Cuộc chiến đất đai giữa nông dân Nhật Bản và sân bay quốc tế

GD&TĐ - "Anh không thể chọn láng giềng", nông dân Takao Shito thấm thía điều này sau 10 năm tranh chấp đất đai với sân bay lớn thứ hai của Nhật Bản.

Cuộc chiến đất đai giữa nông dân Nhật Bản và sân bay quốc tế
Một người nông dân chăm bón ruộng rau ngày 12/4 ngay cạnh đường băng của sân bayNarita, cửa ngõ quốc tế dẫn vào thủ đô Tokyo, Nhật Bản.Ảnh: AFP.

Một người nông dân chăm bón ruộng rau ngày 12/4 ngay cạnh đường băng của sân bayNarita, cửa ngõ quốc tế dẫn vào thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Trang trại hữu cơ của ông Takao Shito nằm lọt thỏm giữa sân bay quốc tế Narita, hàng ngày những chiếc máy bay dân dụng từ khắp nơi trên thế giới hạ cánh xuống sân băng ngay sát ruộng trồng đậu và củ cải củ của ông Shito, theo AFP.

"Anh rồi sẽ quen với tiếng ồn thôi", người nông dân 68 tuổi nói với giọng trầm ấm. "Ba thế hệ gia đình chúng tôi đã canh tác trên mảnh đất này gần một thế kỷ, từ đời ông tôi, bố tôi rồi đến tôi. Tôi muốn tiếp tục sống và làm nông ở đây". Phần lớn diện tích của nông trại chỉ có thể tiếp cận được thông qua đường hầm dưới khu vực sân bay.

Ông Shito cùng một số gia đình khác đã kiên trì tranh đấu với sân bay Narita suốt 10 năm qua. Sân bay quốc tế này là cửa ngõ chính vào thủ đô Tokyo, mỗi năm đón khoảng 40 triệu hành khách và 250.000 chuyến bay.

Ngay từ khi sân bay Narita còn là ý tưởng nằm trên giấy hồi năm 1966, nông dân địa phương và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường đã kịch liệt phản đối. Cha của ông Shito là một trong những người tham gia các cuộc biểu tình leo thang thành bạo loạn, khiến nhiều cảnh sát và dân thường thiệt mạng.

Bất chấp sự phản đối của người dân, sân bay Narita vẫn được xây dựng và khánh thành vào năm 1978. Tuy nhiên, do sức ép của dư luận, sân bay chỉ hoạt động với một đường băng cho đến tận năm 2002 mới tiếp tục mở đường băng thứ hai.

Dù chủ đầu tư đã mua lại các mảnh đất nằm liền kề đường băng thứ hai từ những người chủ hợp pháp, gia đình ông Shito, sau hàng chục năm thuê đất làm ruộng, nhất quyết không chịu dọn đi vì đó là kế sinh nhai của ông. Ông đồng thời dẫn Luật Đất Nông nghiệp với những điều khoản bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

Trước lập luận của ông Shito, sân bay Narita đã phải điều chỉnh thiết kế và xây đường dẫn vào đường băng thứ hai lượn vòng quanh trang trại của ông Shito.

"Vấn đề không phải là tiền"

Takao Shito (ngoài cùng)làm việc tại nông trại gần sân bay Narita hôm 12/4. Ảnh: AFP

Takao Shito (ngoài cùng) làm việc tại nông trại gần sân bay Narita hôm 12/4.

Tokyo tổ chức giải bóng bầu dục thế giới vào năm tới và đăng cai Olympic Mùa hè năm 2020. Để chuẩn bị đón lượng du khách đổ về, sân bay Narita dự định xây đường băng thứ ba. Và sân bay Narita sẽ tiếp tục đương đầu với các cuộc đàm phán mới với những người nông dân.

Nhìn từ trên cao, mảnh đất của Shito và những người hàng xóm trông như một hòn đảo màu nâu cô lập giữa sân bay Narita. Trong tiếng động cơ máy bay cất và hạ cánh cả ngày lẫn đêm, công việc làm nông bình dị thật không dễ dàng. Nhưng Shito không nao núng. Hiện ông đang là nguyên đơn của 5 vụ kiện khác nhau chống lại sân bay Narita. Shito nhất quyết không nhận tiền bồi thường để ra đi. 

"Vấn đề không phải là tiền", Shito nói. "Tôi làm nông nghiệp hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu. Anh không thể mang lớp đất bên trên tới một nơi khác và hy vọng kết quả trồng trọt sẽ vẫn tốt như vậy". 

Với lập luận rằng khu vực xung quanh sân bay không phải là nơi lý tưởng để trồng rau hữu cơ, không khí và nước có dấu hiệu ô nhiễm, sân bay Narita đã thắng ông Shito trong một vài vụ kiện và thuyết phục thành công một số nông dân nhận tiền đền bù để chuyển đi. 

"Chúng tôi sẽ có những bước đi tiếp theo sau khi tham vấn với luật sư và những người có liên quan", đại diện của sân bay Narita nói và không trả lời về khả năng cưỡng chế ông Shito. 

Mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên đôi khi dẫn đến những vụ xung đột với an ninh sân bay. "Cảnh sát và an ninh sân bay. Đôi khi họ chặn tôi lại và hỏi giấy tờ tùy thân, dù họ biết rõ tôi là ai", ông Shito kể buổi sáng gần đây, một nhóm người ngồi trên một chiếc SUV đen và theo dõi ông từ xa.

"Đây là cuộc sống của tôi. Trồng rau trên mảnh đất này, vị của rau củ rất khác", Shito nói ông hạnh phúc khi sống ở đây.

Ông Shito có khoảng 400 khách hàng thường xuyên lặn lội từ Tokyo và các khu vực xung quanh đến mua nông sản do ông trồng. Và cũng có rất nhiều người ủng hộ ông. Tại một phiên điều trần gần đây ở Tòa án quận Chiba, khoảng 60 nhà hoạt động đã xuất hiện tại phòng xử án và đồng lòng chất vấn quan tòa. Thậm chí vài người còn yêu cầu tháo dỡ sân bay và trả lại sự yên tĩnh cho khu vực nông nghiệp này. 

Ông Nobuharu Ito bắt đầu phản đối việc xây dựng sân bay Narita từ 40 năm trước khi còn là sinh viên đại học. Người đàn ông 71 tuổi này cho biết cảm thấy xúc động trước sự kiên gan của Shito. 

"Cách sống của Shito, không chỉ là chuyện tiền bạc, khiến nhiều người đồng cảm", ông Ito nói. 

Bất chấp nhiều năm tranh chấp, Shito cho biết ông sẽ tiếp tục chung sống vui vẻ với sân bay nếu có thể. "Khi chính phủ nói hay làm gì đó thì hầu hết người dân sẽ chấp nhận hoặc từ bỏ mà không thắc mắc. Tôi chỉ muốn cho thế giới biết có một ông nông dân đang sống ở đây", Shito khẳng định sẽ không ngừng tranh đấu. 

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ