Cuộc chiến gián điệp giữa Ấn Độ và Pakistan

Hành động trục xuất nhà ngoại giao hoặc nhân viên ngoại giao của bất kỳ quốc gia nào, dù được biện hộ bằng lý do gì đi nữa thì đều mang tính chính trị rất cao. 

Từ năm 1947, Kashmir đã bị phân chia làm 2 vùng do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. Ảnh: EPA.
Từ năm 1947, Kashmir đã bị phân chia làm 2 vùng do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. Ảnh: EPA.

Thông điệp chính trị trong vụ trục xuất nhân viên ngoại giao của nhau giữa Ấn Độ và Pakistan hôm 28-10 thực chất chỉ là cái cớ để bùng phát xung đột tại khu vực tranh chấp Kashmir.

Theo tin từ hãng Al-Jazeera, hôm 28/10, Pakistan đã cáo buộc Ấn Độ tiếp tục nã pháo nhằm vào các ngôi làng dọc Ranh giới kiểm soát (LoC) ở khu vực tranh chấp Kashmir và làm 3 thường dân thiệt mạng, trong đó có một bé gái 7 tuổi và nhiều người khác bị thương.

Một quan chức địa phương tên là Adnan Khursheed cho biết, vụ việc xảy ra ở khu vực Nakyal, tỉnh Punjab và những người bị thương đang được chữa trị tại bệnh viện vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Một người dân tên là Muhammd Naseer kể trong nước mắt, pháo cối bắn từ phía Ấn Độ đã nã vào ngôi nhà đang diễn ra đám cưới. Trong khi đó, Ấn Độ lại cho hay, cuộc đụng độ giữa quân đội hai nước ở vùng Kashmir, đêm 28-10, đã làm 5 binh sĩ nước này thiệt mạng.

Kinh hoàng hơn, chính quyền New Delhi cáo buộc rằng, thi thể của 5 binh sĩ nói trên đã bị đánh cắp và một trong số thi thể này được tìm thấy trong tình trạng bị cắt rời từng bộ phận.

Hãng The Guardian dẫn lời một quan chức quân đội Ấn Độ cho hay, binh sĩ này được xác nhận là Manjeet Singh, bị sát hại trong cuộc đọ súng ở quận Kupwara, gần LoC.

Trước đó, quân đội Ấn Độ cũng đã loan báo thông tin rằng có 19 binh sĩ nước này bị sát hại khi một nhóm tay súng từ Pakistan tràn vào tấn công căn cứ quân sự ở Uri, một thị trấn khác vùng Kasmir.

Đồng thời, lực lượng quân đội Ấn Độ cũng cáo buộc rằng, Pakistan đứng đằng sau vụ việc và phải chịu hậu quả về việc này. Tuy nhiên, chính quyền Islamabad đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Trong một nỗ lực nhằm buộc Pakistan phải thừa nhận việc này, chính quyền New Delhi cũng đã từng bước thực hiện kế hoạch cô lập Pakistan trong khu vực và “gắn” cho quốc gia này cái mác “vùng đất của khủng bố”, tẩy chạy việc Islamabad đứng ra tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11.

Những căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á này lại được nối dài bằng việc hai bên trục xuất nhân viên ngoại giao của nhau. Đầu tiên là Pakistan triệu Phó Đại sứ Ấn Độ tại Islamabad để phản đối vụ nổ súng qua biên giới hôm 19/10 làm 1 người thiệt mạng và 5 người bị thương, trong đó có 3 trẻ em và 2 phụ nữ.

Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định, vụ việc này đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn giữa hai nước ở LoC – đường biên giới dài 720km, chia vùng Kashmir thuộc dãy Himalaya làm 2 phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát.

Một tuần sau, sau khi xảy ra các vụ đấu súng tại các làng Harpal, Pukhlian và Charwah thuộc tỉnh Punjab của Pakistan và các khu vực Pura, Pargwal và Kanachak làm 4 người thiệt mạng, Pakistan lại tiếp tục quyết định trục xuất viên chức ngoại giao Surjet Singh thuộc Văn phòng Cao ủy Ấn Độ với lý do ông này đã tiến hành các hoạt động không phù hợp về quy tắc ngoại giao.

Ông Surjet Singh có 48 giờ để rời khỏi Pakistan. Để trả đũa lại Islambad, New Delhi cũng tuyên bố trục xuất Mehmood Akhtar Mohd Akhtar, nhân viên bộ phận cấp thị thực của Đại sứ quán Pakistan với cáo buộc “làm việc cho cơ quan tình báo quân đội Pakistan”.

Chưa hết, New Delhi còn cáo buộc Islambad tiếp tục các hoạt động chống nước này, bao gồm cả việc “xuất khẩu” khủng bố qua biên giới. Cả Ấn Độ và Pakistan còn cùng cáo buộc nhau vi phạm công ước Vienna và các quy tắc ngoại giao…

Trên thực tế, trong hơn nửa thế kỷ qua, Kashmir luôn là “cái gai” nhức nhối trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan. Sau khi cuộc chiến tranh đầu tiên ở Kashmir kết thúc vào tháng 1/1949, một đường ranh giới đã được dựng lên chia cắt Kashmir thành hai vùng Kashmir-Ấn Độ và Kashmir-Pakistan. Vào tháng 7/1972, Hiệp ước Simla đã quy định một đường ranh giới chính thức gọi là Ranh giới kiểm soát.

Về cơ bản đường Ranh giới kiểm soát này giống với đường ranh giới năm 1949, chạy qua vùng núi non cao 5.000m. Ở phía bắc của đường ranh giới, từ năm 1984, các lực lượng của hai bên xây căn cứ trên núi băng Siachen (cao hơn 6.000m) chiến trường cao nhất trên thế giới.

Ranh giới kiểm soát chia cắt Kashmir thành hai phần: phần thuộc về Ấn Độ nằm ở phía đông và phía nam Kashmir với dân số khoảng 9 triệu người, thuộc bang Jammu và bang Kashmir.

Phần còn lại ở phía bắc và phía tây do Pakistan kiểm soát, dân số khoảng 3 triệu người, được gọi là vùng Kashmir Azad (Kashmir tự do).

Cũng từ đây, quan hệ láng giềng giữa hai nước này luôn trong tình trạng thù địch. Sự thù địch này bắt nguồn từ nguyên nhân tôn giáo và lịch sử và leo thang thành một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm.

Mặc dù hai bên đã nỗ lực tiến hành các cuộc đàm phán thường xuyên để giải quyết vấn đề này, nhưng quan hệ song phương vẫn tiếp tục căng thẳng.

Theo CAND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ