Cuộc cách mạng robot của Nhật Bản

GD&TĐ - Không chỉ robot mà Nhật Bản còn là một trong những nước tiên phong nghiên cứu và thử nghiệm những công cụ siêu thông minh có khả năng lao động và hành xử gần giống con người, để tiến tới thế kỷ của những “robot giống người”.

Cuộc cách mạng robot của Nhật Bản

“Cuộc cách mạng robot” được nói đến nhiều trong chương trình TH nhiều tập Vision Japan đi sâu vào việc tìm ra những giải pháp giúp thay đổi Nhật Bản, một đất nước đông dân nhưng đang già dần và thiếu lao động, đồng thời giúp nước Nhật giữ vững vị trí nhất nhì thế giới về công nghệ và sản phẩm tiêu dùng.

Vision Japan chính là nguồn cảm hứng và cơ hội cho giới trẻ Nhật Bản đi vào thế giới sáng tạo để “cứu” đất nước khỏi nguy cơ tụt hậu. Thật ra, chính phủ Nhật đã tập trung nguồn nhân vật lực vào cuộc cách mạng robot từ năm 2015 với một buổi lễ phát động hoành tráng cho một kế hoạch có tên “Robot Revolution Initiative”.

Sáng kiến này kéo dài 5 năm với sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp và các tổ chức khác nhau để đưa giá trị của thị trường robot lên 21 tỉ USD vào năm 2020.

Mục tiêu được xem là tham vọng nhưng với “tinh thần Nhật Bản”, nhiều người Nhật tin rằng họ có thể thành công. Được xem là đất nước có bề dày sáng tạo robot và niềm say mê robot được cấy vào đầu học sinh từ lúc còn rất bé, Nhật Bản đã đưa robot vào đủ lĩnh vực, từ công nghiệp, thương mại, y tế đến giáo dục, đồ gia dụng…

Nhiều nhà máy sản xuất hay công ty giao nhận hàng hóa trên thế giới dùng robot Nhật. Robot Nhật Bản có thể làm được nhiều việc, từ lắp ráp xe hơi đến xếp dỡ hàng hóa. Nhưng khi nói đến robot giống người, Nhật Bản cũng cho ra nhiều robot rất ấn tượng giống như búp bê biết nói và vận động. Chúng có thể hát, đi bộ, nói chuyện và nhảy múa.

Chó robot Aibo của Sony ra đời năm 2006 là một ví dụ khi nó tạo ra cú sốc trên thị trường dù Sony không còn theo đuổi dự án này. Có lẽ Nhật Bản là nước giới thiệu nhiều robot kiểu này nhất và bị ám ảnh bởi chúng trước khi bị các nước khác bám đuổi.

Dù vẫn là nước dẫn đầu thế giới trong việc nghiên cứu và phát triển robot nhưng Nhật Bản muốn tiến xa hơn nữa bằng cách tích hợp robot vào tất cả các ngóc ngách của xã hội và nền kinh tế.

Dùng robot để giải quyết vấn nạn khan hiếm lao động chỉ là một mục tiêu. Người Nhật còn có nhiều mục tiêu khác trong cuộc cách mạng robot khi cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt về công nghệ ứng dụng mà nổi bật nhất là cuộc chạy đua sản xuất siêu máy tính của những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Chính vì hiểu được nguy cơ tụt hậu mà Thủ tướng Shinzo Abe đã chủ trì lễ thành lập Hội đồng Robot Revolution Initiative Council, cơ quan điều phối cuộc cách mạng robot và kế hoạch 5 năm dành cho nó.

Ông Abe nói: “Có mặt tại đây là những đại diện xuất sắc nhất của kỹ nghệ robot, và chúng ta sẽ thu hút tất cả tài năng thuộc mọi lĩnh vực khác nhau cho sáng kiến quan trọng này. Không chỉ có nhà máy mà nông lâm ngư nghiệp, an sinh xã hội, y tế, giáo dục cũng được dự phần. Nói chung là cuộc cách mạng robot cần đến sự chung sức của mọi người dân Nhật. Robot đang và tiếp tục thay đổi cách sống, làm việc, tư duy và thay đổi cả xã hội chúng ta theo hướng tốt lên nếu chúng ta biết cách tận dụng nó”.

 
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ