Để có bước ngoặt này là khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ, mà cũng mới chỉ dừng ở chủ trương. Thách thức vẫn còn rất nhiều ở phía trước.
1-Thành tựu sau 55 năm
Sinh đẻ vốn là kết quả tự nhiên của mối quan hệ giới tính với mọi sinh vật, kể cả con người, kể từ thuở khai thiên lập địa. Trước nay thì các cụ mình vẫn quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”, chả có gì phải lo lắng, không liên quan đến một từ ngữ hành chính lạ lẫm là “chính sách dân số”.
Chính sách dân số Việt Nam chỉ được khởi đầu bằng quyết định 216/CP ngày 26-12-1961 của Hội đồng Chính phủ về việc “sinh đẻ có hướng dẫn”, trong đó có nêu rõ mục đích là “vì sức khoẻ của người mẹ, vì hạnh phúc hoà thuận của gia đình và để cho việc nuôi dạy con cái được chu đáo, việc sinh đẻ của nhân dân cần được hướng dẫn một cách thích hợp”...
Từ đó cho đến nay, vấn đề này luôn được nhắc đến trong các kỳ Đại hội Đảng, trở thành mối quan ngại lớn khi dân số tăng nhanh không tương xứng với sự phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, trọng tâm của Chính sách dân số nửa thế kỷ qua vẫn là GIẢM SINH. Tất nhiên, nhờ những tác động tích cực của chính sách này mà tốc độ sinh cũng đã giảm dần khi mà sự sinh đẻ đã được “kế hoạch hóa” với nhiều biện pháp.
Nhưng, mãi đến cuối thế kỷ 20, chất lượng dân số Việt Nam mới thực sự được quan tâm, thể hiện tại Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 9, năm 2001: “Chính sách dân số nhằm chủ động kiểm soát quy mô và tăng chất lượng dân số phù hợp với những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình; giải quyết tốt mối quan hệ giữa phân bố dân cư hợp lý với quản lý dân số và phát triển nguồn nhân lực”. Chính sách dân số đã có những định hướng mở rộng với các nội dung như: Duy trì mức sinh thay thế, chất lượng dân số, cơ cấu và phân bố dân số hợp lý. Mặc dù vậy, sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối, chính sách về dân số vẫn là Giảm sinh.
Với chính sách dân số như một dòng chảy liên tục nên sau 55 năm thực hiện giảm sinh, Việt Nam đã sớm đạt được từ năm 2003 và duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2,1 con/ phụ nữ) từ đó đến nay. Hệ thống dịch vụ Kế hoạch hóa gia đình được hình thành rộng khắp và đang dần được thị trường hóa. Từ năm 2016 trở đi, tuyệt đại đa số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ là thế hệ mới; 90% trẻ em được sinh ra ra từ năm 2009 là do phụ nữ sinh năm 1982 trở lại đây là cơ sở để nâng cao chất lượng dân số.
2-Những “khiếm khuyết” của chất lượng dân số
Nửa thế kỷ qua, chất lượng dân số Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt, song vẫn chưa vững chắc, chỉ số HDI của người Việt Nam vẫn chỉ “ổn định” ở bậc trung bình thấp so với thế giới: năm 1980 chúng ta xếp thứ 85/104 nước, năm 2014 xếp thứ 116/188 nước.
Tốc độ tăng chỉ số HDI thậm chí có xu hướng tụt hậu: giai đoạn 1990-2000 tăng 1,91%/năm, giai đoạn 2000-2010 tăng 1,27%/năm, từ năm 2010-2014 chỉ tăng 0,049%. Tình trạng tảo hôn ở các em gái 8 vẫn còn xảy ra nhiều ở một số vùng miền núi, vùng sâu xa, làm giảm chất lượng dân số cũng như góp phần làm tăng mức sinh ở các vùng này.
Về mức sinh, nếu tính chung cả nước thì đã giảm đáng kể, từ 6,39 năm 1960 xuống còn 2,09 năm 2016 nhưng có sự khác biệt lớn giữa các vùng miền trong cả nước. Có nơi trên 3,45 con/cặp vợ chồng như Kon Tum, Hà Giang; nhưng có nơi lại chỉ 1,45 như TP Hồ Chí Minh, hay 1,69 như vùng Đông Nam bộ.
Đặc biệt, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã đến mức nghiêm trọng như đánh giá tại KL119/KL-TW. Số bé trai/100 bé gái (chỉ số SRB) tăng lên một cách đáng lo ngại: từ 106 năm 2005 lên 113 năm 2015, cho dù đã có quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
Về độ tuổi, dân số Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, nhưng chỉ sau 2030 là tình trạng “dân số già” sẽ hiển hiện, nếu không có những chính sách phù hợp thì kinh tế xã hội sẽ có nhiều hệ lụy. Tỉ lệ dân đô thị cũng là một chỉ số về chất lượng dân số, trong khi tỉ lệ trung bình trên thế giới là 53%, châu Phi là 40% thì Việt Nam vẫn chỉ đạt 33,3% (số liệu năm 2014).
3-Định hướng mới về nội dung chính sách dân số
Như GS.TS Nguyễn Đình Cử nhận định, Kết luận 119/KL-TW với nội dung “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang Dân số và phát triển (DS &PT)” là một cuộc “bẻ ghi” về chính sách dân số ở nước ta. Về ý nghĩa, nó cũng không khác gì Nghị quyết 216 của Hội đồng Chính phủ vào ngày 26-12-1961.
Về bản chất, đây là sự mở rộng chính sách DS-KHHGĐ với những nội dung cụ thể như: Duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Trong quá trình tìm kiếm các giải pháp về vấn đề dân số, cần chú ý đến những cam kết quốc tế của Việt Nam. Việc đưa các chỉ tiêu, mục tiêu về DS&PT vào chương trình phát triển kinh tế xã hội là phù hợp với Nguyên tắc 4 của chương trình hành động Cairo mà Việt Nam đã ký kết năm 1994: “Những chính sách và mục tiêu dân số là một phần không tách rời của phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội với mục đích cơ bản là nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người dân”.
Việt Nam cũng đã ký Công ước quốc tế về “xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (CEDAW), trong đó có “quyền tự do và trách nhiệm như nhau khi quyết định về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và có quyền tiếp cận thông tin, giáo dục và các biện pháp để thực hiện những quyền này”.
Điều này cũng phù hợp với Nguyên tắc 8 của Chương trình hành động Cairo: “Tất cả các cặp vợ chồng và cá nhân có quyền cơ bản để quyết định một cách tự do và có trách nhiệm về số lượng và khoảng cách giữa các lần sinh và có những thông tin, giáo dục và phương tiện để làm như vậy”. Việc duy trì mức sinh thay thế ở các vùng có mức sinh khác biệt sẽ cần phải có những giải pháp phù hợp với vùng đó.
Chủ trương đổi mới chính sách dân số theo hướng DS&PT là cần thiết cho sự phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa chủ trương này thực sự còn rất chậm. Chỉ một ví dụ nhỏ đã đủ minh chứng cho điều này: Nhu cầu cho thuốc tránh thai và các phương tiện tránh thai mỗi năm là khoảng 400 tỉ/năm; năm nay kế hoạch phân bổ ngân sách đã giảm chỉ còn 58 tỉ mà thực tế chỉ có 17 tỉ. Khoảng cách từ nhu cầu đến giải pháp thực hiện đã xa như vậy, thì từ chủ trương, tư tưởng chỉ đạo đến những chính sách cụ thể và hướng dẫn thực hiện còn xa hơn nữa.
Cho dù thế, nỗ lực từ nhiều phía vẫn đang được xúc tiến để năm 2017 có Nghị quyết về Chính sách dân số và phát triển, đến năm 2018 có thể thông qua được Luật dân số với tinh thần “DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN” như Kết luận 119/KL-TW của Ban Bí thư đã khẳng định.
Chuyển đổi trọng tâm từ DS-KHHGĐ sang DS&PT là cuộc cách mạng trong chính sách dân số. Để toàn ĐẢng, toàn dân tiếp nhận, hiểu rõ và ủng hộ và thực hiện hiệu quả chủ trương này, để tránh các sự hiểu biết lệch lạc và thái độ không đúng đắn, rất cần đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông về các vấn đề DS&PT.