Cuộc du hành vào thế giới tuổi thơ của Phạm Anh Xuân

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bất ngờ du hành vào thế giới tuổi thơ bằng 'túi thơ', 'thuyền văn' khi tròn 40 mùa trăng, Phạm Anh Xuân gọi đó là đặc ân mà cuộc đời ưu ái cho anh.

Những 'mùa vàng' của 'lão nông' Phạm Anh Xuân. Ảnh: NVCC
Những 'mùa vàng' của 'lão nông' Phạm Anh Xuân. Ảnh: NVCC

Hơn 6 năm qua, Phạm Anh Xuân như “lão nông” sớm hôm cần mẫn cuốc cày trên cánh đồng văn chương với ước mong làm sao gieo trồng được nhiều trái ngọt tươi xanh để khẽ khàng “thức dậy những ban mai”...

Thi vị và tinh tế

Đến giờ, Phạm Anh Xuân vẫn chưa thể lý giải được vì sao trong anh bỗng có một nguồn năng lượng văn chương âm thầm cuộn chảy và thôi thúc chủ nhân viết hằng ngày, hằng giờ, bằng một tâm hồn trong trẻo của “cậu bé Xuân” với sứ mệnh thiêng liêng: “thức dậy những ban mai” – là thức dậy những ánh mắt, tiếng cười, câu hát… của trẻ thơ, dù ngoài kia còn biết bao bộn bề, ồn ào, hối hả.

Sứ mệnh ấy được “lão nông” Phạm Anh Xuân bắt đầu bằng dòng ký ức tuổi thơ thấm đẫm những câu hát đồng dao, những trò chơi dân gian; ngày ngày tung tăng, làm bạn với cỏ cây hoa lá, với bầu trời lộng gió… nơi vùng đất trung du Phú Thọ.

Đó là những “ban mai” rung rinh trước một tình bạn mặt trời và cỏ đồi sao mà ấm áp: “Bé mặt trời thấm mệt/ Sau một ngày rong chơi/ Bèn ngả xuống vệ đồi/ Gối cỏ non nằm ngủ” (Mặt trời gối cỏ).

Là câu chuyện ngộ nghĩnh về hạt giống mặt trời của chú cún con thơ ngây: “Buổi hoàng hôn chín đỏ/ Cún con gọi: Mẹ ơi/ Mặt trời rụng mất rồi/ Ở phía sau ngọn núi…/ Mỗi một ngày qua đi/Quả mặt trời sẽ rụng/Nhưng có một hạt giống/ Ươm mầm trong bóng đêm/ Hôm sau sẽ mọc lên/Một mặt trời bé ạ (Hạt giống mặt trời).

Là những phát hiện thú vị về màu vàng của quả thị không chỉ để báo hiệu thu sang: “Nghe tiếng bà nắc nỏm/ Mùa thu sắp sang rồi (…)/À khi con nhìn thấy/Quả thị chín vàng hoe/Ấy là lúc thu về/Bà nhai trầu quết đỏ…” mà còn bởi: “À con biết rồi mẹ ạ/ Hôm qua trời nắng chang chang/ Mà quả thị không đội nón/ Cho nên đã nhuộm ánh vàng” (Quả thị không đội nón).

“Lão nông” Phạm Anh Xuân ngày ngày chăm chỉ “canh tác” trên cánh đồng văn chương thiếu nhi.

“Lão nông” Phạm Anh Xuân ngày ngày chăm chỉ “canh tác” trên cánh đồng văn chương thiếu nhi.

- Được biết Phạm Anh Xuân vốn là nhà báo (báo Lao động) và giờ làm trong lĩnh vực ngân hàng (Vietinbank) vậy mà sao anh lại nhận mình là “lão nông” mê mải gặt mùa vui trên “cánh đồng” văn chương thiếu nhi?

Phạm Anh Xuân: - Với tôi, “nông dân” là người lao động gần gũi, cần mẫn và có sự tương tác, kết nối sâu sắc nhất với thiên nhiên. Và tôi cũng tự thấy mình là “người lao động” chăm chỉ mỗi ngày (tác giả kiêm nhận đặt – kiêm ký - kiêm lên đơn – kiêm xếp “bơ” để vô cùng bất ngờ khi gặt hái được những mùa vàng”.

Là sự thức giấc của núi đồi để dẫn bước bé đến trường: “Bỗng mặt trời rực rỡ/Nở muôn ngàn cánh hoa/Gió thổi mây bay xa/Núi đồi bừng tỉnh giấc… Bé đánh răng rửa mặt/ Tung tăng trên đường dài/Khăn sương mỏng quàng vai/ Mũ nắng hồng mái tóc…”…

Đó là ký ức trưa hè trốn ngủ, rón rén nín thở bắt chuồn chuồn cho cắn rốn để tập bơi: “Trưa hè trốn ngủ ra vườn/ Nín thở rình bắt con chuồn chuồn ngô/Hồn nhiên, vụng dại, ngây thơ/Chuồn chuồn cắn rốn bên bờ ao sâu” (Cổ tích trưa hè).

Là tiếng của đêm với tiếng gió vờn, tiếng dế gáy tinh tích, tiếng ru hời, tiếng trái tim yêu thương quyện hương dạ lý: “Thấy không/ Tiếng gió rất mềm…Còn đây/ Hoa dạ lý hương/ Cứ thơm nhè nhẹ/ Trong vườn/ Bay xa…/ Ơ kìa chú dế/ Sân nhà/ Cứ tinh tích gáy/ Ngân nga/ Bồi hồi…/ Suỵt suỵt nghe/ Tiếng trái tim/ Yêu thương của mẹ/ Ru mềm giấc con…” (Lời thầm thì).

Là ngôi nhà thiên nhiên rộng lớn lấp lánh trăng sao dành cho muôn loài: “Muôn loài có nhà chung/Ngôi nhà lớn mênh mông/Là trời xanh mây trắng/Cỏ hoa được sưởi nắng/Cỏ hoa được tắm mưa/Cùng ong bướm vui đùa/Cùng trăng sao nằm ngủ…” (Ngôi nhà bầu trời)…

Đó là ký ức của đám trẻ mục đồng sau bao bận rộn và mệt nhoài với những câu hát đồng dao, những trò chơi dân gian: Đúc dế, vật cỏ gà, đánh chuyền, nhảy dây… lại nằm dài trên triền đồi mà tưởng thưởng cho mình giây phút ngắm vẻ đẹp tuyệt diệu của hoàng hôn: “…Chúng cùng nhau ngắm mặt trời như một quả chín đỏ lựng từ từ chìm nhẹ xuống… Rõ là một hoàng hôn. Nhưng nó rạng rỡ vô cùng và vô tận.

Dường như bao nhiêu năng lượng của ban ngày đang hội tụ để phô diễn sắc màu rực rỡ một lần cuối trước khi chìm sâu vào đêm tối. Mặt trời bị ngọn núi xa nuốt đi phân nửa vẫn đỏ lung linh. Đám trẻ con căng mắt tận hưởng cái nhịp rùng rùng khi mặt trời nhẹ chìm mãi xuống. Chúng sững sờ trước vẻ hoàng hôn tuyệt đẹp và tỏ vẻ luyến tiếc chút chói lọi cuối cùng” (truyện dài Nghé ọ Hai Xoáy).

Len vào đó còn có đôi chút rung rinh “ban mai” nơi phố thị được cất lên từ một tâm hồn đồng điệu, giao hòa với tâm hồn con trẻ của Phạm Anh Xuân.

Đó là một thoáng mưa ban mai tinh khôi: “Một ban mai đầy gió/ Bé nằm ngủ say sưa/ Bỗng có một cơn mưa/ Ríu ran ngoài cửa sổ” (Mưa ban mai). Là sự tinh nghịch khi nắng, gió gõ cửa gọi chú mèo: “Cốc, cốc, cốc… Gió gọi/ Bé ơi mở cửa ra/ Cho tớ vào trong nhà/ Chơi cùng em mèo nhé…/ Bạn mặt trời thấy vậy/ Cũng ùa nắng vàng theo…” (Nắng gió vào nhà).

Là cuộc gặp gỡ đầy bâng khuâng giữa chú mèo và hoa hồng lúc bình minh: “Buổi minh minh thơ mộng/ Mèo ra ban công ngồi/ Ơ bạn đi đâu rồi?/ Bỏ một mình tớ thế?” (Câu chuyện của bình minh)…

Đó là chuyện cái dây thép gai vốn gớm ghiếc, khô khốc bỗng… nở hoa: “Dây thép gai bằng sắt/ Gai nhọn hoắt như chông… Dây bìm bìm bé nhỏ/ Leo cần mẫn miệt mài… Tiếng bầy chim ríu rít…/ Ồ dây thép nở hoa…” (Dây thép gai nở hoa).

Là khúc ca của những chai nhựa, lọ thủy tinh khi được cô bé, cậu bé biến thành những vật dụng hữu ích: “Một ban mai tươi hồng/ Những lọ, chai lăn lóc/ Thành cốc nước, giỏ hoa/ Xinh xắn trên bàn học” (Bài ca xanh). Là cuộc trò chuyện đong đầy sự sẻ chia của vì sao với chú bé mồ côi: “Chú bé cầm sáo thổi/ Một điệu nhạc rất buồn/ Tâm hồn chú cô đơn/ Không có ai bầu bạn… Hỡi chú bé mộng mị/ Cuộc sống như bầu trời/ Và mỗi một con người/ Là một vì sao sáng…” (Một vì sao tỏa sáng).

Là gợi ý xúc động của bố trước băn khoăn của cậu con trai khi nghe tin ở quê mưa lớn: “Bố đùa mưa đi lạc/ Bởi vì quá mải chơi/ Cuối tuần con mang nắng/ Về quê cho bà vui”… (Mang nắng cho bà)…

Ngoài ra, “lão nông” Phạm Anh Xuân còn có những “ban mai” rung rinh lý giải về mưa bóng mây, gió, nắng, cơn giông, tiếng chim hót, giai điệu tiếng cười, đêm rằm Trung thu… và cả những tình thân trong gia đình rất dễ thương và có những phát hiện khá độc đáo.

Ví như viết về cơn giông, anh gọi đó là “Mây chơi trận giả” hay viết về mưa bóng mây anh bảo đó là vì mưa – nắng đang giận dỗi: “Bạn nắng mặt đỏ ửng/ Bạn mưa khóc rơi mau…”. Còn trong muôn vàn giai điệu tiếng cười tuyệt đẹp của mặt trời, giọt sương, cỏ hoa, chùm mây, biển cả, đồng lúa… thì “lão nông” Phạm Anh Xuân quả quyết: “Trẻ con cất tiếng cười/ Cả nhân gian hạnh phúc”.

Và, tất cả những “ban mai” đó đều được “lão nông” Phạm Anh Xuân “đánh thức” rất khẽ khàng, trìu mến qua cách quan sát rất tinh tế, điệu nghệ, dí dỏm, mới lạ; bằng ngôn từ thuần Việt, giản dị, dễ hiểu, dễ cảm và rất trẻ thơ khiến cho độc giả, nhất là những độc giả nhí không khỏi thích thú mà reo lên: “Ồ”, “À”, “Ừ nhỉ”! Nhất là, sau những cái cớ hồn nhiên, trong trẻo, đáng yêu, mỗi bài thơ đều reo vang biết bao niềm vui, ánh lên những tia sáng ấm áp, tươi sáng.

Rộn ràng với những mùa vui

Thơ của “lão nông” Phạm Anh Xuân theo bước chân các em thiếu nhi đến trời Âu. Ảnh: NV - Lương Bích Vân cung cấp.

Thơ của “lão nông” Phạm Anh Xuân theo bước chân các em thiếu nhi đến trời Âu. Ảnh: NV - Lương Bích Vân cung cấp.

“Thay lời các bạn nhỏ: Kính gửi bác Phạm Anh Xuân!

Chúng cháu là học sinh lớp 1A4 Trường Tiểu học Tô Hiệu. Bác ơi, cứ mỗi cuối tuần học chúng cháu lại được đọc thơ của bác và luyện chữ thơ của bác. Những bài thơ của bác thật hay và gần gũi. Chúng cháu chúc bác và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc bác có nhiều thơ hay để chúng cháu được đọc”.

Sau những cần mẫn trên cánh đồng văn chương thiếu nhi, một sáng tháng 5 rực nắng hè, “lão nông” Phạm Anh Xuân hối hả “gặt” đôi dòng thư ấy của nhóm học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tô Hiệu (Hà Nội) gửi sau khi các em đọc thơ và luyện chữ bài thơ “Giàn bầu trước sân” mà anh cần mẫn gieo trồng năm trước.

Góp lại những mừng vui trước đó: Bài thơ “Đi học vui sao” được chọn vào sách Tiếng Việt lớp 3 (bộ Kết nối tri thức); được mời trò chuyện cùng các em học sinh Trường Thực nghiệm Hà Nội và Vinschool; các tập thơ: “Ấm êm ngộ nghĩnh”, “Tuổi thơ trong trẻo”, “Bởi vì yêu thương”, “Trồng nụ trồng hoa” được Công ty Đông A, nhà sách Đông Tây mua bản quyền, phát hành rất ấn tượng, trong đó “Ấm êm ngộ nghĩnh” và “Tuổi thơ trong trẻo” đã bán hết; truyện dài “Nghé ọ Hai Xoáy” được Công ty Tân Việt mua bản quyền và chọn là “quà mùa thu” dành cho thiếu nhi năm 2022 vừa có buổi ra mắt ấn tượng liền “bị” độc giả thúc giục: “Bao giờ có thêm truyện nữa”, “lão nông” liền cảm tác giữa ban mai: “Bé đọc thơ bé chép thơ/ Người nông dân lại được mùa niềm vui”.

Một ngày mưa thu tháng 8, “lão nông” Phạm Anh Xuân lại hân hoan reo ca: “Ta xách giỏ trong trẻo/ Đi nhặt những chiếc vui” khi nghe chia sẻ từ cô giáo Thạch Lan Anh, Trường Thực nghiệm Hà Nội: “Tôi chọn một số bài thơ của tác giả Phạm Anh Xuân như “Chú cá con và ngôi sao nhỏ”, “Thóc vàng cơm dẻo”, “Bé làm cô giáo”, “Khúc hát những bàn tay” để làm tài liệu thiết kế bài giảng.

Cũng bởi, thơ Phạm Anh Xuân mang một tâm hồn trẻ con đẹp với sự trong trẻo, hồn nhiên và đặc biệt có nhiều phát hiện gần gũi với trẻ nhỏ, được viết bằng tự nhiên như suy nghĩ của trẻ, bằng ngôn ngữ của trẻ con. Các chủ đề trong thơ phù hợp với đời sống trẻ con hiện nay, những việc học, việc chơi, việc ăn, việc ngủ… đều trong vắt tuổi thơ”.

Thực ra, không chỉ ở Việt Nam mà ngày ngày “lão nông” Phạm Anh Xuân còn chộn rộn đón nhận những “mùa vui” xao xuyến từ trời Âu. Đó là, một ngày nọ, anh nhận tin nhắn từ Paris: “Em chào anh. Em đang sống ở Pháp và có con nhỏ đang tập nói, tập đọc tiếng Việt nên rất vui và rất muốn cảm ơn anh vì những bài thơ anh đã post trên YouTube – chúng nhẹ nhàng và tạo hứng thú học tiếng Việt cho con em. Còn mẹ chúng cũng thấy lòng bình yên trong sáng và phấn khởi theo vì thấy một phần nào chính mình ở trong đó”.

Một phụ huynh khác từ Berlin cũng báo tin: Khi gặp đề bài hãy giới thiệu về văn hóa của quê hương, con chị đã chọn bài thơ “Tuổi thơ có bà”: “Nay con em đến trường nộp thơ và đọc ở lớp đấy anh. Bảo với thầy là bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Phạm Anh Xuân ở Việt Nam, con dịch sang tiếng Đức…”.

Nối tiếp đó còn biết bao lời cảm ơn từ những độc giả ở Đức, Áo, Pháp… cùng chia sẻ rằng trong vali của gia đình họ không thể thiếu những tập thơ, tập truyện của “bác Xuân”, như: “Ấm êm ngộ nghĩnh”, “Tuổi thơ trong trẻo”, “Bởi vì yêu thương”, “Trồng nụ trồng hoa”, “Nghé ọ Hai Xoáy”.

“Mỗi tối, trước khi đi ngủ tôi lại đọc những vần thơ dễ hiểu, đáng yêu của bác Xuân cho các con nghe. Hai đứa không chỉ chăm chú trong sự thích thú mà còn mắt tròn mắt dẹt khi bắt gặp những hình ảnh, chi tiết lạ lẫm (vì các bé không lớn lên ở Việt Nam) để rồi bắt mẹ phải giải thích.

Các con tôi đã lớn lên và học tiếng Việt, hiểu về văn hóa Việt bằng những câu thơ của Anh Xuân như thế”, chị Lương Bích Vân đang sống ở châu Âu chia sẻ.

Có thể nói, với mỗi tác giả không có niềm vui nào lớn bằng niềm vui những đứa con tinh thần của mình được độc giả đón nhận và yêu mến, nâng niu. Vì thế, “Tôi đã cùng “cậu bé Xuân” có cuộc du hành vào thế giới văn chương đầy bất ngờ và kỳ diệu.

Và, mỗi tin nhắn hay dòng bình luận của độc giả, có khi để bày tỏ cảm xúc, đưa ra thắc mắc rồi “đặt hàng”; cũng có khi muốn “xin thơ” làm học liệu luyện chữ, giảng dạy hoặc để đọc cho đám trẻ trong nhà từ đó dạy con, dạy cháu học tiếng Việt, mở rộng sự hiểu biết về văn hóa quê hương… đều là những mạch nguồn quý giá động viên, cổ vũ, thôi thúc tôi chăm chỉ “canh tác” trên cánh đồng văn chương theo nguyên tắc: Trong trẻo, chu đáo từ ý tưởng cho đến ngôn từ.

Mà bạn thấy đó, những “thửa ruộng” văn chương của tôi luôn mở toang cánh cửa trên Facebook, YouTube để các bé rủ nắng, rủ gió cùng bước vào vui chơi”, “lão nông” Phạm Anh Xuân mừng vui thủ thỉ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ