Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, để sẵn sàng cho cuộc mổ diễn ra an toàn, bệnh viện sẽ mổ hai bé tại hai phòng mổ siêu sạch số 11 và 12 cùng phòng hồi sức được cấy không khí, vệ sinh khử khuẩn hằng ngày, chiếu tia UV.
Với cuộc đại phẫu vô cùng phức tạp, kéo dài khoảng 12 tiếng đồng hồ, các bác sĩ dự kiến mỗi bé mất khoảng 250-500ml máu. Để có máu cho hai bé sử dụng trong suốt ca mổ, bệnh viện đã đăng ký 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 12 đơn vị tiểu cầu.
Khoảng 5h45 sáng ngày 15-7, cặp song sinh Trúc - Diệu được chuyển đến phòng mổ, bắt đầu cuộc đại phẫu tách dính vùng bụng chậu vô cùng phức tạp, kéo dài 12 tiếng với hơn 90 y bác sĩ để mang lại cuộc sống riêng hoàn thiện cho hai bé.
Theo đó, trưởng êkip mổ là TS.BS Trương Quang Định - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM - cùng 93 thành viên chia thành 11 kíp, phụ trách chuyên biệt các công việc gồm: gây mê, dụng cụ, phẫu thuật ngoại tổng quát, chỉnh hình, tạo hình, hồi sức, hồi sức trước mổ, chống nhiễm khuẩn, chẩn đoán hình ảnh và điều dưỡng.
Các thành viên bao gồm hơn 60 y bác sĩ điều dưỡng và nhân viên bệnh viện Nhi đồng TP.HCM phối hợp cùng với gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên địa bàn thành phố như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2; Bệnh viện Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
Tháng 7/2019, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM tiếp nhận từ Bệnh viện Hùng Vương 1 trường hợp song sinh dính nhau đặc biệt. Đây là trường hợp sản phụ 25 tuổi mang thai lần đầu, vào tuần thứ 16 của thai kỳ được phát hiện mang thai đôi dính nhau vùng bụng chậu, 2 thai có chung 1 dây rốn. Sản phụ được mổ lấy thai chủ động lúc thai 33 tuần, cân nặng lúc sinh cả 2 bé được 3.2 kg.
Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các bác sĩ hồi sức sơ sinh đã tích cực điều trị ổn định tình trạng suy hô hấp do bệnh màng trong của 2 bé cũng như các bệnh lý liên quan đến trẻ sinh non, nhẹ cân khác. Qua thăm khám ban đầu các bác sĩ nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kì hiếm gặp.
Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song sinh dính nhau là 1/200000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus.