉ xin được hút một điếu thuốc. Năm Cam dành những giây phút cuối đời để viết lá thư cuối cùng cho cô con gái đang đi tu trong chùa.
Thái độ của Năm Cam khác hẳn với những lần đối diện với Hải trước đó. Còn nhớ một lần Hải cũng được dẫn ra đối chất với Năm Cam tại cơ quan cảnh sát điều tra. Khi đó một vị cán bộ hỏi, “Năm Cam có nhận ra ai không?”.
Năm Cam nói: “Chú Hải!”, rồi im luôn. Cán bộ đánh mắt về phía Hải hỏi: “Anh có muốn nói gì với Năm Cam không?”. Không chần chừ, Hải nhìn thẳng vào mắt Năm Cam đáp: “Tội của em thì em phải chịu, còn anh sai những gì tự anh hãy đi nói với cán bộ”.
Năm Cam trợn trừng mắt lên rồi cúi gằm mặt xuống đất. Chỉ còn sự im lặng, Hải trở về phòng biệt giam của mình với ý nghĩ có lẽ anh ta hận Hải nhiều lắm.