Tuy nhiên, chưa kịp thực hiện lời hứa mang lại bình đẳng cho người dân, ông đã bị phế truất vì cáo buộc liên quan đến tham nhũng.
Tuổi thơ cơ cực
Một trong những tham vọng lớn nhất của ông Pedro là thay đổi hiến pháp bởi hiến pháp hiện hành ra đời từ năm 1993 dưới thời cựu Tổng thống Alberto Fujimori. Ông muốn thay thế bằng một hiến pháp “có màu sắc, mùi vị và hương vị của người dân”. Tuy nhiên, Quốc hội đã kịch liệt phản đối các đề xuất nêu trên bởi chính trong nội các của ông Pedro đã bị chia rẽ sâu sắc mà một phần nguyên nhân vấn đề xuất phát từ nhà cầm quân.
Ông Pedro Castillo sinh ngày 19/10/1969 tại làng quê nghèo Puna, nằm tại vùng Cajamarca, miền Bắc Peru. Ông là con thứ ba trong gia đình nông dân có 9 người con.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ nhỏ, ông Pedro đã làm thêm để phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống. Dù nhỏ tuổi, ông đã làm nhiều công việc khác nhau, từ công việc thời vụ trong các đồn điền cà phê ở vùng
Peruvian Amazonia cho đến bán kem, bán báo dạo, làm nhân viên dọn dẹp khách sạn ở thủ đô Lima... Để đến chỗ làm, mỗi ngày ông phải đi bộ hàng cây số.
Tuy nhiên, được miêu tả là người chăm chỉ, hiếu học, ông Pedro không hề nản chí dù công việc vất vả, gia đình nghèo khó. Ngược lại, khó khăn là động lực để ông tiếp tục hăng say học tập.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông theo học ngành Giáo dục Tiểu học tại Viện Nghiên cứu giáo dục cấp cao Octavio Carrera rồi lấy bằng Thạc sĩ Tâm lý học giáo dục tại Đại học Cesar Vallejo.
Năm 1995, ở tuổi 26, Pedro là giáo viên tại một ngôi trường nhỏ nằm ở vùng nông thôn Puna rồi trở thành Hiệu trưởng Trường 10465. Học sinh nông thôn Peru có cuộc sống khó khăn, hầu hết được các gia đình giao phó cho nhà trường. Vì vậy, bên cạnh giảng dạy, ông còn nấu ăn, chăm sóc sinh hoạt cho học sinh; dọn dẹp, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường.
Đáng chú ý, vào năm 2017, với tư cách là lãnh đạo công đoàn giáo viên tại Peru, ông Pedro đã dẫn đầu cuộc đình công của giáo viên để yêu cầu chính phủ tăng lương và ngân sách giáo dục.
Cuộc đình công lan rộng khắp miền Nam Peru, buộc Bộ trưởng Giáo dục Marilu Martens, Thủ tướng Ferrnando Zavala cùng nhiều quan chức chính phủ khác phải thông qua gói tăng lương và giảm nợ.
Dù vậy, phong trào đình công không vội lắng xuống. Các giáo viên trên khắp cả nước vẫn tiếp tục tuần hành và biểu tình, buộc chính phủ phải ban hành sắc lệnh tối cao về các điều khoản đàm phán, cảnh báo sa thải nếu giáo viên không trở lại lớp học trước ngày 28/8. Phong trào đình công chỉ chấm dứt khi ông Pedro tuyên bố ngừng hành động trên.
Xuất phát là giáo viên vùng nông thôn nghèo, sau đó lãnh đạo phong trào đình công có ảnh hưởng trên khắp cả nước, ông Pedro đã dành được sự tôn trọng và ảnh hưởng cao trong cộng đồng địa phương và khu vực. Đây là bước đệm giúp ông gây dựng một nền tảng chính trị tốt.
Trở lại sau cuộc đình công, nhiều đảng chính trị ở Peru đã tiếp cận ông Pedro để mời ông trở thành ứng viên tranh cử vào Quốc hội nhưng thầy giáo từ chối. Ông tiếp tục tham gia các hoạt động của công đoàn, tổ chức nhiều chương trình, hội thảo và sự kiện nhằm thúc đẩy phúc lợi cho giáo viên và học sinh.
Người dân Peru biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng trong giới chính trị. |
Tổng thống “nông dân” đầu tiên
Năm 2021, Pedro quyết định ra tranh cử tổng thống sau khi được các công đoàn giáo viên khuyến khích. Trả lời phỏng vấn của AP vào tháng 2/2021, ông Pedro cho biết, động lực tham gia chính trị là do phải chứng kiến những khó khăn của học sinh khi đến trường.
Các em đi học trong tình trạng đói khát, không được hưởng bất kỳ phúc lợi gì dù kinh tế Peru thời điểm đó tăng trưởng cao nhờ nguồn khoáng sản dồi dào.
Dù tiếng tăm của ông Pedro không phổ biến tại thành thị, ông đã bất ngờ giành chiến thắng ngay từ vòng đầu tiên khi vượt qua 17 ứng cử viên khác. Ông tiếp tục đánh bại bà Keiko Fujimori, con gái của cựu Tổng thống Alberto Fujimori và là người được các doanh nghiệp tư nhân yêu thích ủng hộ. Trong vòng tranh cử cuối cùng, ông Pedro chiến thắng với 44.000 phiếu bầu. Pedro tuyên thệ nhậm chức vào ngày 28/7/2021.
“Đã đến lúc kêu gọi tất cả các thành phần trong xã hội cùng nhau xây dựng một Peru hòa nhập, một Peru công bằng, một Peru tự do” là thông điệp xuyên suốt quá trình ông Pedro tham gia tranh cử và đại diện cho đảng Peru tự do. Ông tuyên bố sẽ không nhận lương tổng thống và tiếp tục sống bằng thu nhập từ công việc dạy học.
Chiến thắng của ông Pedro đánh dấu lần đầu tiên Peru được lãnh đạo bởi một người nông dân thuộc tầng lớp bị áp bức. Ông đã thuyết phục những người dân Peru chán ngấy với những vụ bê bối chính trị diễn ra trong nhiều năm. Ông đánh vào sự tức giận của cử tri về tình trạng bất bình đẳng trong nước.
Ông cũng thuyết phục lòng người với những lời hứa mang lại thay đổi căn bản để cải thiện cuộc sống của người dân Peru khi đất nước lâm vào suy thoái nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói gia tăng. Vào thời điểm đó, ông cam kết gây dựng một đất nước nói không với tham nhũng.
Khẩu hiệu nổi tiếng của vị tổng thống này là “không còn người nghèo ở đất nước giàu có”. Ông đồng thời hứa hẹn đảm bảo lợi nhuận từ các ngành công nghiệp khoáng sản sẽ được chia sẻ cho tất cả người dân Peru.
Sau khi trở thành tổng thống, ông Pedro không điều hành đất nước từ dinh tổng thống nằm ở thủ đô Lima, gọi là “Nhà của Pizarro”. Chính quyền của ông Pedro đã giao lại cung điện cho Bộ Văn hóa Peru quản lý và trưng bày cổ vật lịch sử của đất nước.
Thời điểm ông Pedro nhậm chức cũng là lúc Peru đứng trước một trong những thách thức lớn nhất trong lịch sử: Dịch Covid-19. Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới. Chưa dừng lại ở đó, khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đã đẩy hàng triệu người dân nước này lâm vào cảnh đói nghèo.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Pedro đề xuất tăng thuế khai thác khoáng sản để tài trợ cho các dịch vụ công cộng, trong đó có giáo dục và y tế, những lĩnh vực chịu tác động nặng nề, rõ nét từ dịch Covid-19.
Tổng thống mới nhậm chức cũng kiến nghị Quốc hội cho phép quốc hữu hóa các ngành kinh tế then chốt như khai khoáng, dầu mỏ, thủy điện và khí đốt; đồng thời tiếp tục tôn trọng quyền sở hữu tư nhân trong các lĩnh vực trên.
Cử tri Peru thất vọng khi tình trạng lạm phát gia tăng. |
Cái kết đắng
Ông Pedro gây chú ý khi thay đổi nội các tới 4 lần trong 6 tháng. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử chính trị Peru. Chính quyền của Castillo liên tiếp chứng kiến những hỗn loạn, khi ông thay 3 đời bộ trưởng tài chính, 5 thủ tướng, 7 bộ trưởng nội vụ.
Hầu hết thủ tướng có nhiệm kỳ kéo dài chỉ vài tháng, và có người làm thủ tướng chỉ 8 ngày. Ông đã để các đồng minh chính trị thiếu kinh nghiệm giữ nhiều chức vụ.
Một số người trong đó thậm chí phải đối mặt với cuộc điều tra về tham nhũng, bạo lực gia đình và giết người. Hầu hết các bộ trưởng trong chính phủ được ông lựa chọn từ nhiều vùng trên cả nước.
Các bộ trưởng của Castillo chủ yếu từ các đồng minh cánh tả hoặc tổ chức độc lập, trong khi 3 bộ trưởng thuộc đảng Peru Tự do và 3 người khác là giáo viên thân cận với Castillo.
Chưa kể, sau khi lên nắm quyền, ông Pedro đã không thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử, mà còn đối mặt với nhiều bê bối như tham nhũng cấp cao, điều tra tội phạm, thay đổi nội các. Ông bị cáo buộc lãnh đạo một tổ chức tội phạm với các nhà lập pháp và thành viên gia đình để trục lợi từ hội đồng chính phủ và cản trở công lý.
Castillo từng vượt qua hai lần luận tội, trong đó lần đầu vào tháng 12 năm ngoái, khi một nhóm nghị sĩ đối lập cáo buộc đảng cầm quyền của ông Castillo nhận tiền tài trợ bất hợp pháp. Để phế truất được Castillo, phe đối lập cần 2/3 trong số 130 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ, nhưng chỉ nhận được 4 phiếu thuận.
Quốc hội tìm cách luận tội ông Castillo lần nữa vào tháng 3 với lý do thiếu năng lực lãnh đạo. Nỗ lực lần này tiếp tục thất bại khi chỉ có 55 phiếu ủng hộ.
Ngày 1/12/2022, Quốc hội Peru tiến hành phiên luận tội thứ ba để phế truất ông Pedro. Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước phiên luận tội, ông tuyên bố giải tán Quốc hội và thành lập chính phủ khẩn cấp để điều hành bằng sắc lệnh và áp lệnh giới nghiêm cho toàn quốc gia.
Tuy nhiên, hàng loạt bộ trưởng trong chính phủ đã từ chức để phản đối quyết định này của ông, trong khi quân đội và cảnh sát Peru cảnh báo hành động này là vi hiến. Phó Tổng thống Dina Boluarte chỉ trích sắc lệnh của ông Castillo là “âm mưu đảo chính”.
Ngày 7/12, Quốc hội Peru thông qua quyết định phế truất Tổng thống Pedro Castillo với tỉ lệ 101 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 10 phiếu trắng. Ông bị bắt vào tối cùng ngày với cáo buộc nổi loạn, đặt dấu chấm hết cho gần 17 tháng nắm quyền nhiều hỗn loạn.
Cựu Tổng thống Pedro Castillo (ngồi giữa) bị bắt hôm 7/12/2022. |
Sau khi ông Castillo bị phế truất vài giờ, Phó Tổng thống Dina Boluarte tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời tại trụ sở Quốc hội Peru, trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước này. Tuy nhiên, Peru vẫn chìm sâu trong khủng hoảng.
Tình trạng hỗn loạn hiện nay tại Peru là một phần của những bất ổn chính trị kéo dài suốt thế kỷ 20. Trong số 7 tổng thống được bầu gần đây thì có 4 người dính líu đến tham nhũng, một người bị luận tội và một người chỉ nắm quyền 5 ngày rồi từ chức.
Hiện nay, tại Peru, tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng. Người dân, nhất là ở vùng nông thôn, khó có thể tiếp cận các dịch vụ xã hội. Điều này làm trầm trọng thêm nỗi thất vọng và bất bình của người dân trước một chính phủ dường như chỉ quan tâm đến quyền lực thay vì chăm lo cho cuộc sống của người dân. Sau những bất ổn kéo dài, tương lai chính trị trong ngắn và dài hạn tại Peru được giới chuyên gia đánh giá là “rất mờ mịt”.