Cuộc đua 67% học sinh vào trường THPT công lập Hà Nội

GD&TĐ - Ngày 11/6, học sinh Hà Nội chính thức kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên và không chuyên. Công tác chuẩn bị chu đáo, thời tiết khá thuận lợi là những yếu tố quan trọng giúp kỳ thi quan trọng này bớt đi sức nóng và kết thúc tốt đẹp.

Thí sinh rạng rỡ sau khi hoàn thành bài thi. Ảnh: Sỹ Điền
Thí sinh rạng rỡ sau khi hoàn thành bài thi. Ảnh: Sỹ Điền

An toàn ở 153 điểm thi

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT được Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh là rất quan trọng với học sinh và ngành Giáo dục Thủ đô, có tính cạnh tranh cao, được xã hội hết sức quan tâm.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi được thành phố chỉ đạo rất quyết liệt. Theo đó, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý làm Trưởng ban; cả 30 quận huyện đều thành lập Ban chỉ đạo, trưởng ban là Phó chủ tịch UBND quận/huyện.

Chia sẻ điểm mới của kỳ thi năm nay, ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đến công tác thanh tra thi. Theo đó, không thực hiện thanh tra cắm chốt tại các điểm thi mà tổ chức thanh tra lưu động. Đoàn thanh tra từ 3 - 5 thành viên đến bất ngờ tại các điểm, nếu có vấn đề, thanh tra có thể lưu lại thẩm định, xác minh. Cách làm này, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, sẽ tạo điều kiện cho các điểm thi chủ động và thanh tra độc lập giám sát các hoạt động này.

Gọi thí sinh vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình).
 Gọi thí sinh vào phòng thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình). 

Đề thi được đánh giá tốt

Một trong những thành công của kỳ thi vào 10 năm nay tại Hà Nội là chất lượng đề thi được đánh giá khá cao. Đề thi Toán, Ngữ văn cho học sinh thi vào công lập đại trà, đề Ngoại ngữ và các môn chuyên đều bám sát chương trình học, phân hóa tốt, đảm bảo được 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Đặc biệt, đề thi các môn xã hội có những nội dung yêu cầu liên hệ, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Sau môn thi Ngữ văn vào buổi sáng 9/6, nhiều thí sinh tỏ ra hào hứng và đánh giá đề hay, nhân văn. Các giáo viên dày dạn kinh nghiệm cũng đánh giá khá cao đề thi. Cô Nguyễn Thị Lan Hương - Tổ trưởng Tổ Văn Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm) - nhận xét: Nội dung cũng như yêu cầu của đề rất vừa sức với học sinh. Đề thi đã chạm đến bài học đầu đời vô cùng quan trọng với những học sinh bước vào trường THPT, đó là bài học nhận thức về tình yêu gia đình, quê hương. Giới trẻ hiện nay không ít em bị ảnh hưởng bởi lối sống thực dụng, đuổi theo giá trị vật chất. Đề thi nhắc nhở các con sống cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần.

Với đề thi Ngữ văn chuyên, cô Nguyễn Thị Lan Hương đánh giá là hay, tìm được học sinh có tư chất văn chương đáp ứng yêu cầu chuyên sâu. Nhiều học sinh sẽ làm được bài, nhưng để hiểu sâu sắc có cảm xúc không dễ. Phần nghị luận xã hội giúp học sinh nhận ra một nhân tố vô cùng quan trọng giúp con người khẳng định mình trong cuộc sống là niềm tin vào những giá trị vốn có của bản thân. Với thế hệ trẻ được sống trong bao bọc nên dễ tổn thương như hiện nay thì đề thi này thực sự có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đề nghị luận văn học lại hướng đến đặc trưng cơ bản của thơ là cảm xúc mãnh liệt của người cầm bút và khả năng tác động vào tâm hồn, trái tim người đọc.

Đề thi Ngữ văn chuyên cũng khiến nhiều thí sinh thích thú. Vũ Minh Hoàng- học sinh Trường Marie Curie - sau khi thi xong nhận định hứng thú với đề thi và cho rằng, đề có tính thời sự ở câu nghị luận xã hội; đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng trình bày, hiểu biết, sáng tạo, ngôn ngữ phong phú…

Đề thi chuyên Lịch sử mức độ ra không khó nhưng câu nào cũng có ý để phát triển tư duy, năng lực học sinh, có liên hệ đến thực tiễn. Theo đánh giá của cô Nguyễn Thị Hương Lan - Giáo viên Lịch sử Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên), đề phù hợp với mức độ thi chuyên, phân hóa tốt, học sinh dễ đạt điểm trung bình nhưng để đạt điểm cao cần hiểu sâu sắc vấn đề.

Dặn dò thí sinh trước khi làm bài thi môn Toán tại điểm thi Trường THCS Lê Ngọc Hân (Hai Bà Trưng)
Dặn dò thí sinh trước khi làm bài thi môn Toán tại điểm thi Trường THCS Lê Ngọc Hân (Hai Bà Trưng) 

Đảm bảo cơ hội học tiếp cho 100% học sinh lớp 9

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm nào cũng rất căng thẳng bởi chỉ 67% học sinh được vào học hệ THPT công lập. Cuộc đua khốc liệt nhất ở các trường top đầu thành phố, luôn có điểm đầu vào cao như Kim Liên, Thăng Long, Yên Hòa, Phan Đình Phùng, Thăng Long...

Trước kỳ thi diễn ra, không chỉ thí sinh mà ngay cả cha mẹ thí sinh cũng mất ăn, mất ngủ, việc lựa chọn nguyện vọng cũng được thí sinh và các bậc phụ huynh cân nhắc, đong đếm vô cùng cẩn trọng. Nhiều phụ huynh để chắc ăn lựa chọn giải pháp an toàn bằng cách đăng ký nguyện vọng 1 vào trường mọi năm có điểm chuẩn vừa phải để chắc chân vào trường công.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, công tác phân luồng đảm bảo cho 100% học sinh lớp 9 THCS trên địa bàn thành phố được vào học lớp 10, có thể là hệ THPT, hệ bổ túc văn hóa nhưng học theo chương trình giáo dục phổ thông, hoặc hệ trung cấp chuyên nghiệp đào tạo song bằng, tức học sinh vừa được cấp bằng THPT, vừa được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp.

“Cụ thể, Hà Nội phân luồng khoảng 67% học sinh được vào học ở hệ THPT công lập, hơn 20% vào học hệ tư thục, 5% học ở các trung tâm GDTX, còn lại vào học hệ trung cấp chuyên nghiệp. Chúng tôi đã làm và mọi năm đều thấy việc này đáp ứng được yêu cầu học tập của nhân dân” - ông Nguyễn Hữu Độ cho hay.

Dự kiến ngày 21/6, thí sinh sẽ được biết điểm thi tuyển sinh; thời gian nộp đơn phúc khảo từ 21 đến 28/6; công bố điểm chuẩn vào các trường THPT chuyên vào 26/6, điểm chuẩn vào lớp 10 trường THPT công lập không chuyên vào 27/6.

Các trường chuyên sẽ nhận hồ sơ trúng tuyển từ 26 đến 28/6. Trường không chuyên sẽ nhận hồ sơ trúng tuyển từ 27 đến 29/6. Nếu trường nào còn thiếu so với chỉ tiêu được giao sẽ nhận tiếp hồ sơ vào 2 ngày 1 và 2/7. Trường ngoài công lập nhận hồ sơ trúng tuyển từ ngày 26/6 đến 2/7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.