Sự căng thẳng giữa hai giới tại quốc gia này ngày càng nghiêm trọng, khi không ít phụ nữ thẳng thừng từ chối hẹn hò, kết hôn và sinh con. Hiện tượng này được gọi là phong trào 4B.
Theo các chuyên gia, trong vài thập kỷ qua, đã có sự bùng nổ trong cuộc chiến giới tính. Vào năm 2010, trang web Ilbe đã thu hút người dùng bằng việc đăng tải các bài viết thô tục về phụ nữ. Sau đó, năm 2015, một nhóm ủng hộ nữ quyền trực tuyến tên là Megalia xuất hiện, nhằm chống lại bằng cách hạ thấp phẩm giá của đàn ông Hàn Quốc.
Tuy nhiên, không có sự kiện nào gây ra nhiều tranh cãi trong công chúng như tình trạng gia tăng mạnh mẽ của tội phạm “tình dục kỹ thuật số”. Đây là những hình thức bạo lực tình dục mới, được hỗ trợ bởi công nghệ: Chụp và quay lén phụ nữ nơi công cộng; Sử dụng camera ẩn để quay cảnh phụ nữ quan hệ tình dục hoặc cởi quần áo.
Năm 2018, có 2.289 trường hợp tội phạm tình dục kỹ thuật số được báo cáo. Vào năm 2021, con số này tăng vọt lên 10.353. Năm 2019, Hàn Quốc cũng ghi nhận hai sự kiện chấn động liên quan đến tội phạm tình dục kỹ thuật số.
Cuộc khảo sát năm 2019 do chính phủ nước này thực hiện cho thấy, một bộ phận lớn dân số đổ lỗi cho phụ nữ về tội phạm tình dục. Cụ thể, 52% tin rằng, bạo lực tình dục xảy ra do phụ nữ mặc quần áo hở hang.
Trong khi đó, 37% đặt câu hỏi rằng, liệu phụ nữ có bị tấn công tình dục hay không trong khi say rượu? Những người này đồng thời nhận định, phụ nữ phải chịu một phần trách nhiệm khi trở thành nạn nhân.
Ngày nay, tình trạng cạnh tranh giữa nam và nữ thanh niên trở nên trầm trọng hơn, do chi phí sinh hoạt tăng cao và tình trạng thất nghiệp tràn lan. Được gọi là Thế hệ N-Po, tạm dịch là “thế hệ từ bỏ”, nhiều thanh niên Hàn Quốc không nghĩ rằng, họ có thể đạt được những cột mốc nhất định mà các thế hệ trước coi là hiển nhiên: Kết hôn, sinh con, tìm việc làm, sở hữu một ngôi nhà và thậm chí cả tình bạn.
Song, thực tế, hành động “bỏ cuộc” này được cho là gây ra nhiều vấn đề hơn đối với phụ nữ. Đàn ông cho rằng, việc phụ nữ từ bỏ hôn nhân và sinh con là ích kỷ. Trong khi đó, việc nữ giới cạnh tranh việc làm với nam giới đã khiến một số đàn ông trở nên phẫn nộ.
Phong trào 4B - nơi phụ nữ Hàn Quốc từ bỏ việc hẹn hò, kết hôn và sinh con với người khác giới, đã thể hiện sự leo thang của cuộc chiến giới bằng cách tạo ra một thế giới trực tuyến và ngoại tuyến không có đàn ông. Thay vì tham gia vào các cuộc cãi vã, những người phụ nữ này từ chối tương tác với đàn ông.
Trước bối cảnh này, nhà hoạt động Summer Cha của Project ReSET - một nhóm Hàn Quốc theo dõi và báo cáo lạm dụng tình dục trực tuyến, cho biết luật pháp và hệ thống cần nhận định rõ ràng, cụ thể hơn về tội phạm tình dục kỹ thuật số.
Ví dụ, việc phân phối hình ảnh, video bóc lột tình dục nhưng không tiết lộ danh tính và nơi ở của nạn nhân hiện chỉ bị coi là nội dung khiêu dâm đơn thuần, không phải là tội phạm tình dục. Không có luật nào trừng phạt hành vi lạm dụng tình dục bằng lời nói và lan truyền thông tin cá nhân sai lệch về nạn nhân.
Bà Lee Min Joo - nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu về Chủng tộc và Sắc tộc trong Xã hội, Giáo sư Trợ lý thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu Giới tính, Trường Đại học Indiana (Mỹ) chia sẻ, mỗi quốc gia có bối cảnh văn hóa riêng, dẫn đến sự gia tăng tội phạm tình dục kỹ thuật số.
Do đó, không có một giải pháp duy nhất nào để giải quyết vấn đề. Song, ở Hàn Quốc, việc tiếp tục làm sáng tỏ hệ thống công dân theo giới tính có thể là một phần của giải pháp.