Theo trang tin quân sự Defense One, kế hoạch đầu tiên trong chương trình là một vệ tinh bắn laser ngoài vũ trụ có thể được sử dụng để thổi bay tên lửa phóng lên bởi bất kỳ lực lượng nào.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ vào giữa tháng 3, các quan chức quốc phòng nước này đã bày tỏ tin tưởng, nghiên cứu của họ sẽ tạo ra những loại vũ khí có thể triển khai thực chiến.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét phát triển những loại vũ khí như vậy.
Một nghiên cứu đang được thực hiện để cân nhắc xem dự án liệu có thể hoàn thành mục tiêu trong vòng 6 tháng mà chỉ tiêu tốn khoảng 15 triệu USD trong tổng ngân sách hay không.
Phần lớn ngân sách còn lại sẽ để dành cho dự án phát triển vũ khí được gọi là “chùm hạt” trên không gian.
Trong khi vũ khí laser bắn ánh sáng năng lượng cao vào các mục tiêu, vũ khí “chùm hạt” sẽ tăng tốc dòng các hạt hạ nguyên tử tới tốc độ không tưởng và hướng chúng vào mục tiêu. Tuy mỗi hạt có khối lượng rất nhỏ, một số lượng đủ lớn phóng đi với tốc độ đủ nhanh vẫn sẽ truyền năng lượng gây nên thiệt hại nghiêm trọng trong khoảng thời gian ngắn.
Các vũ khí “chùm hạt” đầu tiên của Mỹ được thử nghiệm vào cuối thập niên 1980 và đã đạt được một số thành công, nhưng thiết kế cho một loại vũ khí có thể sử dụng thực tiễn thường quá lớn, với kích cỡ dài tới hơn 70 feet (hơn 21 mét).
“Bây giờ chúng tôi tin rằng tiến bộ trong nghiên cứu có thể giảm kích cỡ chùm hạt xuống đủ nhỏ để trở thành một phần của trọng tải sẽ được đưa lên quỹ đạo”, theo một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ được Defense One dẫn lới.
Ý tưởng của “chùm hạt” là sử dụng những vũ khí tương thích để thổi tung các tên lửa một cách chớp nhoáng ngay sau khi chúng được bắn ra khỏi bệ phóng vào bầu khí quyển.
Theo kế hoạch, những vũ khí trên đã sẵn sàng để được thử nghiệm vào năm 2023. Tuy nhiên, có một số ý kiến lo ngại rằng, nếu Mỹ phát triển và triển khai các loại vũ khí này, thì họ sẽ thúc đẩy các nước như Nga và Trung Quốc phát triển cả tên lửa chống công nghệ nói trên lẫn vũ khí chuyên sử dụng để bắn hạ vũ khí vệ tinh...
Mỹ đã ký Hiệp ước ngoài không gian vào năm 1967, trong đó có điều khoản cấm đưa các loại vũ khí hạt nhân lên không gian. Tuy nhiên theo một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, Hiệp ước này không tạo ra rào cản đối với việc triển khai vũ khí laser và vũ khí chùm hạt.
“Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng, sự phát triển của những vũ khí mới trên sẽ gia tăng đáng kể mối đe dọa đối với quyền lợi hiện hữu của nước Mỹ trong không gian”, chuyên gia Kingston Reif - Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, nhận định.
Hiện chưa có quốc gia nào chính thức công khai vũ khí không gian, nhưng về mặt lý thuyết thì nhiều quốc gia đã âm thầm theo đuổi tham vọng “ăn chia” tầm ảnh hưởng trên không gian Trái đất.
Trung Quốc đã nâng cấp công nghệ vũ trụ của họ trong thời gian gần đây, với các nhà phân tích Mỹ thì nước này đã có vũ khí laser đủ khả năng làm tê liệt hệ thống phòng thủ của Hoa Kỳ.