Cùng nỗ lực để tạo nếp sống mới ở chung cư

Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, trung bình trong 3 năm gần đây, mỗi năm TP.HCM có khoảng 37.067 căn hộ chung cư được giao dịch đưa vào sử dụng, chiếm 80% tổng nguồn cung nhà mới. Tương ứng, mỗi năm có gần 40 ngàn gia đình chuyển vào sinh sống trong các chung cư. Việc thay đổi lối sống, nếp sinh hoạt là tất yếu.

Cùng nỗ lực để tạo nếp sống mới ở chung cư

Cần ý thức về ngôi nhà chung

Sinh sống trong các khu chung cư thay cho nhà phố đang trở thành xu thế chung của cư dân đô thị. Ở khu chung cư nhỏ có chừng vài chục gia đình, khu lên đến hàng trăm, hàng ngàn hộ. Tuy nhiên, điểm chung là thành phần cư dân cư ngụ đa dạng, phức tạp đến từ nhiều vùng miền khác nhau.

Nếp sống mới tại các chung cư đã không tránh được những chuyện rắc rối. Không ít lần, nhân viên ban quản lý chung cư phải làm cán bộ hòa giải cho những tranh chấp giữa chủ nhà với người đến thuê, giữa những xích mích phát sinh trong sinh hoạt của cư dân.

Khi người dân chung tay và có ý thức cộng đồng thì chung cư luôn sạch sẽ, an toàn

Ông Trần Trí Dũng- Trưởng Ban quản lý một chung cư thuộc P.Trường Thọ, Thủ Đức than phiền nơi chung cư ông quản lý từng có căn hộ, không biết chủ nhà có hiềm khích với ai mà một ngày người lạ kéo đến đổ keo vào ổ khóa. Khi chủ căn hộ này về, cửa mở không được, khiến cả chủ nhà lẫn cư dân trong khu chung cư một phen nhốn nháo.

Cư dân chung cư trên đường Âu Dương Lân (P.2, Q.8) từng không khỏi bất an bởi cách sinh hoạt tuỳ tiện, thiếu tính cộng đồng của một số người. Người dân vẫn chưa quên sự cố xảy ra ngày 26-2-2018, khi một căn hộ phát cháy. Chuông báo cháy không hoạt động, người dân phải kêu gọi để thông báo cho nhau biết. Cả chung cư ồn ào, náo loạn như vỡ chợ, người dân chạy ngược xuôi. May mắn ngọn lửa được dập tắt kịp thời nhưng điều khiến người dân lo lắng, khi phát hiện trong căn hộ cháy có dụng cụ dùng để sử dụng ma túy. Nỗi lo bao trùm lên cư dân.

Đối với hàng trăm hộ dân ở chung cư khác gần đó lại khốn khổ vì xe hơi. Người dân xem đường giao thông như garage của gia đình. Họ đậu xe thành hàng ba trên đường, lấn chiếm cả lối dành cho người đi bộ. Những phương tiện qua đây gặp nhiều khó khăn.

Nỗ lực từ nhiều phía

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho biết, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong chung cư là cần thiết. Trong cuộc sống chung cư, văn hóa cao nhất là sự nhường nhịn nhau. Mỗi gia đình và cá nhân phải tự điều chỉnh hành vi ứng xử của mình cho phù hợp với lối sống chung, tạo môi trường lành mạnh. Tuy nhiên, để làm được điều đó ngoài ý thức của mỗi người dân, cần sự đồng hành của chủ đầu tư.

Thực tế từ nếp sống các khu chung cư cho thấy, việc cư dân được trực tiếp có tiếng nói về các tiêu chí về chất lượng dịch vụ sẽ sớm hình thành nếp sống mới. Như việc đánh giá thời gian và chất lượng làm việc của nhân viên ban quản lý, nhân viên vệ sinh sàn, vệ sinh thang máy, thái độ giao tiếp, ý thức phòng chống cháy nổ…

Vấn đề kiểm soát an ninh, tệ nạn trong mái nhà chung cũng được nhiều chung cư chú trọng. Việc kiểm soát người lạ đến chung cư để bảo đảm an toàn, vệ sinh và lối đi chung không được phép để đồ đạc bừa bãi, khách đến bảo vệ báo nhưng chủ nhà đồng ý dẫn lên mới được chứ không tùy tiện.

Người dân chung cư Lan Phương giao lưu bóng bàn

Bà Nguyễn Thị Phước - chủ đầu tư khu chung cư Lan Phương cho biết, để hòa hợp, tạo nếp sống mới cho hàng trăm gia đình vào dưới một mái nhà cần phát huy tính dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận của mỗi gia đình. Với tinh thần đó, chủ đầu tư cùng tập thể các hộ dân xây dựng quy chế quản lý, giám sát cụ thể.

Hệ thống quản lý, dịch vụ từ ứng xử trong sinh hoạt, công tác bảo vệ, vệ sinh môi trường đến việc tổ chức dạy học, vui chơi giải trí cho con em trong chung cư được chuẩn hóa theo từng tiêu chí. Ban quản lý tổ chức phát phiếu tín nhiệm đến từng hộ gia đình để lấy ý kiến đánh giá và góp ý bổ sung. Người dân dần tạo dựng được nếp sống mới, những suy nghĩ, cách ứng xử cố chấp, vì cá nhân từng bước được đẩy lùi.

Theo Congan.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ