Kumari – hay còn gọi là thần trinh nữ sống – là một nhân vật mang lại sự thịnh vượng và hòa bình cho đất nước, đại diện cho dân chúng để kết nối với thần linh, cầu xin thần linh những điều tốt lành, theo quan niệm của người dân Nepal.
Dù là người theo đạo Hindu hay đạo Phật thì nhân dân Nepal đều rất sùng bái và kính trọng vị thần này. Chắc hẳn ai cũng sẽ bất ngờ khi biết được rằng, người được tôn lên làm vị thần quyền lực Kumari lại là những bé gái còn chưa đến tuổi dậy thì và phải được tuyển chọn hết sức gắt gao từ lúc mới sinh.
Làm thế nào để trở thành một Kumari?
Tiêu chuẩn đặt ra là các ứng cử viên phải còn trinh trắng, có một cơ thể hoàn hảo không có bất cứ một khuyết tật nào, chưa từng bị thương hay chảy máu, ngoài ra phải hội tụ một số đặc điểm mà người dân Nepal gọi là hội tụ 32 điểm cát tường.
Theo truyền thống, người ta sẽ lựa chọn những bé gái khoảng 3 - 5 tuổi thuộc dòng tộc Shakya, cùng dòng tộc với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tiêu chuẩn đặt ra là các ứng cử viên phải còn trinh trắng, có một cơ thể hoàn hảo không có bất cứ một khuyết tật nào, chưa từng bị thương hay chảy máu. Ngoài ra phải hội tụ một số đặc điểm (mà người dân Nepal gọi là hội tụ 32 điểm cát tường) như: tay chân thon dài, lưng thẳng không bị gù, lông mày cong và nhỏ, chân thẳng, mắt đen, tóc đen và mượt,...mới được lọt vào vòng “chung kết” của cuộc tuyển chọn nữ thần.
Vòng cuối của cuộc tuyển Kumari là một thử thách thực sự rùng rợn. Sau khi đã vượt qua các vòng loại về ngoại hình, đây là lúc các bé gái phải thể hiện tố chất can đảm hơn người. Các bé sẽ bị nhốt một mình trong gian điện rộng lớn của miếu thần, xung quanh tối đen như mực, chất đầy đầu trâu máu me be bét, xương sọ người, và một số người mang mặt nạ ma quỷ. Bé gái nào không mảy may sợ hãi sẽ được chọn làm hóa thân của nữ thần Kumari.
Chỉ sau một đêm, gia đình nào có con gái trở thành nữ thần sẽ được tất cả mọi người kính trọng, hưởng mọi vinh hoa, phú quý. Khắp vương quốc Nepal có khoảng 5 Kumari và mỗi “nữ thần sống” này trị vì một khu vực để ban phước lành cho người dân ở đó. Kumari sẽ bị “phế truất” khi đến tuổi dậy thì, bắt đầu có dấu hiệu kinh nguyệt hoặc bị chảy máu vì bất kì lí do gì và phải quay về cuộc sống của một người bình thường.
Cuộc sống hàng ngày lạ lùng của các Kumari
Trong khi gia đình các bé gái lên ngôi Kumari được hưởng phú quý, bổng lộc thì bản thân bé gái đó sẽ phải chịu một cuộc sống cô đơn lạnh lẽo kéo dài, kể cả khi đã hết hạn làm “nữ thần” vì rất nhiều Kumari gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Kumari luôn phải trang điểm rất đậm.
Rời xa gia đình, trở thành nữ thần sống, các bé gái phải luôn mặc đồ màu đỏ, vẽ một con mắt thứ ba giữa trán, chân nhuộm đỏ, mang những món trang sức của Kumari lưu truyền từ đời trước, ngồi trên ngai chạm trổ hình rắn và sống trong khu điện thờ.
Là thánh nữ thiêng liêng, các Kumari không được phép chạm chân xuống đất vì họ thường được ngồi trên những chiếc ngai vàng có người khiêng. Bởi vậy, nhiều Kumari không biết cách đi lại vững chắc.
Khi đã “hết hạn” làm nữ thần, họ sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại và thường đó mới là lúc họ thực sự học cách đi trên mặt đất.
Mỗi ngày, nữ thần sẽ xuất hiện 2 lần trong thời gian ngắn ngủi cho thần dân chiêm ngưỡng rồi lại lui về cung điện biệt lập riêng mình.
Một năm đôi lần, cô sẽ được rời cung điện, ngồi trên cỗ xe ngựa được những người sùng đạo kéo qua các phố phường của thủ đô vào các dịp lễ hội hay diễu hành tế thần. Tuy nhiên, cô tuyệt đối không được gặp bố mẹ hay bạn bè.
Kumari cũng được học tập nhưng không đến trường mà có giáo viên riêng. Giáo viên sẽ đến tận nơi của “nữ thần” để giảng dạy.
Số phận bi đát của những nữ thần sau khi “hết nhiệm kì”
Đến tuổi dậy thì, các Kumari sẽ bị trả về gia đình, ngôi vị không còn nữa vì lí do “thân thể đã nhơ bẩn”. Từ một nữ thần được cung phụng, chiều chuộng trong cung điện bỗng chốc trở thành người bình thường là một cú sốc rất lớn với các bé.
Nhiều Kumari nhớ mãi về “quá khứ vàng son” và cảm thấy tái hòa nhập với cộng đồng quá khó. Quen sống biệt lập và được phục dịch nên các Kumari “mãn hạn” có khả năng giao tiếp cực kì kém. Bản thân những người xung quanh cũng thấy Kumari lạ lẫm và không muốn kết bạn với các cô bé này.
Thông thường, những bé gái đã từng làm Kumari sẽ không thể có cuộc sống hôn nhân bình thường như những người khác.
Thông thường, những bé gái đã từng làm Kumari sẽ không thể có cuộc sống hôn nhân bình thường như những người khác. Nhiều người tin rằng, cưới một Kumari rất đen đủi, thậm chí có thể mang lại tai họa.
Hiện tại, chính phủ Nepal cũng đã đưa ra những chính sách trợ cấp cho các cựu “Kumari” nhằm an ủi và giúp đỡ cuộc sống của họ sau khi trút bỏ lớp áo thánh thần.