Cùng nhau đối thoại về điêu khắc kim - cổ

GD&TĐ - Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn năm 2024 là cuộc đối thoại giữa cái cũ và cái mới trong nỗ lực xác định vị trí của điêu khắc hiện đại.

Nghệ sĩ Khổng Đỗ Tuyền cũng có tên trong danh sách 37 nghệ sĩ tham gia triển lãm 'Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn' lần 8.
Nghệ sĩ Khổng Đỗ Tuyền cũng có tên trong danh sách 37 nghệ sĩ tham gia triển lãm 'Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn' lần 8.

Triển lãm “Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn” được tổ chức thường niên 2 năm một lần và địa điểm được luân phiên giữa hai miền Nam - Bắc.

Ra đời từ năm 2010 đến nay, triển lãm nhằm kết nối và chia sẻ đời sống nghệ thuật ở hai miền đất nước với sự khởi xướng của hai điêu khắc gia Đào Châu Hải và Bùi Hải Sơn.

Xác lập vị trí của điêu khắc hiện đại

Triển lãm “Điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn 2024”, diễn ra từ ngày 3/8 - 3/9 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA (72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) một lần nữa minh chứng cho sức sáng tạo bền bỉ của giới điêu khắc Việt Nam - nơi mà các tác giả trao đổi và thảo luận, chia sẻ với nhau về nghề nghiệp, truyền cảm hứng cho các thế hệ kế cận tiếp nối những trải nghiệm để tiến xa hơn trong con đường sáng tạo nghệ thuật.

Theo Ban tổ chức, triển lãm “Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn” năm nay tiếp tục giới thiệu đến công chúng khối lượng đồ sộ tác phẩm của các điêu khắc gia thuộc nhiều thế hệ, từ nhiều vùng miền trên cả nước, bao gồm cả những gương mặt quen thuộc và sự xuất hiện của những cái tên mới.

Điểm nhấn của trưng bày năm 2024 cũng chính là cuộc đối thoại giữa cái cũ và cái mới trong nỗ lực xác định vị trí của điêu khắc hiện đại trong tiến trình chung của nền điêu khắc Việt Nam.

Thừa hưởng di sản về ngôn ngữ tạo hình cũng như chất liệu của những nền văn hóa bản địa, các nghệ sĩ điêu khắc hiện đại đã tiếp nối và mở rộng khuynh hướng sáng tạo. Trong đó bao gồm những chất liệu độc đáo như vật liệu tổng hợp, kim loại, đá, sợi, keo bọt nở, các vật dụng hàng ngày… và nội dung phong phú từ những chủ đề muôn thuở như tình yêu hay thiên nhiên, cho tới những nỗi niềm, chiêm nghiệm mang tính thời sự.

Nhóm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn, hoặc Sài Gòn - Hà Nội được thành lập năm 2010, dựa trên ý tưởng của hai nhà điêu khắc Đào Châu Hải và Bùi Hải Sơn. Nhóm tập hợp các tác giả điêu khắc hoạt động sáng tác thường xuyên tại Hà Nội và TPHCM, định kỳ 2 năm một lần luân phiên triển lãm giữa Hà Nội và TPHCM.

Trên thực tế với các kỳ triển lãm đã diễn ra, hoạt động của nhóm đã gắn kết các mối quan hệ nghề nghiệp và làm sôi nổi hoạt động sáng tác, trao đổi chuyên môn giữa các nhà điêu khắc trong cả nước.

Trong đó, Đào Châu Hải và Bùi Hải Sơn thuộc thế hệ những nhà điêu khắc hàng đầu của Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Điêu khắc gia Đào Châu Hải sinh năm 1955, từng giữ các vị trí giảng dạy, quản lý mỹ thuật, hoạt động sáng tác chủ yếu ở Hà Nội.

Bùi Hải Sơn sinh năm 1957, từng là giảng viên Đại học Kiến trúc TPHCM, hoạt động sáng tác điêu khắc tại TPHCM. Việc thành lập nhóm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn dưới sự dẫn dắt và đồng hành của hai người thầy lớn ở hai miền, cùng nhiều nhà điêu khắc, đã cho thấy sự chuyển giao của điêu khắc trong thời kỳ mới.

Để điêu khắc gần hơn với công chúng

cung nhau doi thoai ve dieu khac kim co (1).jpg
Tác phẩm của điêu khắc gia Đinh Duy Tôn.

Với 37 tác giả cùng 86 tác phẩm được sáng tác trong những năm gần đây, cùng sự đa dạng trong cách thực hành điêu khắc đương đại, sự phong phú về chất liệu thể hiện từ các chất liệu truyền thống như gốm, đá, đồng đến các chất liệu hiện đại như hợp kim, foam, vải sợi... điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn lần thứ 8 được kỳ vọng sẽ chạm đến sự cảm nhận của công chúng.

So với các lĩnh vực nghệ thuật, điêu khắc đương đại vẫn còn khá xa lạ đối với số đông công chúng Việt Nam. Những hạn chế của nền điêu khắc, một phần do sự bó hẹp trong suốt thời gian dài bởi các công trình tượng đài, thiếu vắng sự sáng tạo hội nhập khi thế giới đã phát triển ở tầm mức cao.

Thực ra trong hội họa hay điêu khắc, hoặc bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào cũng tồn tại những hạn chế. Tuy nhiên, cũng phải xét đến độ vênh giữa người sáng tạo và người cảm thụ nghệ thuật, giữa nghệ sĩ và công chúng. Nhiều tác phẩm của nhà điêu khắc, khi được công bố trên mạng xã hội, trong bảo tàng hay nhà triển lãm… bị chê như một “vật thể lạ”.

Nghệ sĩ Đào Hải Châu từng khẳng định, TPHCM cũng như Hà Nội quá thiếu vắng không gian dành cho điêu khắc. Điêu khắc dường như đã bị “bít cửa” trong quan hệ với kiến trúc, với cảnh quan đô thị, nên khi xây dựng người ta mặc nhiên không nghĩ đến nó nữa.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng cũng nhận định, đời sống hôm nay không có gì thuận lợi cho nghệ thuật - nhất là ngành điêu khắc, nhưng nó lại cung cấp cho nghệ thuật vô vàn vấn đề nhân tình thế thái, mà một đời người không thể thấu đạt hết.

Trong khoảng 20 năm, nghệ thuật đương đại của Việt Nam đã vươn tầm ở khu vực cũng như thế giới. Tuy nhiên, những hạn chế cố hữu thì vẫn vẹn nguyên, không nhiều nghệ sĩ đương đại sống được bằng việc bán tác phẩm, thị trường trong nước khá thờ ơ, dè dặt với cái mới.

Trong triển lãm điêu khắc Hà Nội - Sài Gòn lần thứ 7 năm 2022, cảm hứng sáng tác của những nghệ sĩ đã thành danh thiên về chiêm nghiệm tính phổ quát của tự nhiên, của đời sống tinh thần với độ tinh giản chi tiết và tính cân bằng, thì sáng tác của những người trẻ đề cập đến những hiện tượng bên ngoài một cách trực diện. Các tác phẩm đã giúp người xem hiểu hơn về nghệ thuật điêu khắc, về ý nghĩa của đương đại.

Và ở lần thứ 8 năm 2024, dù còn quá sớm để đánh giá, song những hi vọng về sự quan tâm của công chúng đối với điêu khắc sẽ được tiếp nối. Bởi suy cho cùng, nghệ thuật không phải là thứ xa lạ, ngược lại phải là cái đẹp được công chúng nhận diện từ ý niệm sáng tạo của nghệ sĩ.

Trong 14 năm qua, các nghệ sĩ trong nhóm Hà Nội - Sài Gòn đã tham gia nhiều dự án tư nhân lớn trong nước và quốc tế. Họ cho thấy được sức sáng tạo mạnh mẽ, đáp ứng được các điều kiện về quy mô tổ chức, cũng như các chủ đề, câu chuyện chung. Bởi vậy sự phát triển tiếp theo của điêu khắc cần đến sự góp mặt của các nghệ sĩ, giám tuyển, công chúng, giới phê bình… cùng đối thoại, không chỉ ở ý niệm cũ – mới, mà ngay từ sự cảm thụ tác phẩm đang bày ra trước mắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tên lửa Burevestnik trong một vụ thử nghiệm.

Trận địa tên lửa Burevestnik bị lộ

GD&TĐ - Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, các nhà nghiên cứu Mỹ đã xác định được địa điểm triển khai tiềm năng của 9M370 Burevestnik tại Nga.