Cuộc điện thoại nhầm lúc nửa đêm và sự tỉnh ngộ của người mẹ

“Em có nghĩ là cô bé đó sẽ biết là cô đã gọi nhầm số điện thoại?” Người mẹ nhìn đứa con gái đang ngủ ngon trên giường, và trả lời: “Có lẽ cô bé đã không gọi nhầm...”.

Cuộc điện thoại nhầm lúc nửa đêm và sự tỉnh ngộ của người mẹ

Nửa đêm, chuông điện thoại làm người mẹ thức giấc. Đang ngủ ngon lại bị quấy rầy vào lúc nửa đêm chắc hẳn chúng ta sẽ vô cùng tức giận. Thế nhưng, đó là một cuộc điện thoại đặc biệt và đêm đó, thái độ của người mẹ cũng đặc biệt.

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa

Chuông điện thoại reo lên, bà không biết ai lại gọi cho bà vào lúc này, vì sợ người thân có chuyện gì nên bà nghe máy.

“A lô!”

Bà nắm ống nghe chặt hơn và nhìn về phía người bố cũng đã tỉnh giấc.

“A lô! Mẹ đấy ạ?” – Giọng nói thì thầm của một cô gái, bà không đoán được cô bé đó bao nhiêu tuổi, cô gái đó đang khóc. Rất rõ. Giọng thì thầm tiếp tục:

“Mẹ, con biết là muộn rồi. Nhưng đừng nói … đừng nói gì, để con nói đã. Mẹ không cần tra hỏi đâu, đúng con vừa uống rượu. Con mới ra khỏi đường cao tốc và… Có cái gì đó không ổn”.

Người mẹ cố im lặng…

“Con sợ lắm. Không biết mẹ có thấy đau lòng không nếu một cảnh sát đến cửa nhà mình và bảo con đã chết vì tai nạn. Con muốn… về nhà. Con biết, một đứa con gái bỏ nhà đi quả thật là hư hỏng. Con biết có thể mẹ đã rất lo lắng. Lẽ ra con nên gọi cho mẹ từ mấy ngày trước, nhưng con sợ… con sợ…mẹ ạ!”.

Người mẹ cầm chặt điện thoại và nuốt tiếng nấc. Người mẹ nén những cái nhói lên đau đớn tận trong tim. Khuôn mặt con gái bà hiện rõ ràng ngay trước mặt bà. Bà cũng thì thầm: “Mẹ nghĩ…“.

“Không! Mẹ để con nói hết đã! Đi mẹ...” – Cô gái năn nỉ, lúc này giọng cô gái như một đứa trẻ không được che chở và đang tuyệt vọng.

Người mẹ đành im lặng, và bà cũng đang nghĩ xem nên nói gì với con. Giọng cô gái tiếp:

“Con là đứa hư hỏng, mẹ ạ! Con bỏ nhà đi! Con biết con không nên uống rượu say thế này, nhưng con sợ lắm, mẹ ơi! Sợ lắm…” – Giọng nói ở đầu dây bên kia lại ngắt quãng bởi những tiếng nấc. Người mẹ che miệng, mắt đầy nước.

Tay người mẹ chạm vào ống nghe điện thoại làm vang lên tiếng “cạch“, nghe như tiếng đặt máy, cô gái vội kêu lên:

“ Mẹ ơi, mẹ còn nghe con nói không? Con xin mẹ đừng tắt máy! Con đang rất cần mẹ, con thấy cô đơn lắm!”

“Mẹ đây, yên tâm đi con, mẹ sẽ không gác máy đâu” – Người mẹ nói.

Mô tả ảnh.
Học cách lắng nghe con cái (Ảnh minh họa)

“Mẹ ơi, con biết lẽ ra phải nói với mẹ. Nhưng mẹ không bao giờ lắng nghe con cả, khi mẹ nói chuyện với con, mẹ chỉ luôn bảo con là phải làm gì. Mẹ nói mẹ đã đọc hết quyển sách tâm lý và biết cách dạy con , nhưng tất cả những gì mẹ làm là chỉ bắt con nghe thôi.

Chưa bao giờ mẹ lắng nghe con nói về cảm giác của con, chẳng lẽ cảm giác của con không quan trọng hả mẹ? Có phải vì mẹ nghĩ mẹ là mẹ của con và mẹ biết hết mọi lời giải đáp không? Con không cần điều đó mà con chỉ cần một người lắng nghe con…Mẹ có biết không ạ?”.

Người mẹ lặng đi. Bà nhìn những quyển sách tâm lý bà để ở đầu giường.

“Mẹ đang nghe con nói đây!”. Giọng người mẹ thì thầm.

Cô gái tiếp tục nói:

“Mẹ ơi, khi ở trên đường cao tốc, con hoàn toàn mất cảm giác. Con nhìn thấy một cái cây to chắn đường con. Con muốn đâm vào nó. Nhưng con nhớ đến lời dặn của mẹ là không được lái xe khi vừa uống rượu, cho nên con dừng lại đây. Mẹ ơi, vì con vẫn còn… muốn về nhà” – Cô gái ngập ngừng một chút – “Con đi về nhà đây, mẹ, cho con về, mẹ nhé?”.

“Không!” – người mẹ vội ngắt lời, toàn thân bà như đông cứng lại – “Con cứ ở yên đó! Mẹ sẽ gọi một chiếc taxi đến đón con. Đừng tắt máy, hãy nói chuyện với mẹ trong khi chờ taxi đến”.

“Nhưng con không muốn ở đây thêm một phút giây nào nữa, con muốn lập tức về nhà, mẹ ơi...”.

“Hãy làm điều này vì mẹ, hãy chờ taxi đi, mẹ xin con!”

Bỗng nhiên người mẹ thấy đầu dây bên kia im lặng, bà sợ hãi. Bà nhắm mắt, thầm cầu nguyện trong khi người bố đi gọi một chiếc taxi. Cô gái im lặng rất lâu nhưng cô không tắt máy và người mẹ cũng vậy.

“Có taxi rồi mẹ ạ!” – Tiếng cô gái bỗng vang lên. Khi nghe thấy có tiếng ô tô dừng lại, người mẹ bỗng nhẹ lòng.

“Mẹ chờ con nhé, con về nhà ngay đây!”

“Tút…tút…tút…”, điện thoại tắt, rồi im lặng. Người mẹ đứng dậy với đôi mắt ngấn nước, bà đi vào phòng cô con gái 16 tuổi. Người bố đi theo, và hỏi:

“Em có nghĩ là cô bé đó sẽ biết là cô đã gọi nhầm số điện thoại?”

Người mẹ nhìn đứa con gái đang ngủ ngon trên giường, và trả lời:

“Có lẽ cô bé đã không gọi nhầm…”.

“Sao bố mẹ lại vào phòng con vậy ạ?” – Giọng ngái ngủ của cô con gái cất lên khi cô mở mắt và thấy bố mẹ đứng cạnh giường mình.

“À, bố mẹ đang tập..”. – Người mẹ trả lời.

“Tập gì ạ?” – Giọng cô con gái lầm bầm rồi lại nhắm rịt mắt ngủ tiếp.

“Tập lắng nghe con ạ!” – Người mẹ thì thầm và vuốt tóc cô con gái…

Có lẽ, cuộc điện thoại nhầm đó đã vô tình thức tỉnh sự giáo dục của bà đối với con cái cũng như lời thức tỉnh đến các bậc làm cha làm mẹ . Đừng cố áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, hãy biết lắng nghe để thấu hiểu trái tim con trẻ nhiều hơn.

Theo phunutoday.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ