>>> Cuộc gặp gỡ cuối cùng Hải “bánh” đưa tiễn Năm Cam ra pháp trường
>>> Những dòng nhật ký cuối cùng của Hải “bánh” trước khi ra pháp trường
Nghĩ về những ngày tháng trung thành, hành tẩu trên giang hồ để phò trợ Năm Cam gây dựng đế chế tiền bẩn không tiếc cả mạng sống lại khiến Hải cảm thấy chạnh lòng? Đúng là dấn thân vào giang hồ là phải đối mặt với sự bạc bẽo, Năm Cam quả là đệ nhất thâm độc, nhưng chơi xỏ Hải đâu có dễ...
Cho đến một ngày Hải gặp cán bộ Nên (Trung tá Nguyễn Văn Nên, lúc đó là Phó Phòng Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Tiền Giang), một con người chất phác, dễ gần. Cán bộ Nên bỏ ra nhiều ngày ngồi với Hải để trò chuyện, tâm sự.
Anh Nên đã khơi dậy trong Hải nhiều điều nghe có lý lắm. Nào là cái thiện, cái ác, nào là chính sách khoan hồng của Nhà nước. Tiếp đó Hải còn được dẫn ra gặp cán bộ Thành (Trung tướng Nguyễn Việt Thành, lúc đó là Trưởng Ban chuyên án triệt phá Năm Cam và đồng bọn). Những lời nói có lý, có tình của cán bộ Thành khiến kẻ gan lì này ngộ ra nhiều điều.
Khi niềm tin dành cho Năm Cam đã hết thì sự quan tâm của cán bộ lại khiến con người thật của Hải sống lại. Thấy Hải rách rưới không có quần áo để thay, cán bộ bèn mua cho Hải quần áo mới.
Sự tận tình và những hành động đầy tình người đó càng khiến mối hận thù của Hải với Năm Cam chất cao như núi. Từ đó, Hải có thêm niềm tin vào cán bộ, tin vào những người dám nghĩ, dám làm và tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bởi vậy, Hải quyết định mở miệng. Hải hỏi cán bộ Nên: “Nếu tôi khai ra người này các anh có dám bắt không?”. Cán bộ Nên trả lời chắc như đinh đóng cột: “Dù có là ai đi chăng nữa nhưng khi đã gây tội ác thì đều phải chịu trừng phạt bởi luật pháp”.
Vì vậy, Hải đã khai toàn bộ sự thật và chi tiết vụ thanh toán Dung Hà cũng như những hoạt động đen tối của trùm Năm Cam cho cơ quan cảnh sát điều tra.
“Vẫn biết đã vào trong giang hồ thì phải tuân thủ theo một số nguyên tắc định sẵn, trong đó việc tuân thủ “luật im lặng” chính là thước đo giá trị của người trong giang hồ.
Nhưng bản lĩnh giang hồ không phải là ai gan lỳ hơn ai, ai chịu đau đớn giỏi hơn ai, mà là có dám đối diện với sự thật và gánh vác trách nhiệm hay không? Mặt khác, Năm Cam đã hết tình nghĩa với tôi, còn dã tâm đẩy tôi vào chỗ chết, nên tôi không hề hối hận vì sự lên tiếng của mình”, Hải tâm sự.
Hải “bánh” tâm sự: “Trong phòng biệt giam, nghĩ về những ngày tháng lăn lộn trong giang hồ tôi thấy thấm thía vô cùng quy luật, “đã sa chân vào giang hồ ắt phải đối mặt với sự bạc bẽo, thậm chí là mất cả mạng sống”.
Ngẫm lại, tôi thực sự chán ngán cái chốn vốn không có tình người, mỗi cá nhân muốn tồn tại phải chà đạp lên nhau mà sống. Chỉ vì tư lợi cá nhân mà bất chấp đạo đức, sẵn sàng thể hiện bản chất chó má, rồi tước mạng nhau một cách nhẹ nhàng”.
Sau khi thành khẩn khai báo, tâm trạng Hải vẫn còn trống rỗng, suy sụp vì sự bạc nghĩa của Năm Cam. Với việc chỉ đạo cho đàn em đi giết người, Hải chắc chắn cũng không thoát khỏi án tử. Cũng may mắn vì có Trung tướng Nguyễn Việt Thành và Trung tá Nên động viên thì Hải mới dũng cảm đối diện với sự thật và có phần vững tâm hơn.
Mạng sống rất đáng quý, nhưng bản lĩnh con người được thể hiện bằng sự dũng cảm được Hải coi coi trọng nó hơn cả tính mệnh. Trong lúc phải lựa chọn cho mình con đường “sống hoặc chết” khiến Hải bị dằn vặt và nghĩ đến nát cả óc.
Càng gần ngày ra tòa thì những ký ức tự dưng tràn về, những điều ác gây ra lại thường trực trong đầu, nó ám ảnh Hải cả trong những giấc ngủ. Sự bất cần của thằng “không sợ trời, chẳng sợ đất” chỉ còn là vỏ bọc bên ngoài, chứ trong sâu thẳm tâm trạng Hải cũng cảm thấy sợ hãi. Chết đã đáng sợ rồi, nhưng chờ đợi cái chết còn đáng sợ gấp trăm ngàn lần.
Ngày cuối cùng ngồi thúc thủ trong buồng biệt giam chờ ngày ra tòa có lẽ là ngày Hải chẳng bao giờ quên được. Đêm đó, Hải lặng nhìn qua lỗ thông gió, đếm ngược thời gian trôi và thầm nghĩ: “Chỉ cần ngày mai thôi, khi ánh bình minh ló qua khe cửa nhỏ bằng ô bàn tay ấy có thể cũng là lúc phải nói lời vĩnh biệt trái đất này rồi”.
Sự mệt mỏi vì nhiều đêm thức trắng nhanh chóng đẩy Hải chìm vào cơn mộng mị đáng sợ. Trong giấc mộng Hải thấy mình đang cố vùng vẫy để thoát ra khỏi những chiếc vòi của con bạch tuộc để hướng về phía tia sáng nơi cuối chân trời.
Trong công đường, Năm Cam được xếp ngồi ở vị trí đầu bàn thứ nhất thuộc dãy bên trái hội trường xét xử. Hải cùng các bị cáo khác ngồi bàn phía sau. Trước tòa, Hải đưa ra lý lẽ để bảo đảm lời khai đúng sự thật, đúng với diễn biến vụ án và quá trình điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra.
Còn Năm Cam, lúc đầu anh ta chối đây đẩy, không nhận việc chỉ đạo cho Hải tổ chức bắn chết Dung Hà. Đã thế Năm Cam còn tự tay viết đơn chống án với nội dung không thừa nhận đã chỉ đạo. Nhưng ngày hôm sau xét xử, biết là không thể chối cãi được nên Năm Cam lại nhận tội.
“Thật đáng xấu hổ, chỉ vì sợ chết, mà anh ta đã đánh mất đi hình ảnh của một ông trùm, của một đại ca giang hồ khét tiếng một thời”, Hải đánh giá.